ThienNhien.Net – Đã nhiều năm qua, kể từ khi hệ thống thủy điện bậc thang được xây dựng phía thượng nguồn sông Vu Gia, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng luôn rơi vào tình trạng căng thẳng nguồn nước vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Và cũng đã nhiều lần, hai địa phương này kêu ca, đệ đơn đề nghị Chính phủ đứng ra giải quyết. Thế nhưng, hiện nay vấn đề này vẫn chưa giải quyết.
Đầu năm đã lo chống hạn
Khoảng vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng việc chống hạn đã trở thành nỗi lo thường trực. Trước đây, đến tháng 4, tháng 5 hàng năm mới xuất hiện tình trạng nhiễm mặn, vậy mà trong vài năm trở lại đây, khi các hồ thủy điện bắt đầu tích nước phía thượng nguồn, các nhánh sông thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn của Quảng Nam và TP Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn sớm.
Sáng 16-2, liên lạc với ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, ông Quang cho biết ông đang trên đường đi kiểm tra công tác chống hạn vì dự báo năm nay sẽ hạn nặng. Đã 3 năm qua, Quảng Nam phải ứng phó với hạn hán ngay từ đầu năm. Riêng năm nay, kế hoạch chống hạn, đẩy mặn cho các sông cũng đang thực hiện một cách quyết liệt.
Tại Đà Nẵng, không chỉ ngành nông nghiệp bắt đầu lo thiếu nước mà cả 1,3 triệu dân thành phố lớn nhất miền Trung này cũng đang ngay ngáy lo thiếu nước sinh hoạt.
Trong 2 năm 2012 và 2013, nước biển xâm nhập sâu, nhà máy nước Cầu Đỏ, nhà máy nước phục vụ nguồn nước sinh hoạt chính cho TP Đà Nẵng đã phải cắt bớt công suất vì nước mặn xâm nhập. Để có đủ nguồn nước phục vụ cho nhân dân, nhà máy nước Cầu Đỏ đã phải bơm nước từ đập An Trạch cách nhà máy 8km về để sản xuất nước khiến kinh phí tăng lên mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2013, lượng mưa giảm hơn 50%, trong khi thủy điện Đắk Mi 4 không xả nước về phía sông Vu Gia như đã cam kết dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên lưu vực sông Vu Gia, trong đó có TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An của tỉnh Quảng Nam, khiến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hơn 1,7 triệu dân gặp khó khăn.
Tăng giá nước vì… thủy điện cắt dòng
Đầu tháng 2-2014, UBND TP Đà Nẵng chính thức quyết định điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt thêm 10% kể từ tháng 2-2014. Lý do của việc tăng giá nước lần này nhằm “bù” vào mức chi phí sản xuất nước tăng cao, trong đó có hơn 10 tỷ đồng của việc bơm nước từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ do các nhà máy thủy điện chặn dòng từ phía thượng nguồn Vu Gia gây nhiễm mặn sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ. Để không gây áp lực đối với người dân, Đà Nẵng phải giảm mức thu phí bảo vệ môi trường (thu cùng với hóa đơn tiền nước – PV) từ 23% xuống còn 10%. Tuy nhiên, việc tăng giá nước lần này thêm 10% (dù đã giảm phí bảo vệ môi trường) đã khiến người dân bức xúc, bởi lẽ không lý do gì thủy điện làm mà bắt dân phải gánh chịu.
Việc thủy điện Đắk Mi 4 cắt nước dòng Vu Gia để đổ về Thu Bồn khiến hạ du sông Vu Gia thiếu nước trầm trọng. Tháng 3-2013, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ TN-MT làm việc với Bộ Công thương yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 xả nước với lưu lượng 25m³/giây về lại sông Vu Gia như đã cam kết trước đó để chống hạn. Thế nhưng, đã gần 1 năm trôi qua, việc tranh chấp nguồn nước giữa Đà Nẵng với nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 vẫn chưa ngã ngũ.
Nghiên cứu và quan trắc trong 37 năm từ năm 1976 – 2012 cho thấy mực nước mùa kiệt nhất tại trạm Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là 2,8m, trong khi quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 thì Bộ TN-MT quy định mực nước kiệt là 2,5m. Khi mực nước xuống thấp dưới 2,5m, thủy điện Đắk Mi 4 mới xả về hạ du với lưu lượng 8m³/giây. Nếu ở mức nước này thì vùng hạ du đã thiếu nước trầm trọng. Từ đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT can thiệp, lấy mực nước khống chế tại Ái Nghĩa là 2,8m để buộc thủy điện Đắk Mi 4 phải xả nước về hạ du.
Như vậy, đã nhiều năm trôi qua với nhiều lần TP Đà Nẵng gửi văn bản kiến nghị lên Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và cả Chính phủ nhưng việc tranh chấp nguồn nước giữa địa phương với nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 vẫn chưa có hồi kết.
Hứa… nhưng không làm
Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) được khởi công xây dựng vào ngày 21-4-2007 và khánh thành vào ngày 10-5-2012, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư. Dự án này nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia, lấy phần lớn nước của lưu vực sông Vu Gia nhưng lại xả về sông Thu Bồn qua các tổ máy khiến nguồn nước của sông Vu Gia bị ảnh hưởng. Liên tiếp nhiều năm, nhiều lần TP Đà Nẵng quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư “trả” nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 47m³/giây. Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 25m³/giây. Tuy nhiên, mấy năm qua, khi vùng hạ du thiếu nước thì Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 chỉ xả “nhỏ giọt” với 8m³/giây. Điều này đã gây không ít khó khăn trong việc sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia. |