ThienNhien.Net – 14 năm hoạt động cũng là chừng ấy thời gian KCN Thụy Vân (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) không ngừng xả chất thải độc hại, đầu độc vài chục ha đất nông nghiệp, gieo rắc ô nhiễm, bệnh tật, sự chết chóc cho hàng nghìn người dân xung quanh. Đáng buồn hơn, trái ngược với sự hoang mang, lo lắng của người dân thì cơ quan quản lý KCN và ngành chức năng liên quan lại rất thờ ơ …
Ngắc ngoải vì KCN
KCN Thụy Vân bắt đầu hoạt động từ năm 2000 với hơn 60 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động. Không thể phủ nhận những mặt tích cực, hiệu quả kinh tế mà KCN này đem lại cho địa phương. Tuy nhiên, do phát triển công nghiệp mà coi nhẹ môi trường, cộng với sự buông lỏng quản lý của ngành chức năng, khiến cho môi trường xung quanh KCN Thụy Vân đang bị hủy hoại đến mức đáng lo ngại.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây là các thôn Vĩnh Phú, Phú Hậu (xã Thụy Vân) và một phần của TP. Việt Trì. Nếu như trước đây, khu đầm Láng Bỗng nằm trên địa bàn xã Thụy Vân là vựa lúa, vựa cá lớn nhất của xã Thụy Vân thì từ khi KCN Thụy Vân bước vào hoạt động, xả thải gây ô nhiễm thì lúa, hoa màu, cá tôm tại khu đầm này cứ “chết dần, chết mòn”. Đến nay đầm Láng Bỗng rộng hàng chục ha đã trở thành vùng đất “chết”. Bà Đinh Thị Xuân (người dân sống gần KCN Thụy Vân) bức xúc: “Trước đây, người dân chăm chỉ làm nông nghiệp nên đời sống kinh tế cũng ổn định, không ai bị đói. Nay cánh đồng bỏ hoang, tôm cá thả xuống cứ chết trắng đầm, người dân liên tục thiếu đói vì không có thu nhập. KCN Thụy Vân xả thải độc hại khiến bà con bị thiệt hại đã rõ như ban ngày, vậy mà người dân chẳng được đền bù gì là điều không thể chấp nhận được…”.
Ông Trần Văn Quyết (xã Thụy Vân) phàn nàn: “Hàng chục năm nay, gia đình tôi luôn mất ăn, mất ngủ vì mùi nước thải của các nhà máy. Hôm trời mát còn dám mở cửa chứ trời mưa thì nước thải ngập lênh láng, lội xuống ruộng chân tay ghẻ lở, trời nắng thì không khí đặc quánh, khó thở… Buổi tối đeo khẩu trang cũng không tài nào ngủ được…”. Tỷ lệ thuận với sự ô nhiễm môi trường ngày càng tăng là các dịch bệnh nơi đây bùng phát ngày càng nhiều. Trong đó, số lượng người chết vì bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo, chết trẻ ngày càng gia tăng.
Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, trước sự bức xúc của người dân, đầu năm 2013, UBND tỉnh Phú Thọ đã có công văn giao cho UBND TP. Việt Trì và công ty cấp nước hỗ trợ cho người dân, tuy nhiên đến nay yêu cầu đó vẫn chưa được thực hiện.
Đùn đẩy trách nhiệm
Để giải quyết vấn đề môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Thụy Vân có công suất 5.000m3/ngày đêm với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Công trình được giao cho Công ty phát triển hạ tầng các KCN Phú Thọ thực hiện. Tuy nhiên giờ dự án vẫn đang nằm im bất động. Lý giải về vấn đề này, ông Hà Tất Lợi – Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng các KCN Phú Thọ cho biết: Hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN Thụy Vân đã được phê duyệt đầu tư từ năm 2002, đã hoàn thành hạng mục san nền trạm xử lý, đường công vụ và tuyến thoát nước sau xử lý. Riêng đối với Trạm xử lý nước thải tập trung do thay đổi thiết kế và khó khăn về nguồn vốn nên tạm dừng thi công từ năm 2005. Để giảm thiểu ô nhiễm tại đây, KCN đã xây dựng hệ thống hồ điều hòa xử lý tạm nguồn nước thải bằng men vi sinh. “Những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại KCN Thụy Vân, công ty đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương xử lý tối đa để bảo vệ môi trường, tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách bố trí cho đầu tư hạn chế nên việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường chưa đảo bảm tiến độ nên đã đề nghị các đoàn kiểm tra xem xét miễn không xử phạt vi phạm hành chính…” – ông Lợi bày tỏ.
Tuy nhiên, người dân cho biết: Thay vì xây dựng khu xử lý nước thải tập trung thì KCN Thụy Vân lại đang rục rịch xây dựng những đường ống để đưa nước thải trực tiếp ra sông Hồng.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Thụy Vân, ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ đánh giá: KCN Thụy Vân chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo quy chuẩn. Nồng độ chất độc hại trong nước thải xả ra môi trường vẫn còn cao, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước thải. Từ năm 2001 đến nay liên tục có hiện tượng nước thải của KCN Thụy Vân gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn về lúa và nuôi trồng thủy sản.
Còn theo ông Bùi Quang Tùng – Trưởng Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ) cho hay: “Chi cục chỉ biết là có ô nhiễm, tuy nhiên không đánh giá được mức độ ảnh hưởng cụ thể đến môi trường và sức khỏe của người dân. Để đánh giá chính xác thì phải có cơ quan chuyên môn đánh giá”. Cũng theo ông Tùng, tình trạng ô nhiễm tại KCN Thụy Vân là do lịch sử để lại. Trước kia các qui định về đảm bảo môi trường ở KCN chưa chặt chẽ như bây giờ. Đồng thời ông Tùng khẳng định: “Để xảy ra tình trạng ô nhiễm trên trách nhiệm chính là của Ban quản lý các KCN Phú Thọ.”
Với tình trạng “vòng vo trách nhiệm” và công tác xử lý môi trường theo kiểu “giậm chân tại chỗ” như hiện nay, không biết đến bao giờ người dân Thụy Vân nói riêng và vùng hạ lưu mới thoát khỏi hệ lụy của ô nhiễm môi trường do KCN này gây ra.