ThienNhien.Net – Việc xử lý các vụ buôn bán động vật hoang dã còn quá nhẹ nên những kẻ buôn bán trái phép vẫn ra sức lộng hành.
Ngày 12/2, tại Vương quốc Anh khai mạc một Hội nghị thế giới nhằm giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp sản phẩm động thực vật hoang dã. Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách khách mời. Đây được coi là cơ hội để Việt Nam thể hiện hành động nhằm giảm thiểu tình trạng buôn bán, sử dụng sản phẩm làm từ động vật hoang dã hiện đang đến hồi báo động ở nước ta.
Nội dung chính được các đại biểu tập trung bàn thảo là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng săn trộm đang ảnh hưởng đến một số loài hoang dã mang tính biểu trưng trên thế giới như: tế giác, hổ và voi… Đây cũng được coi như một hồi chuông báo động khi Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến của sừng tê giác, loài động vật được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây nhằm thể hiện đẳng cấp và được xem như một thần dược. Đặc biệt là tại Nam Phi, năm 2013 có hơn 1.000 con tê giác bị giết hại bất hợp pháp.
Năm 2010, Việt Nam từng chịu sự tổn thất nặng nề khi mất đi quần thể tê giác duy nhất – một phân loài đặc trưng của tê giác Java, tồn tại với số lượng rất ít tại vườn quốc gia Cát Tiên – Lâm Đồng. Ðau lòng là cá thể tê giác một sừng cuối cùng này của nước ta đã bị giết… để lấy sừng. Những cá thể khác như hổ, voi, sao la, voọc và nhiều loài linh trưởng khác đang bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng.
Chỉ vài thông tin như vậy cũng đủ thấy mức độ rất đáng lo ngại về tình trạng buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có 900 loài động thực vật hoang dã thường xuyên bị đe dọa ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong vòng hơn 10 năm qua, gần 20.000 vụ vi phạm về buôn bán động thực vật hoang dã bị phát hiện với gần 200.000 cá thể bị tịch thu.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngày 10/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Đặc biệt, không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm của chúng. Những ai quan tâm đến động vật hoang dã, hẳn đều biết, cuộc chiến chống lại tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã là vô cùng gian nan. Nguyên nhân là bởi lợi nhuận thu được từ các thương vụ buôn bán này được ví chỉ đứng sau buôn bán ma tuý và vũ khí!
Một thông tin được Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên đưa ra là, những loài động vật quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất lại chính là những loài có nhu cầu tiêu thụ cao nhất và cũng được bán với giá cao nhất. Bất chấp luật pháp quốc tế và trong nước ngăn cấm buôn bán động vật hoang dã, lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán mang lại khiến cho những kẻ săn bắt và buôn bán trái phép tiếp tục đẩy những loài sinh vật quý hiếm vào bờ vực của sự tuyệt chủng…
Điều đáng lên án nhất là thời gian gần đây, một số người nhiều tiền coi việc sở hữu những sản phẩm làm từ động vật hoang dã như một thú chơi thể hiện đẳng cấp và sự giàu có. Và còn xảy ra tình trạng là một số “cấp dưới” biếu “sếp” những sản phẩm làm từ động vật hoang dã quý hiếm.
Thú chơi của đại gia Việt còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Điển hình là một số đại gia ở miền Trung, trong đó có vụ đại gia Trầm Bê mất sừng tê giác từng gây xôn xao dư luận. Rồi một vụ việc khác, để sở hữu hai con tê giác nuôi trong trang trại, đại gia Lê Thanh Thản đã bỏ ra số tiền mua mỗi con là.. 500 tỷ đồng. Còn một vị đại gia ở quận 12, TP HCM tự tậu cho mình một hồ nuôi cá sấu ở trước nhà, với mục đích thư giãn đầu óc khi nhìn những con cá sấu… đớp mồi.
Một thực tế đáng lo ngại khác là “việc ăn thịt thú rừng cũng được coi như một cái thú”. Chẳng thế mà một vài năm trước, nhiều hàng quán ở chùa Hương, Hà Nội ngang nhiên treo thịt thú rừng, bày bán công khai.
Có thể thấy, thời gian qua, hành động bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam được thực thi khá đầy đủ, từ luật định cho đến tuyên truyền giáo dục. Thế nhưng, trên thực tế, việc xử lý các vụ buôn bán động vật hoang dã còn quá nhẹ, chẳng thấm tháp gì so với lợi nhuận thu được, vì vậy, những kẻ buôn bán trái phép vẫn ra sức lộng hành.
Năm nay, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu huyện Mỹ Đức kiên quyết xử lý những trường hợp kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Nhiều địa phương khác cũng khá mạnh mẽ trong việc lên tiếng bảo vệ động vật hoang dã. Điển hình như năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định cấm hoàn toàn các hoạt động du lịch trích hút mật gấu trái phép tại thành phố Hạ Long.
Việc lên tiếng, ban hành các văn bản là hết sức cần thiết và kịp thời, nhưng chưa thể ngăn chặn được tình trạng nuôi nhốt, buôn bán và săn bắn động vật hoang dã. Việc Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế nhằm giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp sản phẩm động thực vật hoang dã tại Vương quốc Anh như một lời khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong vấn đề này. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này thì không phải là chuyện có thể làm ngay một sớm một chiều.