ThienNhien.Net – Thời gian qua, giá mì (sắn) luôn ổn định ở mức cao, người trồng mì có lãi nên diện tích trồng mì ở Bình Định liên tục tăng, phá vỡ quy hoạch.
Lo ngại tái diễn nạn phá rừng trồng mì, đất đai thoái hóa, Bình Định đã quyết định đưa cây mì vào vòng kiểm soát.
Diện tích tăng chóng mặt
Theo định hướng, đến năm 2020 diện tích SX cây mì trên địa bàn Bình Định mới đạt con số 10.000 ha. Trong đó, quy hoạch vùng trồng mì nguyên liệu thâm canh ổn định 4.400 ha, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn XK. Vùng mì nguyên liệu tập trung được xây dựng trên địa bàn 21 xã thuộc 3 huyện: Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn. Bên cạnh đó giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 15 độ.
Tuy nhiên, mới đến nay mà diện tích mì đã tăng đến trên 13.000 ha, tập trung ở các huyện: Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão. Theo lý giải của chính quyền các địa phương, nguyên nhân do loại cây này rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm ổn định. Với năng suất mì hiện dao động từ 25 – 30 tấn/ha, bán với giá từ 1,5 – 1,7 triệu đ/tấn, nông dân có thu nhập từ 40 – 50 triệu đ/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu. Đây là mức lãi cao trong điều kiện giá cả nông sản bấp bênh như hiện nay.
Hết đất rẫy, người dân lén lút phá rừng để trồng mì. Đây là nỗi nhức nhối của hầu hết các địa phương có phát trển mạnh diện tích mì trong thời gian vừa qua.
“Việc phát triển ồ ạt loại cây này sẽ dẫn đến nguy cơ đất đai bị thoái hóa. Những diện tích đất đã trồng mì khó có thể trồng các loại cây khác. Để hạn chế tình trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy hoạch đất SX các loại cây trồng đã được tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, phát triển mô hình trồng mì xen các loại cây trồng cạn khác như đậu phụng, mè, đậu nành… nhằm cải tạo đất, tăng thêm hiệu quả kinh tế. Chuyển đổi các diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 15 độ sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…”, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.
Trồng mì thân thiện môi trường
Đầu năm 2014 này, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra tình hình SX cây mì và hoạt động SXKD của Công ty CP CBTBSXK Bình Định. Tại huyện Phù Cát, đoàn công tác đã được thực tế phương pháp trồng mì theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Nâng cao hiệu quả SX trên cùng một đơn vị diện tích, trong đó có việc trồng mì rải vụ là một trong những giải pháp quan trọng trong việc xây dựng vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững. Nhiều hộ đã trồng đậu phụng xen mì đem lại lợi nhuận cao hơn 2 – 3 lần so với trồng luân canh đậu phụng – mì, cao gấp 3,5 lần so với trồng mì thuần. Có hộ còn sử dụng chế phẩm sinh học cho cây mì nhằm làm giảm lượng phân bón, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, đất được cải tạo”.
Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho rằng: Việc nhân rộng mô hình xen canh đậu phụng với cây mì và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mì rải vụ là cần thiết. Để làm được điều đó, Cty CBTBSXK Bình Định cần phải ban hành chính sách đầu tư SX và đảm bảo thu mua hết sản phẩm với giá ngang bằng hoặc cao hơn giá mì thu hoạch chính vụ. Có như vậy, nông dân mới yên tâm đầu tư SX và gắn bó với doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tám, GĐ Cty CP CBTBSXK Bình Định cho biết: “Năm 2014, Cty có kế hoạch SX 22.000 tấn sản phẩm. Để thực hiện được mục tiêu trên, Cty khuyến khích người dân SX các giống mì cao sản có năng suất và hàm lượng tinh bột cao; đồng thời ký hợp đồng nguyên tắc bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá sàn 1,5 triệu đồng/tấn củ mì tươi tại nhà máy, đạt hàm lượng tinh bột 30%. Cty đang đầu tư nâng công suất nhà máy lên gấp đôi, từ 60 tấn lên 120 tấn/ngày; đầu tư hệ thống dây chuyền sấy bã khô, nhằm đảm bảo xử lý hết lượng bã thải ra, giải quyết tốt về môi trường và tăng hiệu quả kinh doanh”.