ThienNhien.Net – Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng che phủ lớn nhất, nhì khu vực Tây Nguyên và có địa bàn rộng lớn, phức tạp, tiếp giáp với Campuchia… Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã trở thành “điểm nóng” của tình trạng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ trái phép. Để giữ được vốn rừng, gần đây, UBND tỉnh cùng các ngành, địa phương ở Gia Lai đề ra nhiều giải pháp thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đạt hiệu quả cao.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh mở Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong QLBVR, trong đó, nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, vận động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ… Đặc biệt, yêu cầu xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị và cán bộ công chức thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng hoặc có biểu hiện bao che, tiếp tay cho “lâm tặc” tàn phá rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng các Hạt kiểm lâm, đội tuần tra cơ động, PCCCR…, cùng lúc phải gánh vác nhiệm vụ khá nặng nề về QLBVR. Trong năm 2013, Chi cục đã thành lập các đoàn công tác về kiểm tra thực tế tại các địa bàn xung yếu về rừng như: huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Đắk Đoa, Mang Giang, Chư Pưh…; qua đó, phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan tỉnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gỗ nhập khẩu từ Campuchia qua cửa khẩu phụ và lối mở biên giới thuộc Đồn Biên phòng Ia Nan, nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng trà trộn gỗ lậu mang đi tiêu thụ.
Tổng số vụ vi phạm về QLBVR phát hiện năm qua là 1.125 vụ, so với năm 2012 giảm 345 vụ và so với những năm trước giảm gấp 5 – 7 lần. Trong đó, phá rừng trái phép 29 vụ gây thiệt hại 47,5 ha, vi phạm về khai thác rừng là 48 vụ; vi phạm về mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép 998 vụ; cháy rừng xảy ra 4 vụ gây thiệt hại 411 ha… Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 1.083 vụ, đã khởi tố hình sự 22 vụ, tịch thu gần 969 m3 gỗ tròn các loại, 1.726 m3 gỗ xẻ, 36 ô tô, máy kéo, 161 xe máy… Tổng giá trị bán tang vật và xử phạt hành chính nộp ngân sách hơn 28 tỷ đồng.
Chi cục đã cấp giấy chứng nhận trang trại nuôi dưỡng, sinh sản động vật hoang dã thông thường cho 6 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, nâng tổng số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trong toàn tỉnh lên 117 cơ sở. Lực lượng kiểm lâm cũng đã bắt giữ 5 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, trong đó, đã khởi tố hình sự 2 vụ tại huyện Ia Grai và Chư Păh. Để quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, ngành Kiểm lâm tiến hành rà soát 322 cơ sở được cấp phép hoạt động, nhưng chỉ có 273 cơ sở có nhập – xuất gỗ và mở sổ theo dõi lâm sản, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; còn lại 49 cơ sở chưa có nhu cầu hoạt động hoặc thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, hiện cả tỉnh còn 36 cơ sở chế biến gỗ đặt vị trí phân xưởng chưa phù hợp với quy hoạch chung, dễ gây tình hình phức tạp trong QLBVR, một số cơ sở có biểu hiện vi phạm về tàng trữ, chế biến nguồn gỗ không hợp pháp.
Dần đưa công tác thiết yếu và quan trọng nhất lan tỏa trong đông đảo quần chúng, đặc biệt là bà con các dân tộc ít người, ngành Kiểm lâm đã triển khai 162 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về QLBVR tại các thôn, làng; thực hiện ký cam kết an toàn lửa rừng đối với hơn 16 ngàn hộ dân, tổ chức sinh sống hoặc đặt trụ sở gần rừng; in phát 19,5 ngàn tờ rơi bằng tiếng Kinh, Ba Na, J rai, để phổ biến nội dung BVR và PCCCR. Phối hợp với các cơ quan báo, đài ở tỉnh và các địa phương mở nhiều chuyên mục thích hợp để chuyển tải chủ trương, chính sách pháp luật, lợi ích của việc BVR đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Toàn tỉnh đã thành lập mới, củng cố và kiện toàn 225 tổ, đội quần chúng QLBVR, làm mới 1.200 bản hiệu cảnh báo cháy rừng, xây dựng 114 km đường ranh cản lửa, đốt trước có điều khiển, mua sắm trên 600 dụng cụ thô sơ trang bị cho lực lượng chữa cháy rừng. Vào đầu mùa khô, Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn tập chống cháy rừng quy mô cấp tỉnh, xây dựng cấp dự báo cháy rừng và thông báo thường xuyên 2 lần/tuần trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt. Ngoài ra, còn bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát lửa rừng tại các vùng trọng điểm dễ gây cháy và trực PCCCR 24 giờ/ ngày đêm. Tham mưu cho các UBND huyện củng cố, kiện toàn về tổ chức, quy chế hoạt động và xây dựng phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Chi cục còn thành lập 2 tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, truy quét và chốt chặn tại huyện Chư Prông, Đức Cơ. Triển khai 3 Đội Kiểm lâm cơ động, 2 đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường lượng lực xuống các địa phương. Phối hợp rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án có sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo, xây dựng Quy chế phối hợp QLBVR vùng giáp ranh…; từ đó, dần đưa công tác QLBVR đi vào nề nếp và hiệu quả được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Nhĩ – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: “Năm 2013, nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp hữu hiệu, nên công tác QLBVR trên địa bàn toàn tỉnh chuyển biến rõ nét, nhất là việc giảm 3 tiêu chí, cả về số vụ, diện tích rừng thiệt hại và số vụ, số người vi phạm buộc phải xử lý hình sự”. Đây là những kết quả to lớn trong cuộc chiến giữ rừng ở Gia Lai rất đáng được ghi nhận.
Tuy nhiên, để công tác QLBVR được khả quan hơn, nhất là trong thời điểm Tây Nguyên đang vào mùa khô với nhiều mối đe dọa về rừng, tỉnh cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức của người dân đối với nghĩa vụ QLBVR, xử lý nghiêm nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, lợi dụng việc khai thác vận chuyển lâm sản nội địa và nhập khẩu từ biên giới về các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Pưh… Đặc biệt là, cần cân nhắc việc giao đất rừng phòng hộ, đầu nguồn, rừng trồng… cho các doanh nghiệp chuyển sang trồng cây công nghiệp.