ThienNhien.Net – Khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm cách TP. Hội An về phía Đông khoảng chừng 20km, nơi đây không chỉ nổi tiếng về danh lam thắng cảnh mà còn có những món ẩm thực độc đáo như cua đá, vú nàng, ốc biển, bầu ngư,… Đặc biệt cua đá được xem là món được du khách rất ưa thích. Những năm gần đây lượng khách đến với Cù Lao Chàm ngày càng đông, cua đá được tiêu thụ rất mạnh nên bị nhiều người săn bắt ráo riết, đẩy loài động vật họ nhà cua này vào rơi vào nguy cơ tiệt chủng.
Của trời cho dân nghèo
Cù Lao Chàm – nơi có 600 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, đa số sinh sống bằng nghề biển, trong số họ có khoảng vài chục người vì nhiều lý do đã trở thành người chuyên bắt cua đá. Ngư dân Phạm Lin trú tại thôn bãi Làng cho biết: “Cua đá nổi tiếng đến nỗi nếu chưa thưởng thức được món cua đá thì xem như chưa hiểu hết về ẩm thực xứ đảo này. Du khách càng đông, món cua đá càng được tiêu thụ mạnh, vì thế có thời gian loại cua này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với cua đá đã được dán nhãn sinh thái thì giá tối thiểu là 500.000 đồng/kg. Không một người nào được phép bán cua đá với giá thấp hơn quy định và phải có nghĩa vụ đóng lệ phí quản lý cua đá 10% giá bán.
Theo anh Lành, một người dân địa phương có hơn 15 năm hành nghề bắt cua đá: “Cua đá rất khỏe và nhanh, cứ tính trung bình phát hiện ra 10 con mình bắt được 4 con đã là giỏi rồi. Có con đuổi cả 100 m mà không bắt được, vì khi chuẩn bị ra tay là nó chui vào hang đá. Lắm lúc theo nó vấp phải đá, thân cây, bụi rậm đến tứa máu, thậm chí suýt chết vì rắn cắn. Thường thì tôi và hai người em vợ hàng đêm hành nghề bắt đầu khoảng 17h và về tới nhà khoảng 4-5h. Bao nhiêu dốc núi, khu rừng hiểm nguy chúng tôi đã leo trèo, lăn lộn hết, có bữa bắt được vài con, có khi bắt được cả kg, có hôm về trắng tay. Tất cả là vì miếng cơm manh áo chú à! Nhưng dù sao đây cũng là của trời cho dân nghèo mưu sinh để sống”.
Quyết tâm bảo vệ cua đá
Thế nhưng, nếu không có cách bảo vệ thì chắc chắn loài cua độc đáo này sẽ tuyệt chủng. Sớm thấy được hậu quả trên, từ cuối năm 2009, UBND TP.Hội An đã ban hành Chỉ thị 04 yêu cầu tạm dừng khai thác, vận chuyển, buôn bán cua đá tại xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm. Một chương trình bảo vệ cua đá với giá trị 50.000 USD do Liên Hợp Quốc (UNEP) hỗ trợ cũng đã được triển khai. Đây là chương trình bảo tồn và khai thác loài cua này theo tuổi của chúng.
Mới đây nhất, Ban quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm cho biết: Đã thành lập Tổ Khai thác và Bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm, và tổ này đã kiến nghị UBND xã dán nhãn sinh thái cho cua đá cũng như quy định cách thức đánh bắt, tiêu thụ cua đá. Như độ lớn của cua được đánh bắt là có mai rộng 7cm trở lên và không mang trứng. Cua đá dán nhãn mới được bán và phải được giữ trong lồng có logo cua đá và khẩu hiệu tuyên truyền “Cua đá không dán nhãn là cua đá bất hợp pháp”.
Ông Huỳnh Ngọc Diên (Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) khẳng định: “Đội tuần tra bao gồm các thành viên từ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tổ môi trường xã Tân Hiệp, Ban bảo tồn thôn, Tổ khai thác và các cơ quan liên quan do UBND xã đảo Tân Hiệp thành lập có trách nhiệm kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ cua đá. Các thành viên của tổ khai thác phải mặc đồng phục và có bảng tên của chính quyền cấp mới được bán cua đá”. Các thành viên trong tổ còn thống nhất với nhau, việc quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá là một sinh kế trong các sinh kế chung của cộng đồng Cù Lao Chàm. Vì vậy, phải khai thác đúng theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên thông tin đại chúng và các hỗ trợ khác như poster bảo vệ cua đá dán nhãn sinh thái cần phải được phổ biến rộng rãi tại Cù Lao Chàm, tại các nhà hàng, trên tàu vận chuyển khách, trung tâm du lịch, trung tâm bảo tồn biển…
Hy vọng, con cua đá Cù Lao Chàm sẽ có đất sống an toàn và sinh sôi, góp phần vào ẩm thực độc đáo của vùng đất này, đồng thời tránh được sự hủy diệt của con người.