ThienNhien.Net – Việc vinh danh cây di sản gắn liền với trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc cây.
Năm 2010, vấn đề vinh danh và bảo vệ cây di sản lần đầu tiên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) khởi xướng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch VACNE, cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ.
Để công nhận một cây trở thành cây di sản, VACNE phải thành lập Hội đồng xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây, xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về văn hóa, lịch sử, xã hội và giáo dục… Ngay sau khi công bố tiêu chí xét duyệt vinh danh cây di sản, VACNE nhận được hồ sơ đăng ký của Trưởng ban di tích đền Voi Phục (Thụy Khuê, Hà Nội) Nguyễn Văn Tùng, đề nghị công nhận 9 cây muỗm cổ thụ ở Đền Voi Phục là cây di sản Việt Nam.
9 cây muỗm đền Voi Phục có tuổi thọ hơn 700 năm tuổi, gắn liền với việc xây dựng đền Voi Phục từ thời nhà Lý là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh cây di sản nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. VACNE đã khẳng định rằng cả 9 cây muỗm này đều rất xứng đáng được tôn vinh là cây di sản Việt Nam, cần được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy vậy, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi được gắn biển, 9 cây muỗm cổ đền Voi Phục hiện chỉ có 4 cây còn sống.
Đại thụ 700 tuổi ngắc ngoải chống sâu bệnh
Hai tiếng “xót xa” là tất cả những gì mà ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng ban quản lý di tích đền Voi Phục – người đã gắn bó với những cây muỗm đại cổ thụ này được gần 30 năm cảm nhận sau khi 5 trên 9 cây không còn nữa. Ông Tùng cho biết, sau cái chết của 2 cây đầu tiên hồi cuối năm 2012, tháng 3/2013, ông Tùng đã gửi lời “kêu cứu” đến các cấp chính quyền và VACNE, mong muốn sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Tháng 3/2013, VACNE đã mời chuyên gia từ Úc sang phối hợp cùng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đến xem xét cụ thể để tìm phương án cứu cây. Tuy vậy, VACNE không thể hỗ trợ về kinh phí, ông Tùng phải vay mượn và vận động nhân dân quanh đền cùng đóng góp số tiền 60 triệu đồng để mua thuốc chữa trị cho 6 cây muỗm bị bệnh.
Sau khi được chữa trị, cả 6 cây đều xanh lá trở lại. “Tháng 6/2013, cây vẫn ra hoa. Tuy vậy, đến tháng 11 năm ngoái, 3 trong số 6 cây được cứu chữa rụng lá dần và sau đó chết hẳn” – ông Tùng nói.
Hiện tại, trong 4 cây vẫn còn xanh lá, 2 cây bắt đầu có dấu hiệu sâu bệnh giống như các cây đã chết.
Ông Tùng xót xa cho biết, 3 cây chết khô trơ trụi trong khuôn viên đền đang đợi quyết định để được cưa bỏ trong tháng này. Ông Tùng mong muốn thành phố sớm có quyết định cưa bỏ cây để ông và ban quản lý di tích vận động trồng lại cây thay thế vào mùa xuân. Những cây muỗm mới được vận chuyển từ Hòa Bình xuống có tuổi thọ từ trên 40 năm, cao khoảng 5 – 6m, đường kính khoảng 30cm, có giá khoảng 30 triệu/cây sẽ được trồng thay thế để đảm bảo số lượng 9 cây muỗm đền Voi Phục. “Quần thể 9 cây muỗm được gọi là trùng cửu, mãi mãi trường tồn không thể thiếu trong đền Voi Phục từ xưa đến nay. Vì thế việc trồng cây thay thế là cần thiết” – Ông Tùng cho biết.
Ý thức cộng đồng
Trao đổi về vấn đề vinh danh và bảo vệ cây di sản, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch VACNE cho biết, bảo vệ các cây di sản là vấn đề mang tính cộng đồng, vì vậy việc bảo tồn, gìn giữ cây di sản phải có sự chung tay của cộng đồng. “VACNE là tổ chức hoàn toàn không có kinh phí, chúng tôi hoạt động dựa vào cái “tâm” muốn cống hiến hết mình cho khoa học. Vì vậy, trước sự việc 9 cây muỗm đền Voi Phục bị bệnh, hội chỉ hỗ trợ được về tư vấn, mời chuyên gia đến xem xét, còn thuốc chữa bệnh cho cây thì VACNE không có kinh phí”.
Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, một trong những tiêu chí xác định cây di sản là khả năng bảo vệ của cây đó, về môi trường sinh sống, cũng như điều kiện chăm sóc có tốt hay không. Nghĩa là trách nhiệm bảo vệ cây di sản trước hết thuộc về nơi quản lý cây, ý thức cộng đồng dân cư khu vực cây di sản. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, khi vinh danh, quần thể 9 cây muỗm hội tụ đầy đủ những tiêu chí là cây di sản. Tuy vậy, 2 năm sau đó, một số cây bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh và chết đi. VACNE đã cử nhiều đoàn về nghiên cứu, lấy mẫu sâu bệnh, cũng như mời chuyên gia nước ngoài tham gia vào việc chữa trị cho cây. Trách nhiệm của Hội chỉ dừng lại ở đó, còn kinh phí mua thuốc chữa bệnh cho cây, VACNE không thể lo được.
9 cây muỗm cổ tại đền Voi Phục là 9 cây muỗm đầu tiên VACNE vinh danh cây di sản. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh khẳng định , trong số gần 600 cây di sản được vinh danh, hầu như chưa có trường hợp nào bị bệnh như quần thể muỗm tại đền Voi Phục. Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 5 trong số 9 cây muỗm đền Voi Phục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, ngoài việc bị sâu bệnh xâm hại cũng như những biến đổi về khí hậu, hay tuổi thọ của cây, việc xây dựng, tu bổ đền Voi Phục vào tháng 3/2011 cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe” của các “cụ” muỗm.
Với kinh phí gần 20 tỷ đồng, đền Voi Phục được tu bổ khang trang hơn. Tuy vậy, trong quá trình xây dựng, nhiều công nhân vô ý đổ cát sỏi, vôi vữa quanh khu vực gốc cây. Họ không ý thức được rằng đây là những cây di sản cần được bảo vệ, chỉ biết chỗ nào gần nơi xây dựng, chỗ đó để trộn vữa, xi măng.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc vinh danh cây di sản gắn liền với trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ cây. Không phải cứ xây tường xi măng bao quanh gốc cây, gắn biển cây di sản là đủ. Việc vinh danh nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ cây di sản nói riêng và bảo vệ thiên nhiên môi trường nói chung, cũng là bảo vệ cuộc sống cho cộng đồng.