ThienNhien.Net – Nguyên nhân Đà Nẵng đang thiếu hơn 1 tỷ mét khối nước đã được lượng hoá, chứng minh do thuỷ điện.
UBND TP Đà Nẵng vừa quyết định từ tháng 2/2014 sẽ điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt hơn 10%. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá nước là do thuỷ điện chặn dòng, cắt nước, chuyển đổi dòng chảy từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, khiến hạ du thiếu nước, nước mặn xâm nhập sâu, chi phí bơm, cấp nước sinh hoạt tăng…
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo “Quy trình vận hành liên hồ chứa thuỷ điện A Vương, Đắk Mi4, và Sông Tranh 2”. Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành tiếp tục can thiệp, đề nghị thủy điện Đắk Mi4 tăng lượng xả nước về sông Vu Gia, cứu nguy nạn hạn hán, thiếu nước ở hạ du.
Sau Tết Giáp Ngọ, nước ở hạ du sông Vu Gia đã chớm mặn. Công ty cấp nước Đà Nẵng phải chuẩn bị máy móc để vận hành trạm bơm An Trạch, là trạm bơm dự phòng cách trạm bơm Cầu Đỏ 8 cây số về phía thượng lưu.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho biết, liên tiếp những năm gần đây, các nhà máy thuỷ điện chặn dòng ở thượng nguồn, cá biệt như thủy điện Đắk Mi 4 cắt hẳn dòng chảy, chuyển nước sang sông Thu Bồn đã khiến nước sông Cầu Đỏ tại Đà Nẵng bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép.
Năm 2013, nhiễm mặn xuất hiện ngay từ đầu tháng 1, nên trạm bơm An Trạch đã tiêu tốn 12 tỷ đồng/năm. Theo ông Nguyễn Trường Ảnh, Đà Nẵng điều chỉnh giá nước là vì đã 3 năm nay chưa tăng giá, trong khi đó, chi phí chống xâm nhập mặn tăng, công ty không bù được trượt giá.
“Những năm gần đây, trạm bơm An Trạch đã phải bơm nước phòng mặn liên tục. Năm vừa qua đã phải bơm 7 tháng, chi phí tăng hơn 12 tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí duy tu sửa chữa. Trước đây, nước về ổn định trạm bơm chỉ hoạt động một vài giờ, trong một vài ngay trong cả một năm”, ông Ảnh cho biết.
Ngay sau khi TP Đà Nẵng thông báo tăng giá nước sinh hoạt, nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Người dân cho rằng sẵn sàng chia sẻ cái khó của Công ty Cấp nước, nhưng việc tăng giá có nguyên nhân từ thuỷ điện thì phải làm. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng khối lượng nước lớn cũng phản ứng, cho rằng chi phí đầu vào tăng sẽ khó khăn cho sản xuất, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, tăng giá và hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng gánh chịu.
Chuyên gia thuỷ lợi Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng thì khẳng định, nguyên nhân thiếu hơn 1 tỷ mét khối nước hiện nay đã được lượng hoá, chứng minh do thuỷ điện.
Cụ thể là mỗi năm, thủy điện Đắk Mi4 lấy đi 1,2 tỷ mét khối nước của sông Vu Gia, tương đương một nửa lưu lượng nước của lưu vực này. Nghiên cứu và quan trắc trong 37 năm từ năm 1976 – 2012 cho thấy, mực nước mùa kiệt nhất tại trạm Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là 2,8m.
Trong khi quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk My4 và Sông Tranh 2 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mực nước kiệt là 2,5 mét. Khi mực nước xuống thấp dưới 2,5 mét, thủy điện Đăk My4 mới xả về hạ du với lưu lượng 8 mét khối giây.
Nghĩa là lúc này vùng hạ du đã thiếu nước trầm trọng… Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường can thiệp, lấy mực nước khống chế tại Ái Nghĩa là 2,8mét để buộc thuỷ điện Đắk Mi4 phải xả nước về hạ du.
Theo các chuyên gia thủy lợi: Chỉ cần thủy điện Đắk Mi4 xả 450 triệu mét khối, tương đương với một phần ba lượng nước thủy điện lấy đi của dòng chính Vu Gia trong mùa khô, sẽ đảm bảo lượng nước cho hạ du.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, nếu kiến nghị này bất thành, Đà Nẵng sẽ đưa vụ kiện này ra toà án.
“Chúng tôi có thể khởi kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tòa án theo quy định của pháp luật về vấn đề lập quy trình vận hành liên hồ chứa gây thiệt hại lớn cho hạ du, bất chấp những ý kiến của các địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng được quyền khởi kiện cơ quan hữu quan về việc đã gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm đền bù và khắc phục thiệt hại đó. Cụ thể ở đây là thủy điện Đăk My 4 đã trực tiếp gây ra tình trạng thiếu nước.