ThienNhien.Net – Sáng 10/2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Đoàn công tác Chính phủ đã có chuyến thị sát, kiểm tra tình hình dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (tỉnh Đăk Nông), giao ban chỉ đạo một số vấn đề trong triển khai dự án thí điểm này.
Cuối năm sẽ vận hành thử Nhà máy
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ gồm 2 nhà máy chính: Nhà máy tuyển quặng Bauxite và nhà máy sản xuất Alumin với tổng diện tích khoảng 850ha.
Nhà máy tuyển quặng Bauxite có công suất 1.650.000 tấn quặng tinh khô/năm, có khả năng mở rộng lên 3.300.000 tấn/năm và cấp thẳng cho Nhà máy sản xuất Alumin. Nhà máy sản xuất Alumin công suất 650.000 tấn/năm, có khả năng mở rộng lên 1.200.000 tấn/năm.
Theo báo cáo của chủ đầu tư – Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, đến nay Dự án đang trong giai đoạn chính của xây dựng cơ bản. Gói thầu EPC Nhà máy Alumin đã đạt khoảng 70,4% khối lượng. Trong đó, phần xây dựng đã đạt khoảng 83%, Nhà máy nhiệt điện ước đạt 50%, Trạm khí hóa than, khu phụ trợ đạt từ 40-60%.
Nhà thầu cho biết, đã đặt hàng 100% thiết bị, vận chuyển về công trường đạt 70%, trong đó lắp đặt hầu hết các thiết bị lớn của Nhà máy nhiệt điện, nhà máy khí hóa than, lò nung, các bồn lớn.
Gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng bauxite và tuyến băng tải vận chuyển quặng tinh cũng đang thi công đào, đắp, xây dựng nhà xưởng, thiết bị, các công trình đường, điện phụ trợ. Hồ bùn đỏ đang được nhà thầu khẩn trương thi công, cơ bản hoàn thành phần nạo vét bùn và bóc lớp đất phủ, dự kiến đáp ứng yêu cầu chứa bùn đỏ an toàn, phục vụ vận chuyển chạy thử Nhà máy trong thời gian tới.
Giao ban tại công trường, chủ đầu tư và tổng thầu cho biết, với tiến độ và điều kiện hiện nay, trong quí IV/2014 sẽ tổ chức vận hành thử có tải toàn nhà máy để cho ra những tấn sản phẩm Alumin đầu tiên.
Yêu cầu cao nhất về hiệu quả và an toàn
Trực tiếp kiểm tra thi công, triển khai các hạng mục và chủ trì giao ban tại công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới vai trò quan trọng có tính chất thí điểm để phát triển ngành công nghiệp kim loại màu của 2 dự án alumin Nhân Cơ cũng như Tân Rai, mà mục tiêu cao nhất là tính hiệu quả kinh tế và an toàn trong sản xuất và môi trường.
“Điều quan trọng và mục tiêu cao nhất của Dự án chính là phải chứng minh được tính hiệu quả của dự án, rà soát tiết giảm chi phí, đề xuất giải pháp và chính sách phù hợp. Đồng thời, hướng đến việc đưa vào chế biến càng sâu càng tốt đối với ngành công nghiệp alumin-nhôm”, Phó Thủ tướng nói với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tại công trường.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề an toàn, xử lý môi trường của dự án khi nhắc lại sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary là cảnh báo kịp thời và chúng ta sẵn sàng hoãn dự án để xem xét thấu đáo, cẩn thận các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo vệ môi trường. Ngay cả khi 2 cấp tư vấn độc lập nước ngoài đều báo cáo đánh giá là thiết kế và chức năng của hồ bùn đỏ dự án của Việt Nam đều đạt và vượt quá yêu cầu kỹ thuật, nhưng Chính phủ chủ trương là vẫn phải làm để đạt mức yêu cầu cao nhất về an toàn môi trường.
Chủ đầu tư, nhà thầu cũng cần sớm lưu ý đến vấn đề hoàn thổ phủ xanh trồng cây ngay tại các khu vực khai thác, xây dựng chứ không chờ xây dựng xong nhà máy mới làm để thể hiện đây là “công trình đặc biệt chú trọng công tác môi trường”.
Về khối lượng dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tận dụng thời tiết khô ráo hiện tại để tập trung đẩy mạnh thi công, bám sát các mốc tiến độ đề ra để cuối năm có thể vận hành thử Nhà máy.
Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở công tác an ninh, an toàn lao động trên công trường, giải phóng mặt bằng, rà soát lại phương án vận tải vận chuyển sản phẩm ra cảng Gò Dầu, sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về dự án sản xuất nhôm để xem xét, quyết định dự án có tính chất chế biến sâu, xuất khẩu tinh, nâng cao giá trị của ngành công nghiệp alumin.
Ngày mai, Đoàn công tác Chính phủ sẽ tiếp tục đi thị sát, kiểm tra công trình dự án Alumin Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng.
Theo kết quả tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế của Dự án theo vốn đầu tư điều chỉnh và thực hiện đúng các qui định về cơ chế, chính sách hiện hành tại thời điểm tháng 12/2013, doanh thu bình quân khi đi vào sản xuất của Dự án (từ 2015) đạt khoảng 4.922 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 1.050 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn 12,51 năm và 7 năm lỗ kế hoạch.
Ngoài ra, Dự án sẽ tạo điều kiện cho địa phương và cả khu vực Tây Nguyên phát triển về kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, xây dựng, giao thông vận tải, chế tạo thiết bị điện, thiết bị giao thông vận tải v.v… sử dụng khoảng 2.000 người và dự kiến hàng ngàn lao động làm việc cho các ngành dịch vụ khác. (Báo cáo Tập đoàn Vinacomin 2013) |