ThienNhien.Net – Đầu năm 2014, những doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ ở Bình Định phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng do phải thực hiện yêu cầu kiểm dịch thực vật (KDTV). Đang vào mùa xuất hàng cao điểm, việc chậm trễ trong công tác kiểm dịch đã gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp.
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, kể từ ngày 10/1/2014, Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn (Bình Định) yêu cầu các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định phải thực hiện KDTV trước khi làm thủ tục cho thông quan đối với đồ gỗ xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì các nước nhập khẩu và các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này tại thị trường chính EU chưa có bất kỳ yêu cầu nào đối với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam về KDTV đồ gỗ trước khi xuất khẩu. Điều đáng nói ở đây là khi thực hiện thủ tục này, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Bình Định đã gặp ách tắc trong xuất khẩu hàng do công tác kiểm dịch không đáp ứng kịp.
“Thời gian áp dụng thủ tục KDTV đúng vào cao điểm mùa hàng, khối lượng đồ gỗ xuất khẩu rất lớn, bình quân trong 2 tháng đầu năm đạt từ 2.700-3.000 container hàng/tháng. Trong khi đó, lực lượng thực hiện kiểm dịch của cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng IV đóng tại TP Quy Nhơn chỉ có 5 nhân viên, nên dẫu có “3 đầu 6 tay” cũng không thể cáng đáng nổi khối lượng công việc khổng lồ”, ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết.
Theo yêu cầu của của cơ quan kiểm dịch thực vật, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu xuống cảng phải tập kết đầy đủ 100% thì mới được tiến hành kiểm dịch, và chỉ làm trong giờ hành chính nên đã gây khó cho các doanh nghiệp, làm nảy sinh tình trạng ứ hàng tại cửa khẩu, rớt hàng tại cảng xuất do không kịp làm thủ tục KDTV khiến doanh nghiệp tổn thất nhiều chi phí.
Ông Đỗ Xuân Lập, GĐ Cty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, bức xúc: “Đối với các quốc gia đã ký kết các Hiệp định hợp tác về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đồ gỗ thì việc thực hiện thủ tục này là cần thiết. Tuy nhiên, những thị trường chính về nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam không có yêu cầu này mà cứ cứng nhắc áp dụng thì vừa làm mất thời gian, vừa khiến cho các doanh nghiệp mất khả năng cạnh tranh, tăng chi phí, nhất là vào mùa hàng cao điểm.
Riêng Cty chúng tôi, trong 3 tháng cao điểm (tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau), mỗi tháng xuất từ 400-500 container hàng. Nếu công tác kiểm dịch làm đúng trình tự, đúng tiêu chuẩn, đầy đủ các công đoạn…thì chúng tôi sẽ bị rớt hàng hàng loạt. Vả lại, toàn bộ gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã thực hiện KDTV, sau khi chế biến lại phải thực hiện kiểm dịch đối với mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu là không cần thiết”.
Thực tế cho thấy, cảng Quy Nhơn chỉ là cảng nằm trên tuyến vận chuyển gom hàng từ TP Hải Phòng vào TP HCM để xuất khẩu sang các nước khác nên mỗi tuần chỉ có một số chuyến tàu vận chuyển nhất định, tàu cũng không thể lưu lại lâu tại cảng để nhận hàng. Do đó, qua thủ tục KDTV, nhiều chuyến hàng đồ gỗ phải bị ứ lại, các doanh nghiệp bị chậm lịch giao hàng và thanh toán gây thiệt hại không nhỏ.
“Chỉ thời gian đầu áp dụng thủ tục KDTV mà có đến gần 60 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đã chịu cảnh rớt lại hàng trăm container hàng, chi phí thủ tục làm hàng xuất khẩu tăng đột biến, dẫn đến nhiều khách hàng đòi bỏ hàng, đe dọa hủy đơn hàng do không kịp thời gian giao hàng. Trong quá trình chế biến, các sản phẩm gỗ đều được ngâm tẩm, xử lý ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, gia công chi tiết, hoàn thiện sản phẩm, phun màu hoặc sơn phủ bề mặt, nhúng dầu bảo quản.
Quy trình công nghệ này đã được công nhận thực hiện, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, các quy định pháp luật nghiêm ngặt của các quốc gia nhập khẩu mà không có bất kỳ yêu cầu KDTV nào đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, ông Nguyễn An Điềm cho biết thêm.
Trước những bức xúc nói trên của các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND tỉnh Bình Định đã có cuộc họp bàn về việc KDTV cho sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Tại cuộc họp này, Hiệp hội Gỗ và lâm sản đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định và các sở ngành liên quan kiến nghị lên Bộ NN-PTNT xem xét điều chỉnh, sửa đổi Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT, không đưa đồ gỗ xuất khẩu và danh mục vật thể thuộc diện KDTV; đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phân đồ gỗ xuất khẩu vào “luồng xanh” để tháo gỡ những khó khăn nói trên.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở Công thương, Sở NN-PTNT cùng Hiệp hội Gỗ và lâm sản soạn thảo nội dung để UBND tỉnh Bình Định kiến nghị lên Bộ NN-PTNT.
Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bà Hà đề nghị Chi cục Hải quan cảng Quy Nhơn và cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng IV phải dồn nỗ lực trong công tác kiểm dịch, không để ứ đọng hàng tại cửa khẩu. Riêng cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng IV cam kết là trong mùa hàng cao điểm sẽ làm việc mọi thời điểm để hạn chế nạn rớt hàng của các doanh nghiệp.