Dự án thủy điện của WB đầu tư gây lo ngại

ThienNhien.Net – Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đột ngột quyết định triển khai dự án thủy điện Inga 3 trên sông Congo theo hình thức đầu tư tư nhân thông qua Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thay vì coi đây là một dự án đầu tư công. Đây thực sự là tin xấu đối với người dân nghèo và môi trường ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dự án được triển khai.

Với công suất khoảng 4.800 MW và giá trị 12 tỷ USD, Inga 3 là dự án thủy điện lớn nhất từ trước tới nay do WB đầu tư. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là IFC lại không có kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án phức tạp như vậy. Dự án thủy điện lớn nhất tập đoàn này từng quản lý là đập Marsyangdi 2 ở Nepal với công suất chỉ 600 MW. Vì các dự án điện gió và năng lượng mặt trời đang ngày càng trở nên hấp dẫn, đầu tư của IFC cho các dự án thủy điện cũng giảm từ 300 triệu USD xuống còn 50 triệu USD mỗi năm kể từ năm 2008.

Trong khi đó, các ghi nhận về đóng góp xã hội và môi trường của IFC cũng rất nghèo nàn. Vài tháng gần đây, tập đoàn vừa bị thanh tra nhắc nhở về tình trạng vi phạm nhân quyền và một số vi phạm khác trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Tata Mundra ở Ấn Độ và nhà máy sản xuất điện từ dầu cọ Dinant ở Honduras. Ngoài ra, dự án Marsyangdi 2 cũng từng rúng động bởi một cuộc đình công.

Ảnh: info-afrique.com
Ảnh: info-afrique.com

Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International River – IR) cho rằng những gì được thể hiện trọng báo cáo đánh giá tác động môi trường của đập Inga 3 là quá lạc quan và có thể dự đoán rằng dự án được IFC đầu tư và do các nhà đầu tư tư nhân triển khai này sẽ khiến mức độ tổn thương về môi trường nặng nề hơn nhiều.

Chưa tới 10% dân số Congo được sử dụng điện, trong khi khai mỏ và công nghiệp nặng tiêu thụ tới hơn 85% sản lượng điện nước này. Vì vậy, giúp người dân tăng cường tiếp cận điện là ưu tiên hàng đầu của ngành năng lượng nước này. Song, đây lại không phải là điều các nhà đầu tư tư nhân quan tâm. 

Theo đánh giá về ngành điện năm 2004 của WB: “Tại hầu hết các quốc gia, người nghèo ở vùng nông thôn thường có xu hướng bị bỏ qua vì những nhà đầu tư tư nhân không muốn phục vụ những khách hàng có thu nhập thấp với lý do rằng những thị trường này không khả thi về mặt tài chính”.

Trong một phát biểu tương tự, ông Ali Mbuyi Tshimpanga, giám đốc nhà máy thủy điện Inga 1 và Inga 2 cảnh báo: “Vấn đề là mối quan hệ đối tác công-tư chỉ có thể nâng cấp được phần mạng lưới điện mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư tư nhân và hầu như lợi ích của cộng đồng bị bỏ qua.” Đập Inga 3 vì vậy được thiết kế chủ yếu để phục vụ các công ty khai mỏ và thị trường Nam Phi. Nếu nó được phát triển bởi một nhà đầu tư tư nhân thì người tiêu dùng nghèo sẽ bị đứng ngoài vùng lợi ích.