ThienNhien.Net – Việc xây dựng thủy điện ở miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Đặc biệt trong đó lên là việc mất rừng quá nhiều, các khu tái định cư chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân, động đất kích thích khiến người dân bất an.
Chính quyền nói có, Bộ nói không!
Mới đây Bộ Công Thương chính thức có văn bản trả lời cử tri Quảng Nam là các nhà máy thủy điện không phải là tác nhân gây ra lũ. Cùng với kết luận trên Bộ Công thương đã đưa ra những số liệu minh chứng cụ thể và còn cho rằng thủy điện… có công! Đó là góp phần điều tiết lũ.
Thế nhưng người dân hạ du và chính quyền đã phản ứng quyết liệt. Ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, lũ nặng ở hạ du trong đó có sự công hưởng của xả lũ thủy điện, chứ không phải chỉ đổ lỗi do biến đổi khí hậu, thiên tai gây nên. “Cần phải có cán bộ của địa phương giám sát việc xả lũ của thủy điện, lúc đó mới biết họ xả đúng hay sai quy trình, cũng như thủy điện phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân vùng hạ du vì họ gặp khó khăn trong sản xuất khi lũ đột ngột tràn về” – ông Tính nhấn mạnh.
Còn ông Võ Thân, một người dân tại xã Quế Phước, huyện Nông Sơn bức xúc: “Thủy điện thượng nguồn xả lũ bất ngờ khiến nước lũ lên quá nhanh, dân vùng hạ du trở tay không kịp mà nói không gây ra lũ là răng?” Do vậy, trước kết luận của Bộ Công thương, ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng nơi bị thiệt hại nặng do lũ dữ nói: “Đề nghị ngành chức năng phải trực tiếp gặp dân, nghe dân nói, xác minh điều tra cụ thể, cần thiết đối chứng với dân, chứ nói lý luận chung chung thì khó ai chấp nhận được”.
Làm sao để dân an với thủy điện?
Câu chuyện lũ dữ do đâu vẫn chưa ngã ngũ, nhưng hằng năm người dân Quảng Nam phải gánh lũ dữ là thực tế. Vậy làm sao để dân an tâm sinh sống và hạn chế tối đa thiệt hại do lũ? Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, Nguyễn Thanh Quang cho rằng, nói thủy điện có ảnh hưởng lũ đúng nhưng nói không cũng không sai. Vì thực tế, nếu không có thủy điện, hằng năm phía hạ du vẫn xảy ra lũ lụt. “Đợt lũ lớn trong năm 2013 vừa rồi là do bão kèm mưa lớn nên lũ lên nhanh quá, nước về hồ cao. Nếu các thủy điện không xả lũ nguy cơ sẽ vỡ đập. Thủy điện xả lũ, có báo cáo với tỉnh và các địa phương, nhưng báo cáo trong thời gian quá nhanh, quy trình đó không phù hợp với thực tiễn nữa” – ông Quang nói.
Do đó nhiều cử tri và các chuyên gia thủy lợi cho rằng, việc giám sát quy trình xả lũ của thủy điện phải có đại diện của chính quyền tham gia. Cơ quan nào giám sát, trách nhiệm như thế nào. Việc thông báo lũ thời gian bao lâu là hợp lệ, để người dân còn chuẩn bị. Ông Quang còn cho rằng: “Phải hạ mực nước các hồ thủy điện xuống thấp nhất từ tháng 9, 10 để nâng dung tích phòng lũ. Đến tháng 11 mới cho tích nước trở lại. Vào mùa hạn cũng phải có quy trình cụ thể. Nếu giải quyết được việc này sẽ ổn vào mùa lũ, không sợ thiếu nước vào mùa khô”.
Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng khẳng định: “Quy trình điều hành, điều tiết xả lũ ở các nhà máy thủy điện còn bất cập. Việc giám sát thủy điện xả lũ chưa có cơ quan nào được giao chức năng rõ ràng và có quyền lực để can thiệp vào việc điều hành của các thủy điện. Trong khi đó, các quy định hiện hành còn khá chung chung. Do đó, cần phải đưa ra một quy định cụ thể và có người địa phương giám sát việc xả lũ của tất cả các thủy điện”.
Từ thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm điều chỉnh, bổ sung toàn diện quy định vận hành trong mùa lũ so với quy trình đã ban hành trước đây để giải quyết các bất cập nêu trên. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, vận hành, giám sát hồ chứa, công tác kiểm định an toàn đập và lập phương án phòng, chống lũ lụt kỹ càng, đồng thời xây dựng các chính sách và cơ chế để giúp địa phương, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đúng theo quy định của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo. Chỉ có vậy người dân mới có thể sống chung vơi lũ.