ThienNhien.Net – Ngày 20/2, tại TP.HCM, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo phát triển năng lượng gió, nhằm trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng sạch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có chiều dài biển 3.000 km, với nhiều nơi hội tụ gió tốt, như: Ninh Thuận, Bình Thuận… Chính phủ đã ưu tiên phát triển điện gió để cung cấp cho nhu cầu năng lượng của đất nước với việc ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-7-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Việt Nam mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo dựa trên hợp đồng mua bán điện mẫu. Hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió nối lưới với giá 7,8 USD/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; điều chỉnh theo tỉ giá tiền đồng/USD), ưu đãi về hạ tâng đất đai, trợ giá cho những dự án điện gió không nối lưới…
Việt Nam đang ở những bước đầu khai thác tiềm năng năng lượng gió với ba dự án điện gió đã đưa vào vận hành, mở ra một ngành công nghiệp mới về năng lượng, cung cấp một sản lượng điện khiêm tốn vào hệ thống lưới điện quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có 50 dự án điện gió tại 15 tỉnh thành trong cả nuớc. Một số dự án điện gió tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định.
Chẳng hạn, dự án nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu mỗi năm cung cấp khoảng 320 triệu Kwh điện hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần ổn định an ninh năng lượng, tăng tỉ phần năng lượng tái tạo, ngoài ra dự án còn giảm lượng khí phát thải nhà kính khoảng 190.000 tấn CO2/năm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài việc làm tăng nguồn thu ngân sách, dự án điện gió còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, mở ra cơ hội cho phát triển du lịch của địa phương.
Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc phát triển của dự án điện gió, với sự thành công trong phát triển năng lượng gió như tạo ra điện gió với công suất 60.000 MW, chiếm 2,9% trong tổng nguồn điện năng của cả nước, Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hỗ trợ cho Việt Nam trong phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Bà Pinsuda Alexander, Giám đốc quốc gia phụ trách vùng Đông Nam Á, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho biết, đã hỗ trợ kĩ thuật để thực hiện nghiên cứu với Cục Điều tiết điện lực Việt Nam nhằm xây dựng các quy định cụ thể đưa điện gió trở thành nguồn năng lượng ổn định trong hệ thống điện lưới quốc gia của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam còn gặp một số khó khăn, thách thức. Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Công ty TNHH Công Lý, đơn vị đầu tư xây dựng trang trại điện gió tại tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn bộ quá trình xây dựng, lắp đặt được thực hiện trên biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Bên cạnh đó, dự án có qui mô công suất và vốn đầu tư lớn, công nghệ mới và kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thi công xây dựng, lắp đặt, do đó không thể tránh khỏi các phát sinh chưa lường hết được trong quá trình thi công.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty vận tải liên hiệp Huy Hoàng cho biết, việc thi công các dự án điện gió chủ yếu ngoài biển nên phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện sóng gió, thủy triều & thời tiết biển. Thời gian thuận lợi thi công trong năm chỉ khoảng 8 tháng (từ tháng 2 đến tháng 9). Máy móc thiết bị phục vụ công tác thi công (sà lan, cẩu …) còn hạn chế, ít loại phù hợp với tình hình thực tế tại công trường (hở đất khi triều rút & ngập nước khi triều lên), nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các dự án điện gió.
Trước những khó khăn trên, tại hội thảo, các chuyên gia của Hoa Kỳ đã chia sẻ một số kinh nghiệm về các giai đoạn xây dựng nguồn điện gió tại Việt Nam như: xây dựng dự án, cơ chế khuyến khích tài chính, điều kiện mua bán năng lượng tái tạo, giá bán điện gió…