Vì đâu nên nỗi?
ThienNhien.Net – Có một vấn đề được dư luận đặt ra hiện nay là tại sao các KCN, CCN sau khi hình thành lại bị bỏ hoang. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
Hàng chục ngàn hécta đất bỏ hoang
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, người thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về phát triển các KCN Việt Nam, sau 23 năm, cả nước đã hình thành 289 KCN, KCX, khu công nghệ cao; trong đó có 184 KCN đã đi vào hoạt động (63,67%). Gần 1.000 CCN, KCN nhỏ do địa phương quản lý. Tuy nhiên, các KCN Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là phát triển các KCN ồ ạt, hiệu quả thấp: Hầu như tỉnh nào cũng phát triển KCN. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn của cả nước có 74 KCN và 214 CCN đã được phê duyệt với tổng diện tích 42.559ha. Qua kiểm tra, đến nay, diện tích đất tại KCN, CCN hoàn thiện hạ tầng được doanh nghiệp (DN) thuê chỉ 14.632ha, còn lại 27.927ha (chiếm 65,6% tổng diện tích phê duyệt) bị bỏ hoang.
Bên cạnh đó, số lượng các KCN tăng nhanh nhưng hiệu quả hoạt động thấp, tỷ lệ lấp đầy bình quân cả nước mới đạt 46%. Hàng vạn hécta đất vẫn bỏ hoang. Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư của các dự án hạ tầng KCN đạt thấp (các dự án KCN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,7%; dự án đầu tư trong nước đạt 40,3%). Hiện tượng quy hoạch “treo” các KCN còn khá phổ biến. Chỉ riêng tại ĐBSCL có đến 100.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất làm KCN, thế nhưng vùng này tỷ lệ diện tích KCN cho thuê rất thấp, bà con không có đất canh tác, không có việc làm tại chỗ vì nhiều KCN chưa triển khai, cuộc sống cơ cực. “Hiện nay, mạnh tỉnh nào tỉnh ấy phát triển KCN do chúng ta thiếu một chiến lược tổng thể phát triển KCN. Ngay cả việc hình thành Ban Chỉ đạo các vùng kinh tế trọng điểm cũng không phát huy vai trò điều tiết kinh tế trong vùng; trong đó có phát triển KCN”, GS-TS Võ Thanh Thu nhấn mạnh.
Trong khi đó, qua thông tin từ các cơ quan quản lý KCN cho thấy, hiện nay tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn một số tỉnh, thành vẫn còn khá thấp. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, theo quy hoạch và phát triển KCN đến năm 2015, định hướng năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai có 36 KCN, với tổng diện tích 12.055ha. Hiện nay, đã thành lập 31 KCN với tổng diện tích 9.832ha; trong đó, diện tích cho thuê 6.485ha và diện tích đã cho thuê 4.121ha, đạt 63,5%. Trong 31 KCN có 28 KCN đã hoạt động với tổng diện tích 8.818ha, diện tích dùng cho thuê 5.835ha, diện tích đã cho thuê 4.098ha đạt hơn 70%; 3 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất.
Còn Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương thông tin: Theo quy hoạch phát triển KCN được Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ có 39 KCN với diện tích 20.000ha. Hiện nay, có 29 KCN đã thành lập đi vào hoạt động với diện tích 9.400ha. Trong tổng số 25 KCN mà ban đang quản lý (4 KCN do Ban Quản lý KCN Việt Nam-Singapore quản lý – PV), tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 50%. Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho biết, theo quy hoạch TP có 24 KCN-KCX với tổng diện tích 6.152ha. Hiện nay, có 15 khu đã thành lập với tổng diện tích quy hoạch 3.400ha; trong đó diện tích dành cho thuê 2.174ha. Tính đến cuối năm 2013, tổng diện tích đất cho thuê lũy kế đạt 1.373/2.174ha đất công nghiệp được phép cho thuê của 15 KCN-KCX, đạt tỷ lệ lấp đầy 63,09%. Trong đó, 12 KCN, KCX đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy 91,52%; 3 KCN An Hạ, Đông Nam, Tân Phú Trung và phần mở rộng KCN Hiệp Phước đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, diện tích đã cho thuê đạt 15%.
Phát triển mang tính ngẫu hứng
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, sở dĩ tình trạng các KCN, CCN sau khi lấy đất của người dân không triển khai hoặc triển khai nhưng không có nhà đầu tư (NĐT) thuê là do cơ sở hạ tầng trong và nối kết giữa KCN và ngoài KCN còn yếu, đường sá chưa mở, giao thông khó khăn, thiếu điện… khiến nhiều KCN bỏ hoang. Ngoài ra, ở cấp vĩ mô, trung ương lẫn địa phương chưa có chiến lược phát triển các KCN, dẫn tới sự phát triển mang tính tùy tiện, ngẫu hứng. Chất lượng quy hoạch phát triển KCN thấp, chưa mang tính liên tỉnh, liên vùng; chưa gắn với đảm bảo chỗ ở, nơi lưu trú sinh hoạt cho công nhân.
Thực chất các công ty phát triển KCN là các công ty kinh doanh bất động sản, nhưng quy chế về vấn đề này chưa hoàn thiện nên nhiều nhà đầu cơ đất làm dự án phát triển KCN, nhưng sau khi được phê duyệt rồi thì chuyển nhượng kiếm lời hoặc thay đổi công năng “xẻ đất” bán nền gây lãng phí, bức xúc cho nhân dân vùng giải tỏa dành đất phục vụ cho phát triển KCN. Chiến lược xúc tiến đầu tư chưa bài bản, thiếu tầm nhìn xa.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về KCN, khi đề cập đến việc vì sao tỷ lệ lấp đầy thấp sau khi các KCN đã hoàn thành đưa vào sử dụng, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho hay: Đa số các KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp chủ yếu là mới thành lập. Ngoài ra, trong quá trình các KCN này thành lập gặp tình hình kinh tế khó khăn nên thu hút đầu tư bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trước năm 2009, các KCN được coi là địa bàn khó khăn và được hưởng thuế suất thấp hơn mức trung bình của doanh nghiệp bên ngoài. Nhưng sau năm 2009, ưu đãi này không còn, kể cả khu mở rộng nên NĐT cân nhắc khi đầu tư vào các KCN.
Bên cạnh đó, theo chủ trương của tỉnh là chuyển hướng thu hút các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, tạo giá trị gia tăng cao hơn, tạo sự phát triển bền vững nên phải có sự lựa chọn NĐT chứ không thể chạy theo số lượng. Đồng quan điểm này, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho biết, sở dĩ tỷ lệ lấp đầy ở các KCN thấp là do các KCN này mới thành lập nên đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, do từ năm 2008 đến nay, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm chậm việc thu hút đầu tư. Riêng đối với một số KCN ở nội thành khi lấp đầy họ muốn mở rộng nhưng do nhà nước bỏ chế độ ưu đãi đầu tư nên NĐT không mặn mà khi tham gia đầu tư vào các KCN mở rộng.
Theo quy định tại Nghị định 29 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT, các KCN mở rộng thì tổng diện tích đất công nghiệp của KCN này đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%. |
Lãng phí khu công nghiệp, cụm công nghiệp – Bài 1: Đất bỏ hoang, dân thiệt