ThienNhien.Net – Trở lại huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) lần này, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, nổi bật là mô hình kinh tế rừng và chăn nuôi đang thu hút nhiều gia đình tham gia, góp phần giảm nhanh hộ nghèo theo hướng bền vững.
Nhà nhà trồng rừng
Về xã Ba Thành, Ba Vinh, Ba Trang, Ba Khâm, những nơi có nhiều hộ đồng bào trồng rừng, câu chuyện làm kinh tế rừng của bà con khá sinh động. Lúc đầu nhiều người chưa có vốn thì được Hội nông dân, phụ nữ giúp đỡ hướng dẫn đi vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng rừng. Ban đầu, gặp khó khăn về cây giống, bà con phải mua giống keo của Công ty cổ phần lâm nghiệp Ba Tơ với giá khá cao. Về sau, nhiều hộ đã được tập huấn, nắm vững quy trình kỹ thuật ươm giống và trồng keo lai cho nên diện tích rừng trồng ở đây tăng nhanh. Những cơn mưa cách đây hơn hai tháng khá thuận lợi cho sản xuất, nhiều gia đình đã phát quang, đào hố và bảo đảm cây con cho vụ trồng rừng năm nay.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong cho biết: Hiện nay ở Ba Tơ, nhiều hộ gia đình có vườn ươm cây, con, bảo đảm hằng năm cho huyện trồng mới hơn 6.500 ha rừng nguyên liệu. Trong đó giống keo là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ðứng trên đèo Lâm, xã Ba Thành, nơi trước đây là đồi núi trọc, nay đã phủ xanh rừng keo nguyên liệu bạt ngàn. Nhiều hộ nghèo tận dụng đất đai sẵn có cùng với sức lao động đã đầu tư phát triển kinh tế rừng. Có người hiện đang sở hữu từ một, hai ha keo nguyên liệu và có hàng trăm hộ đã trồng từ năm ha trở lên. Ðây cũng là điều kiện để những gia đình kinh tế khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ðiển hình như gia đình chị Phạm Thị Ði ở thôn 3, xã Ba Vinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhà chỉ có hai sào ruộng, mùa màng thất bát thường xuyên, chị phải đi làm thuê nhưng không đủ nuôi bốn miệng ăn trong nhà. Thông qua Hội phụ nữ, chị được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn chị bắt đầu mua cây giống, tận dụng đất đồi trồng keo. Lúc đầu trồng vài ha rừng, đến năm thu hoạch bán lấy tiền đầu tư mở rộng diện tích rừng trồng. Ðến nay, chị đã có hơn 10 ha keo gần thu hoạch. Tính theo thời giá mua nguyên liệu của các nhà máy hiện nay dao động ở mức 900 nghìn đến một triệu đồng/tấn, bình quân một ha keo năm tuổi cho thu nhập khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm nay, gia đình chị sẽ thu nhập từ rừng keo khoảng hơn 600 triệu đồng…
Chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đang phát triển mạnh tại đây. Nhiều gia đình đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò, heo kết hợp trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn 30a, huyện đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng xây dựng mô hình cải tạo giống trâu địa phương và cải tiến kỹ thuật chăn nuôi trâu đã giúp nông dân có những nhận thức mới trong việc chăn nuôi. Huyện đã hỗ trợ 30 con trâu giống cấp cho 30 hộ đồng bào khó khăn trong huyện. Trạm khuyến nông huyện đã hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ để chăn nuôi trâu tại địa phương theo hướng hàng hóa.
Thăm trang trại nuôi heo của Bùi Minh Toàn, ở xã Ba Vinh, chúng tôi ngạc nhiên với cách làm ăn của đôi vợ chồng trẻ này. Cách đây năm năm từ hai bàn tay trắng, không có đất làm nhà, nhưng hiện nay đã tạo dựng nên một cơ ngơi khá nhất trong vùng. Toàn đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi bằng giống lợn lai của Nhật Bản. Sau ba năm đầu tư, trang trại nuôi heo của Toàn ngày càng được mở rộng với tổng đàn lợn trong chuồng lúc nào cũng khoảng 200 con. Khi kinh tế vững vàng, vợ chồng Toàn còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ heo giống cho những hộ nghèo trong xã để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập cao, giải quyết khó khăn trong đời sống gia đình.
Nhờ những chính sách phù hợp, số hộ nghèo ở xã Ba Vinh từ 55% của năm 2011 giảm xuống còn dưới 40%. Ngoài mô hình chăn nuôi trâu cải tiến, lợn lai ngoại, nhiều hộ gia đình khá lên nhờ nuôi dê. Từ 100 con giống ban đầu, hiện toàn xã đã có gần 1.000 con.
Ông Nguyễn Thanh Tiên, xã Ba Ðộng chia sẻ: Nhà nước hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật cho nông dân cho nên mô hình chăn nuôi dê lai đạt hiệu quả. Ðiều kiện chăn nuôi tại địa phương rất phù hợp cho dê phát triển, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nên đàn dê lớn nhanh. Hy vọng, mô hình này nhân rộng sẽ tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, đồng thời sẽ phát triển các vùng chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao.