ThienNhien.Net – Những bản làng heo hút nằm sát biên giới Việt Nam – Lào qua tỉnh Quảng Trị quanh năm đói nghèo, nay đang đổi thay từng ngày nhờ có đường ô-tô, có điện lưới quốc gia, nước sạch…
Không chỉ thoát đói nghèo, nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số còn làm giàu nhờ phát triển kinh tế vườn, rừng. Đường mòn Hồ Chí Minh xẻ dọc Trường Sơn năm xưa, từng in dấu hàng chục nghìn chiến sĩ vào nam đánh giặc, nay thênh thang ra bắc vào nam, mở ra cơ hội cho bản làng ấm no, hạnh phúc.
Bản Cù Bai thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị nằm sát biên giới Việt Nam -Lào hiện có 110 hộ, đều là dân tộc Vân Kiều sinh sống tự bao đời bên sườn tây Trường Sơn hùng vĩ. Đại úy Trần Minh Đồng, cán bộ Biên phòng cắm bản Cù Bai khoát tay về phía dòng sông nói: Sê Băng Hiêng bắt nguồn từ những ngọn núi cao ngất của Trường Sơn, chảy về hướng tây tới bản Cù Bai, qua đất bạn Lào, hòa vào dòng Mê Công ra biển. Trong những năm đầu chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, bộ đội ta mở đường Hồ Chí Minh đến đây thì xuôi dòng Sê Băng Hiêng qua đất bạn. Do thám được, Cù Bai thành “tọa độ lửa”, là điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhằm ngăn chặn những đoàn quân từ miền bắc vượt Trường Sơn, chi viện cho tuyến đầu đánh Mỹ, giải phóng miền nam. Hơn ba chục năm sau ngày thống nhất đất nước, vùng này không có đường ô-tô, từ bản ra đến xã mất nửa ngày, còn về đến huyện ròng rã hai ngày đi bộ.
Đời sống người dân chủ yếu nhờ vào nương rẫy, săn bắt thú rừng, cá suối…, cảnh nghèo đói triền miên. Từ năm 2002, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây mở ra, giao thương ngày càng sôi động. Hằng ngày, bà con ra chợ Hướng Phùng chừng 20 phút xe máy là có đủ mọi thứ cần thiết để mua sắm, hoặc vào hẳn Khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị) cũng chỉ mất hơn một giờ đồng hồ, hàng hóa thứ gì cũng có.
Thấy chúng tôi ngửa cổ nhìn lên những cánh rừng xanh tốt, chạy từ sát dòng Sê Băng Hiêng lên tít tận đỉnh Ca Tam cao ngất, già làng Hồ Xừng cho biết: Rừng bời lời của dân bản Cù Bai mình trồng đấy, gần 300 ha chứ không ít đâu.
Trong ngôi nhà sàn rộng lớn, già Hồ Xừng, người cựu chiến binh hơn 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, tay cầm chén rượu ngô mới cất, giọng trầm xuống: “Ngày xưa cơ cực lắm, bà con chỉ biết lên rừng bẫy con thú, xuống suối kiếm con cá, vào rừng lấy măng, lấy củ mài. Gạo không đủ ăn đâu. Còn hồi đánh Mỹ, dân bản phải lánh ra phía Quảng Bình, già ở lại tham gia đánh giặc”. Đất nước thống nhất, ông trở về quê hương thu dọn bom mìn, cải tạo đất đai, cùng bà con xây dựng cuộc sống mới. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì cây bời lời mới du nhập, chủ yếu trồng ở Tây Nguyên, làm sao bà con Cù Bai biết mà trồng, già Hồ Xừng vỗ vai người đàn ông trung niên ngồi bên cạnh, cười sảng khoái: “Đây, đồng chí Lê Đình Hoan là người mang cây bời lời về cho bà con mình”.
Nhấp thêm hớp rượu trong vắt, anh Hoan chậm rãi: “Quê tớ ở dưới đồng trũng Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị), từng là lính biên phòng từ năm 1978, đến 1982 thì xuất ngũ. Rồi bén duyên cùng cô sơn nữ Hồ Thị Linh ở Cù Bai, thế là lên đây lập nghiệp”. Thời gian đầu, anh lặn lội khắp các bản làng làm nghề buôn bán phế liệu để kiếm sống. Thấy bà con Cù Bai quanh năm nghèo khó, anh quyết tìm cách giúp họ.
Đất đai ở Hướng Lập rất nhiều, có thể phát triển kinh tế rừng để làm giàu, năm 1999, anh gom góp hai chục cây vàng có được từ nghề buôn bán phế liệu, lặn lội lên Tây Nguyên tìm học, và nhận ra cây bời lời phù hợp với khí hậu, đất đai và địa hình có độ dốc lớn ở vùng miền tây Hướng Hóa. Mang giống về ươm, mua sách lâm nghiệp về mày mò đọc, nghiên cứu, thử nghiệm. Thấy cây sống được, anh tìm đến hai già làng uy tín nhất là Hồ Xừng và Hồ Thứ.
Sau nhiều đêm trò chuyện, những suy nghĩ của anh thấm vào hai già làng. Được chàng rể, cựu chiến binh Lê Đình Hoan hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây, hai cựu chiến binh, đảng viên lão thành Hồ Xừng và Hồ Thứ lên đồi chặt cây, đào hố trồng rừng, rồi vận động bà con cùng làm, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng rừng xen sắn, khoai, gieo lúa rẫy, nuôi thả trâu bò. Ông Hồ Xừng kể: “Bà con Vân Kiều mình bao đời chỉ biết đốt phá rừng làm rẫy chứ có biết trồng rừng bao giờ, đối với họ việc trồng rừng để sống được đã rất lạ tai, nói gì chuyện làm giàu”.
