ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đang là vấn đề nhức nhối đối người dân và chính quyền địa phương. Việc làm này không những làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Từ lâu, người dân sống hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn qua địa phận của xã Đăng Hà đã quen thuộc với cảnh những chiếc tàu chở cát nối nhau chạy liên tục bất kể ngày đêm để vận chuyển cát từ điểm khai thác về bãi tập kết. Chiếc chở nhiều nhất có khi lên đến trên 100m3 cát, còn trung bình cũng khoảng từ 60 – 70m3. Ước tính mỗi ngày có trên 20 tàu tham gia vận chuyển cát trên khúc sông này. Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những chiếc tàu chở cát này đều được cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, khi không có ai giám sát, các tàu khai thác cả ở những khu vực chưa được cấp phép. Anh Trần Văn Dương, ở thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cho biết: Việc khai thác cát của các tàu thường tập trung vào ban đêm, nhất là lúc nửa đêm về sáng vì khi đó người dân ngủ say.
Trước đây, các tàu chủ yếu khai thác cát trên khúc sông qua địa phận xã Thống Nhất. Khi trữ lượng cát tại khu vực đó đã cạn kiệt, các tàu đổ về xã Đăng Hà để khai thác gây sạt lở nặng ở vùng hai bên bờ sông và xâm thực vào đất sản xuất của người dân. Có đoạn bị sạt lở mạnh tới 300m đến 400m, nhiều diện tích hoa màu trồng ven sông cũng bị trôi xuống sông.
Theo Luật Khoáng sản quy định, các công ty khai thác tại địa bàn phải trích lại một phần phí khai thác khoáng sản cho địa phương để khắc phục những hậu quả do việc khai thác khoáng sản để lại. Tuy nhiên, cho đến nay, xã Đăng Hà vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản phí nào từ các công ty khai thác. Không chỉ vậy, việc kiểm tra cũng như quản lý các công ty khai thác này đối với địa phương rất khó khăn. Bởi hầu hết các công ty đều đăng kí giấy phép khai thác ở tỉnh Lâm Đồng nên muốn xử lý vi phạm cũng cần phải có sự phối hợp của các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, chính quyền địa phương chỉ có thể giải quyết tình trạng trên ở mức cầm chừng, được tới đâu hay tới đó.
Ông Phạm Đình Nhất, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết: “Về mặt quản lý nhà nước, xã Đăng Hà đã chỉ đạo và thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị khai thác cát trên địa bàn của xã và qua kiểm tra phát hiện ra những vấn đề rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Thứ nhất là các đơn vị không có đăng ký khai thác trên địa bàn xã Đăng Hà, có những phần đất của họ và họ thuê những phần đất của người khác để làm bãi chứa cát. Thứ 2 là khai thác cát trên sông do đó công tác kiểm tra cũng khó khăn vì sông Đồng Nai rất rộng lớn”.
Những hệ lụy từ việc khai thác cát bừa bãi có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, lợi nhuận dễ dàng từ hoạt động này dẫn đến thực trạng các công ty chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không màng đến hại về lâu dài.