ThienNhien.Net – Theo cảnh báo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vào dịp sau Tết Nguyên đán rất cao. Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhiều chủng vi rút cúm gia cầm tiếp tục hoành hành, đang có nguy cơ lây lan sang nước ta.
Nguy cơ từ nhập lậu gia cầm
Từ đầu tháng 1/2014 đến nay, cả nước đã có 2 người tử vong do cúm A/H5N1. Dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến hết sức phức tạp trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành.
Theo đó, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 tại một hộ đang nuôi 100 con ngan và 400 con vịt đẻ vào hôm 9/2. Các ngành chức năng đang tiến hành tiêu hủy gia cầm bị bệnh và phun thuốc khử trùng, khoanh vùng dập dịch.
Huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng vừa tiêu hủy hơn 100 con gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 của gia đình ông Nguyễn Văn Co ở xã Tân Phú.
Trước đó, ngày 6/2, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã tiêu hủy 500 con vịt thả đồng của ông Cao Văn Hải ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành bị nhiễm dịch cúm A/H5N1. Đàn vịt này được phát hiện bị bệnh vào ngày 3/2/2014 và được xác định bị nhiễm cúm H5N1.
Như vậy, tính từ ngày 27/1 đến nay, Tây Ninh đã phát hiện và tiêu hủy 3 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm bị bệnh, chết và tiêu hủy trên 2.000 con.
Trước Tết Nguyên đán, dịch cúm này cũng đã xuất hiện tại hàng loạt các địa phương như Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Hòa Bình, Bạc Liêu…
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện các chợ gia cầm sống có tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm H5N1 khá cao. Việc kiểm soát nguồn gốc gia cầm được đưa đến các chợ hiện cũng chưa được chặt chẽ. Gia cầm sống không rõ ngồn gốc tại các chợ này chính là nguồn lây nhiễm bệnh chính ra cộng đồng thông qua các hoạt động buôn bán gia cầm.
Kết quả giám sát 147 chợ buôn bán gia cầm sống từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013 tại 44 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ vịt dương tính với vi rút cúm A/H5N1 gần 6%; và tỷ lệ chợ có vi rút cúm A/H5N1 lên đến 61%.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, các chủng virút gia cầm mới phát hiện gây tử vong trên người như: H7N9, H10N8, H6N1 đều đã thấy trên gia cầm từ vài năm trước, nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người, mà mới chỉ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Thú y, nguy cơ những chủng vi rút này xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.
Tăng cường kiểm soát gia cầm vận chuyển qua biên giới
Hiện bệnh cúm gia cầm diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với sự xuất hiện của nhiều chủng vi rút cúm khác nhau trên người và động vật.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chủng vi rút cúm A/H7N9 xuất hiện trên người từ cuối tháng 2/2013 kéo dài đến nay tại Đài Loan, Hồng Kông, Chiết Giang, Giang Tây và Quảng Đông. Tính riêng từ đầu năm đến 9/2, Trung Quốc đã xác nhận hơn 120 trường hợp người nhiễm virut cúm A/H7N9, trong đó có 26 ca tử vong.
Cuối năm 2013, chủng virut cúm gia cầm mới, cúm A/H10N8 đã lây nhiễm cho một người ở Giang Tây và bệnh nhân đã tử vong chưa đầy một tuần sau khi mắc bệnh. Đầu năm 2014, Hongkong (Trung Quốc) lại phát hiện một trường hợp nhiễm chủng virut cúm A/H9N2. Chưa hết, Tổ chức Thú y thế giới còn thông báo, mới đây, Trung Quốc còn phát hiện các ổ dịch cúm A/H5N2, cúm A/H5N1 trên gia cầm.
Trong bối cảnh đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới nước ta vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguy cơ các chủng vi rút cúm trên xâm nhập vào nội địa thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm là rất cao, nhất là trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán.
Để chủ động đối phó với dịch cúm A/H5N1 và các chủng vi rút cúm gia cầm mới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển qua biên giới.
Theo đó, các địa phương tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật; bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm, cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho những lực lượng tham gia trực tiếp vào công việc phòng, chống dịch.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, thành theo dõi sát sao tình hình dịch cúm gia cầm trong nước và các nước xung quanh; triển khai các biện pháp giám sát gia cầm và người qua biên giới, giám sát các chợ gia cầm sống, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh để có thể xử lý kịp thời.