ThienNhien.Net – Năm 1987, nhằm cung cấp điện cho khu vực thị trấn, chính quyền huyện Chư Păh (cũ) nay là huyện Ia Grai, được UBND tỉnh Gia Lai cho phép, đã trích nhiều tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng thuỷ điện Ia Kha.
Cuối năm 1988, Nhà máy Thuỷ điện Ia Kha với công suất thiết kế 250kW khánh thành, được đưa vào vận hành khai thác dưới sự quản lý của Trạm điện – nước huyện.
Tuy nhiên, chỉ qua vài năm Thuỷ điện Ia Kha đã xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục tình hình, năm 2003, UBND huyện Ia Grai tiếp tục đầu tư 400 triệu đồng từ ngân sách nhằm sửa chữa, nâng cấp 2 máy phát điện. Song, qua hơn 3 năm bán điện cho điện lực (từ 2003 đến tháng 6.2006), hiệu quả kinh doanh của công trình Thuỷ điện Ia Kha vẫn thua lỗ.
Được sự đồng ý của UBND huyện Ia Grai, cuối tháng 6.2006, Đội công trình quản lý đô thị huyện Ia Grai ký hợp đồng cho Công ty TNHH Tấn Trường thuê Thuỷ điện Ia Kha trong thời gian 30 năm, tiền thuê là 120 triệu đồng/năm và được doanh nghiệp này trả luôn 1,2 tỷ đồng tiền thuê trong 10 năm.
Ngay sau khi tiếp quản, doanh nghiệp Tấn Trường tiến hành đầu tư cải tạo, mua sắm thiết bị lắp đặt tổ máy H2 với kinh phí hơn 370 triệu đồng để có thể đưa Nhà máy Thuỷ điện Ia Kha vào vận hành. Tuy nhiên, trong 2 năm 2006 và 2007, nhà máy vẫn thua lỗ khoảng 432,4 triệu. Tuy nhiên, Công ty TNHH Tấn Trường vẫn quyết định chi gần 851,8 triệu đồng thuê đơn vị tư vấn lập dự án nâng công suất Nhà máy Thuỷ điện Ia Kha từ 250kW lên 1MW; đầu tư gần 1,5 tỷ đồng mua hệ thống tua-bin và máy phát chuẩn bị lắp đặt…
Thật bất ngờ, cuối tháng 6.2008, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Đội công trình quản lý đô thị huyện Ia Grai thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Tấn Trường, đồng thời xây dựng lại phương án sử dụng công trình Thuỷ điện Ia Kha trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, công trình Thuỷ điện Ia Kha nghiễm nhiên trở thành một đống sắt vô dụng…
Bà Trần Thị Thủy – Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho biết: Thường trực Huyện ủy Ia Grai đã thống nhất gửi công văn xin chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai để chuyển Thủy điện Ia Kha thành công trình thủy lợi, bởi các cơ quan ban ngành địa phương không chuyên về thủy điện nên rất khó quản lý, phát huy hiệu quả công trình.