ThienNhien.Net – Sau khi một số cơ quan báo chí thông tin về “Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường”, nêu ý kiến của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng về việc sử dụng giá trị mực nước 2,53m tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa trên sông Vu Gia, làm cơ sở vận hành được quy định trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 là vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước, xâm hại lợi ích của người dân vùng hạ du thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, ngày 13/2/2014, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có Công văn số 77/TNN-LVS, phản hồi về vấn đề xả nước sông Vu Gia.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng: Các vấn đề về xả nước của Thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế… đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có, thực trạng hệ thống các hồ đã được xây dựng, đồng thời hài hòa với nhiệm vụ phát điện và bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, người phát ngôn của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Dự thảo Quy trình không vi phạm Luật Tài nguyên nước cả về mặt trình tự thủ tục soạn thảo và nội dung quy định. Các nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất theo lưu vực sông, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu nguồn nước và các yêu cầu trong khai thác, sử dụng nước của các hồ chứa, cả thủy điện và thủy lợi như bảo đảm dòng chảy tối thiểu, phòng, chống lũ, lụt, hán hán nhân tạo… mà Luật đã quy định, đều được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trong từng dự thảo phương án vận hành.
Chẳng hạn như những yêu cầu về giảm lũ cho hạ du, bảo đảm yêu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du được đặt lên trên việc bảo đảm nhiệm vụ phát điện. Phải nói rằng, để thay đổi được nguyên tắc, thứ tự ưu tiên này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mất rất nhiều thời gian và công sức, vì phần lớn các hồ chứa đã được xây dựng từ trước, khi tính toán đầu tư, phê duyệt nhiệm vụ cũng không đặt vấn đề này chưa đúng mức, nay đã đầu tư rồi.
Các vấn đề về xả nước của thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa… đã được các chuyên gia nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn… Nghĩa là phải đặt các phương án vận hành để cấp nước cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng, mà không khéo, bên thì xả nước nhiều, gây lãng phí còn bên kia lại không đủ nước dùng.
Về trình tự xây dựng quy trình: Mặc dù Quy trình vận hành liên hồ chứa không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng để bảo đảm có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, bảo đảm chất lượng xây dựng quy trình, quá trình xây dựng Dự thảo đã được Bộ áp dụng như trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài việc mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu, Bộ còn thành lập tổ soạn thảo với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chủ hồ và nhiều viện, trường đại học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động, phối hợp với lực lượng chuyên gia tư vấn khá hùng hậu, cùng lực lượng chuyên môn của Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia… thảo luận, tính toán, lựa chọn phương án.
Về phía địa phương và các nhà máy điện, ngoài các cuộc họp của tổ soạn thảo, Bộ đã trực tiếp làm việc nhiều lần để trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến yêu cầu sử dụng nước của địa phương, nguồn nước hiện có và khả năng điều tiết của các hồ chứa… Bộ cũng đã hai lần gửi hồ sơ lấy ý kiến chính thức của các bộ, ngành, địa phương, các nhà máy thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan. Các ý kiến góp ý đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp đầy đủ theo từng điều khoản, nghiên cứu kỹ lưỡng từng ý kiến để tiếp thu hoặc giải trình cụ thể, báo cáo Thủ tướng.
Trước đây, vào tháng 7/2013, Đà Nẵng đã có một văn bản góp ý và Bộ cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng để chỉnh sửa Dự thảo quy trình. Ví dụ như vấn đề mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa.
Về phản hồi mới đây của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng phương án đề xuất này trên cơ sở các nguyên tắc chung là phải sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trên bình diện cả lưu vực. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị của Đà Nẵng, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Lê Văn Hợp, quy trình vận hành liên hồ chứa không phải là “bùa bộ mệnh” có thể giải quyết mọi yêu cầu về sử dụng nước, nó chỉ có thể tạo ra một cơ chế phối hợp vận hành điều tiết để sử dụng nguồn nước hiện có một cách hợp lý, hiệu quả hơn. Hy vọng trong thời gian tới, khi có thêm nguồn nước thủy điện sông Bung 4 với trên 200 triệu m3… việc chia sẻ nguồn nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ tốt hơn.