ThienNhien.Net – Việc khám phá ra những mỏ dầu khí mới ở Đông Phi, Tây Phi, phía đông Địa Trung Hải, Ca-ri-bê và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang góp phần mở rộng danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Tuy được thừa hưởng những kinh nghiệm tốt nhất từ thực tiễn hoạt động của các quốc gia đi trước, song không vì thế mà các nhà sản xuất mới nổi có thể dễ dàng “phất” lên. Điều quan trọng để tạo được chỗ đứng là họ phải áp dụng chúng một cách linh hoạt trên cơ sở năng lực cùng nền tảng kiến thức, kinh nghiệm của mình, từ đó thúc đẩy quá trình quản trị trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hướng dẫn Quản trị tốt ở Các quốc gia sản xuất dầu khí mới nổi sau đây của Viện Nghiên cứu Hoàng gia về Các vấn đề quốc tế (Chatham House) sẽ là những lời khuyên hữu ích.
Thu hút đầu tư “đường dài”
Các nhà sản xuất dầu khí mới lâu nay vẫn bị coi là lép vế hơn so với các “tiền bối” trong ngành về khoản thu hút đầu tư do chưa gây dựng được uy tín và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động. Thế nhưng mới không hẳn là hoàn toàn bất lợi nếu họ được chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đồng thời xây dựng được một lộ trình, chiến lược phù hợp từ ngắn hạn đến trung hạn, dài hạn.
Chính phủ hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các nhà sản xuất mới nổi thu hút được những nhà đầu tư ưu tú nhất cùng đi đường dài với họ bằng cách sàng lọc thông qua một bộ tiêu chuẩn hiệu quả để tìm ra những nhà đầu tư thực sự chất lượng; khuyến khích nhà đầu tư thu thập dữ liệu địa chất trước khi đưa ra quyết định để giảm thiểu rủi ro; công khai minh bạch thông tin để phòng trừ tham nhũng; và ban hành những chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Trong bối cảnh tham nhũng, nhất là ở các quốc gia giàu tài nguyên, việc gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình – từ các thông tin liên quan tới giấy phép đăng ký hoạt động và chủ sở hữu giấy phép, sản lượng, phân bổ nguồn thu dầu mỏ, khí đốt từ trung ương đến địa phương, giao dịch giữa các công ty nhà nước và chính phủ cùng các khoản chi cho an sinh xã hội thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp… như đã quy định trong Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) – sẽ giúp các nhà sản xuất dầu khí mới và chính phủ tạo dựng được niềm tin trong công chúng, đồng thời kiểm soát được kỳ vọng của cộng đồng đối với ngành khai thác.
Về phần mình, các nhà sản xuất mới cũng phải không ngừng hoàn thiện cả năng lực quản trị và kinh nghiệm thực tế, phát huy nguyên tắc minh bạch thông tin, đặc biệt là trong khâu mời thầu, đấu giá để dễ dàng thu hút các nguồn đầu tư dài hạn.
Tối đa hóa lợi ích cho nền kinh tế
Đổi lại những chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ, các nhà sản xuất dầu khí nên thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ và tối đa hóa lợi ích kinh tế cho chính phủ thông qua hoạt động cấp phép. Riêng các công ty thuộc khu vực công phải có kế hoạch tài chính rõ ràng nhằm đảm bảo đóng góp lâu dài cho ngân sách quốc gia.
Mức độ hiện diện cao nhất của khu vực công ở đây là các công ty dầu khí quốc gia (NOC). Việc thành lập NOC tuy không bắt buộc và không quy định về mặt thời gian bởi quyết định thành lập nhiều khi liên quan tới ý chí chính trị của một quốc gia hơn là nhu cầu nội tại, song vẫn nên được khuyến khích ở các nước sản xuất dầu khí mới.
Để quá trình thương lượng cấp phép với các công ty dầu khí nước ngoài diễn ra suôn sẻ, chính phủ cần tích cực làm việc với các nhà tư vấn hoặc cố vấn kỹ thuật nhằm đánh giá những điều kiện cơ bản cho hoạt động cấp phép. Ngoài ra, chính phủ cũng nên có những yêu cầu về xây dựng năng lực khi tham gia đàm phán với đối tác để đạt được kết quả mong muốn.
Trước thực trạng nguồn tài chính đầu tư vào việc nâng cao năng lực ở các nước sản xuất dầu khí mới nổi còn hạn chế, các chính phủ cần tránh đầu tư dàn trải mà trước hết nên tập trung xây dựng năng lực cho những cơ quan quản lý chuyên trách và cơ quan phụ trách thu thuế kết hợp quản lý nguồn thu. Nếu phát hiện ra các mỏ lớn có tiềm năng khai thác đáng kể ít nhất trong vòng 15 năm thì nên đầu tư tăng cường tri thức cho nội bộ ngành và xây dựng năng lực trong các khâu hành chính, kiểm toán, giám sát. Việc tận dụng cố vấn kỹ thuật từ nước ngoài cũng được khuyến khích nhằm hỗ trợ thêm cho năng lực đội ngũ trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trên cơ sở hệ thống luật pháp và chính sách cụ thể đối với ngành dầu khí, chính phủ các nước sẽ có thể đảm bảo chuỗi cung ứng đáp ứng kịp thời nhu cầu trong nước và xuất khẩu, từ đó gia tăng được tỷ lệ đóng góp của ngành cho ngân sách quốc gia.
Hướng dẫn Quản trị tốt ở Các nước sản xuất dầu khí mới nổi chỉ nhằm mục đích hỗ trợ các nhà sản xuất mới nổi trong lĩnh vực dầu khí lựa chọn được những hướng đi tốt hơn trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao như hiện tại, không nhằm tạo ra một bản hướng dẫn quản trị đầy đủ cho ngành dầu khí. Trong đó, Hướng dẫn tập trung vào 7 mục tiêu cũng là 7 khuyến nghị chính, bao gồm: thu hút các nhà đầu tư “đường dài” ưu tú nhất; tối đa hóa lợi ích kinh tế cho các chính phủ thông qua hoạt động cấp phép; tạo dựng niềm tin và quản lý kỳ vọng chung; gia tăng đóng góp từ địa phương và các lợi ích cho nền kinh tế; đảm bảo sự tham gia của các công ty dầu khí quốc gia vào phát triển nguồn lực; nâng cao năng lực; và tăng cường trách nhiệm giải trình. |