“Nó lặn lội đến từng nhà, rồi qua các bản khác hết ngày này sang tháng khác, không biết bao nhiêu lần, dần dần cũng vận động được bà con tham gia trồng rừng”, già làng Hồ Thứ góp thêm câu chuyện.
Bao nhiêu tiền của kiếm được, rồi bán mảnh vườn, anh Hoan đầu tư vườn ươm, cung cấp miễn phí cây giống, phân bón, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời, cam đoan bao tiêu sản phẩm cho bà con khi rừng bời lời cho thu hoạch. Từ công sức, tâm huyết của các cựu chiến binh, dân bản tin và tích cực khai hoang, đào hố trồng cây, diện tích rừng của bà con Vân Kiều ở Cù Bai tăng lên nhanh chóng. Cây bời lời trồng khoảng bảy đến tám năm thì cho thu hoạch, vòng đời khai thác có thể đến 100 năm. Vỏ cây bời lời được ép lấy dầu, dùng trong ngành công nghiệp. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm thu hoạch từ 50 đến 70 triệu đồng/ha từ bời lời. Anh Hồ Tả Coi, 22 tuổi, kể với chúng tôi: “Họ cho giống, phân bón, còn bày cách đào hố, trồng cây thì mình trồng. Mình thì mới trồng được có mấy héc-ta thôi.Cũng mong là trồng rừng kiếm được nhiều tiền, đời sống khá hơn. Ở đây dân mình giờ chỉ trồng bời lời thôi”. Anh Hồ Văn Thơi, 33 tuổi, trồng được năm ha bời lời, thu hoạch vụ đầu, trừ chi phí còn được hơn 150 triệu đồng xúc động kể: “Cầm tiền mà run, chưa bao giờ vợ chồng mình có số tiền lớn đến vậy”. Già làng Hồ Xừng cũng nói luôn: Mình có 20 ha, trong đó gần một nửa đã thu hoạch. Vài năm nữa, cứ tính ngang giá 100 triệu đồng/ha, là mình có hai tỷ rồi nhé. Rồi 40 con trâu, bò, năm ha ruộng lúa, thêm ba ao cá, vườn cây ăn quả, tính ra không dưới ba tỷ đồng. Ông Lê Hữu Tuấn, Phó phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa, từng là Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Hướng Lập cho biết: Cả bản Cù Bai có hơn trăm hộ dân, cách trung tâm xã 15 cây số, nay không còn hộ đói nghèo.
20 hộ có hơn 10 ha rừng bời lời, trị giá mỗi ha hơn trăm triệu đồng, vậy là có ít nhất 20 tỷ phú rồi, đáng gọi là làng tỷ phú. Cả bản nhà nào cũng có rừng, có ruộng nước, ao cá. Nhiều nhà có của ăn của để.
Khi lưới điện quốc gia, có đường ô-tô về đến bản, nhà nào cũng mua sắm ti-vi, xe máy, hơn một nửa số hộ làm được nhà khang trang kiên cố, trị giá vài trăm triệu đồng. Năm vừa qua, cả thôn có hơn 400 nhân khẩu làm ra 60 tấn lúa, dư ăn quanh năm.
Vừa ra giêng, bà con Vân Kiều bản Cù Bai đã bận rộn với việc phát dọn, chăm sóc rừng, chuẩn bị vào mùa trồng rừng mới. Thiếu tá Hoàng Hữu Thâm, cán bộ Đồn Biên phòng Cù Bai về tăng cường làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Lập cho biết: Xã Hướng Lập hiện có 600 ha rừng bời lời, trong đó riêng ở Cù Bai 300 ha. Ông Thâm vui ra mặt khi nói về đồng đội cũ Lê Đình Hoan, về những đảng viên lão thành gương mẫu như ông Hồ Xừng, Hồ Thứ. Họ không chỉ giúp bà con giống cây trồng, đất đai mà còn hỗ trợ đám thanh niên khai hoang đất rừng, ruộng nước, bán rẻ trâu, bò cho bà con cày bừa. Rừng bời lời đang được bà con các xã lân cận như Hướng Việt, Hướng Phùng đến học hỏi, trồng theo.
Đi dọc đường Hồ Chí Minh qua Khe Sanh, Hướng Hóa hôm nay, ít ai còn nhận ra “cửa tử” Cù Bai trên tuyến đường năm xưa. “Tọa độ lửa” nham nhở vết bom đạn chiến tranh trước đây nay là những cánh rừng xanh tốt; những vườn cây, ao cá; những mái nhà san sát bên nhau; quanh năm cơi bếp lửa hồng, rộn vang tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Cuộc sống đang hồi sinh, dòng Sê Băng Hiêng trong vắt hiền hòa, rừng quế, bời lời xanh tươi soi bóng.
Giữa núi rừng, chiếc áo thổ cẩm của bà mẹ trẻ rực rỡ giữa nắng xuân, tiếng trẻ bi bô học đếm, học đọc, học hát ngân nga dưới nếp sàn mới. Làng tỷ phú Cù Bai yên bình soi bóng xuống dòng Sê Băng Hiêng giữa xanh thẳm Trường Sơn.