ThienNhien.Net – Để doanh nghiệp khai thác quặng trái phép, bán và xuất khẩu lậu thời gian dài không thể không truy trách nhiệm địa phương…
Như đã đề cập, sự việc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) nằm trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nhiều năm múc khoáng sản dưới lòng đất đem bán, xuất khẩu mà thiếu những giấy phép hợp lệ. Hành vi khai thác trái phép này diễn ra trong thời gian dài đã làm thất thoát ngân sách nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng, gây ô nhiễm môi trường và đáng nói là một doanh nghiệp nhà nước lớn với đầy đủ nhận thức về pháp luật mà lại làm sai. Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai bởi đây là ngành kinh doanh có điều kiện ngặt nghèo, bắt buộc phải tuân thủ các điều kiện của luật pháp hiện hành.
Lỗi lịch sử là không thuyết phục
Về sai phạm, như đã đề cập trong bài trước, công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã khai thác tại một số khai trường không có giấy phép, không có quyết định cho thuê đất và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Cụ thể có tới 4 khai trường, là số 11, 12, 13, 14 khai thác nhiều năm không giấy phép, còn khai trường số 17 khai thác sai lệch so với giấy phép của tỉnh Lào Cai cấp. Tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Apatit với tổng số tiền là 1 tỉ 130 triệu đồng.
Sai phạm này với diễn biến nhiều năm chắc chắn mang tới nhiều hệ lụy. Có thể thấy đó chính là thất thu ngân sách và nghĩa vụ với môi trường. Thử nhẩm tính với 5 khai trường đã có khoảng 15 triệu tấn quặng bị khai thác “lậu”, nếu thử đem nhân với giá của một tấn quặng, trung bình cho các loại (quặng tuyển, quặng loại 1 và quặng loại 2) khoảng 800.000 đồng/tấn, thì có thể thấy số tiền từ việc khai thác quặng “lậu” cũng lên đến 12 nghìn tỷ đồng.
Nhìn nhận sai phạm này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: “Dưới góc độ pháp lý, đây là một sự vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, nên việc tỉnh ra quyết định xử phạt là hoàn toàn chính xác và phù hợp với pháp luật hiện hành”.
Còn phía doanh nghiệp thì đổ lỗi do lịch sử để lại. Ông Nguyễn Ngọc Bích – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty cho rằng: “Công ty chúng tôi được nhà nước thành lập từ năm 1955, đến nay là 58 năm. Trước đây khi mà chưa có luật khoáng sản và môi trường thì chúng tôi khai thác trên cơ sở quy hoạch tổng thể của Liên xô giúp chúng ta và đã được chính phủ phê duyệt, nhiều khai trường vẫn nằm trong tổng thể quy hoạch của Liên Xô”.
Lịch sử mà ông Khiêm nói đó chính là việc mỏ Apatit Lào Cai đã được bắt đầu khai thác từ năm 1955. Trải dài đến năm 1981 được Liên Xô cũ giúp lập Luận chứng kinh tế – kỹ thuật (gọi tắt là TEO) để khai thác, sau đó khi các chuyên gia của Liên Xô rút về nước (do sự kiện Liên Xô tan rã) thì Công ty Apatit Lào Cai được tiếp nhận. Và từ đó đến nay, Công ty Apatit Lào Cai mặc nhiên coi việc khai thác là hợp lệ.
Về biện minh này của doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng: “Họ cho rằng lỗi lịch sử là đúng, cùng với sự ì ạch của cả một hệ thống, nên apatit cho rằng việc thay đổi bắt buộc phải có lộ trình và không ai có lỗi có phần dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, việc pháp luật được ban hành phải thực hiện theo đúng nội dung của nó. Bản thân pháp luật nếu điều chỉnh về một lĩnh vực mới nào đó đều có khoảng thời gian để hồi tố và đã được quy định rất rõ ràng. Hơn thế, trong quy trình xây dựng pháp luật về luật khoáng sản hay sửa đổi, ý kiến góp ý vào dự thảo của những đơn vị lớn, lâu năm như apatit chắc chắn là có. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là việc biết luật và việc không tuân thủ là 2 việc hoàn toàn khác nhau đối với trường hợp như thế này. Lý do lịch sử tiếp nhận từ nước bạn tôi cho là không thuyết phục”.
Luật Khoáng sản và Luật Môi trường không dành cho Công ty này?
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Công ty Apatit không thể đổ lỗi cho lịch sử được, bởi đúng ra đến thế hệ sau này, sau khi phát hiện những thiếu sót họ phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục chứ đừng cố tình lờ đi như vậy, việc kế thừa và tiếp tục hành vi “ăn trộm” là không được.
Một điều cũng đáng nói là ngay cả khi cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện sai phạm và có yêu cầu dừng khai thác, công ty cũng không được thực hiện. Bởi theo ông Phạm Cao Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Apatit Lào Cai, việc dừng khai thác quặng Apatit sẽ đồng nghĩa việc không có nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy phân bón.
Ông Phạm Cao Khiêm cho biết: “Trong quá trình Sở kiểm tra thấy sai phạm yêu cầu dừng khai thác, nhưng bảo dừng thế thì cả công ty dừng lại không có nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, nên dừng cũng không được”.
Đến đây đã phần nào thấy rõ trách nhiệm thuộc lớn là thuộc về chính những thế hệ lãnh đạo công ty Apatit với sự thờ ơ trước pháp luật nhà nước, tắc trách trong quá trình quản lý. Còn thực tế nếu trách nhiệm không thể truy được vào phía công ty Apatit, phải chăng Luật Khoáng sản Việt Nam, Luật Môi trường Việt Nam là không dành cho công ty này?
Bên cạnh đó, việc để doanh nghiệp khai thác quặng trái phép, bán và xuất khẩu lậu một thời gian dài không thể không truy trách nhiệm địa phương khi buông lỏng quản lý. Bởi chính ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai cũng thừa nhận từ trước đến nay, các cơ quan ban ngành của tỉnh vẫn tin một doanh nghiệp lớn của nhà nước như Công ty Apatit đang khai thác đúng trên đất của mình được giao.