ThienNhien.Net – Nhiều người Việt không tiếc tiền mua chim quý về nhốt chơi trong lồng nhưng chẳng mấy ai dám bỏ ra một số tiền để băng rừng vượt núi đến ngắm chim quý tại nơi chúng sống. Ngược lại, ngày càng nhiều du khách nước ngoài đổ tiền tìm đến Việt Nam xem chim
Du lịch xem chim (birdwatching), theo định nghĩa của từ điển Wikipedia, là hoạt động quan sát, tìm hiểu chim ngoài tự nhiên, có thể ghi nhận và định tên các loài quan sát được. Xem chim có thể bằng mắt hay thông qua một số thiết bị hỗ trợ: ống nhòm, ống tele… Đây không phải nghiên cứu khoa học mà chỉ là một môn thể thao – giải trí xuất phát từ niềm đam mê của mỗi người. Du lịch xem chim xuất hiện khá lâu trên thế giới nhưng chưa phổ biến rộng rãi vì khá vất vả và tốn kém cho người tham gia.
Mệt nhoài vì chim
Kevin Elsby là một bác sĩ sống tại London – Anh nhưng rất đam mê khám phá thiên nhiên, nhất là tìm hiểu các loài chim. Từ lâu, ông đã mơ ước được ngắm choắc mỏ thìa. Loài chim này sinh sản ở phía Đông nước Nga, di cư qua Đông Á rồi đến trú đông tại các nước Đông Nam Á. Choắc mỏ thìa hiện là loài cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ thế giới vì số lượng suy giảm nghiêm trọng, còn chưa đầy 100 cặp.
Vài năm trước, Kevin đã đến khu bảo tồn Mai Po – Hồng Kông nhưng ông hết sức thất vọng khi được biết choắc mỏ thìa từ lâu không về đây. Tại Việt Nam, choắc mỏ thìa được phát hiện tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Nam Định), bãi bồi ven biển Ba Tri (Bến Tre) nhưng chỉ vài cá thể. Gần đây, giới chuyên môn đã phát hiện thêm điểm dừng chân mới của loài chim này tại biển Gò Công (Tiền Giang), số lượng lên đến 7-8 con. Thông tin này khiến Kevin lại hy vọng và ông liền đặt tour của Công ty Du lịch Hoang Dã (TP HCM) đến Tiền Giang.
Du lịch xem chim không phải là những chuyến nghỉ dưỡng ở resort cao cấp, muốn tham quan cảnh đẹp sẽ có xe đưa đón. “Hành trình của chúng tôi bắt đầu sau 9 giờ, khi nắng lên cao và nước triều dần cạn. Ai cũng vác lỉnh kỉnh ống nhòm, máy ảnh… lội sình dọc những bãi bồi ven biển Gò Công dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Những người đánh cá ngỡ chúng tôi đi săn chim. Khi biết chúng tôi chỉ muốn ngắm nhìn chim cho thỏa thích, họ nhìn khách lạ như những người không bình thường, thậm chí cười đùa, chế giễu. Cuộc tìm kiếm có lúc tưởng chừng bỏ cuộc vì thất vọng, mệt mỏi…” – Kevin mô tả về chuyến du lịch xem chim trên trang web cá nhân của ông.
Chuyến du lịch Việt Nam đã không làm Kevin thất vọng. Ông đã tận mắt thấy một con choắc mỏ thìa tắm trong vũng nước cạn, được nhìn chiếc mỏ dẹp không thẳng, được ngắm loài chim quý sắp tuyệt chủng. Sản phẩm cuối cùng cho chuyến du lịch đầy tốn kém và mệt mỏi chính là niềm vui sướng khôn cùng và những hình ảnh về choắc mỏ thìa mà Kevin đã kịp lưu giữ bằng máy ảnh để chia sẻ cùng bạn bè sau đó.
Thú vui đắt đỏ
Công ty Du lịch Hoang Dã là đơn vị đầu tiên của Việt Nam cung cấp các tour xem chim (hiện còn có một công ty khác do du khách nước ngoài đến xem chim thành lập). Giám đốc công ty, ông Nguyễn Hoài Bão, hiện là giảng viên Khoa Sinh học Trường Đại học Tự nhiên TP HCM.
Ông Bão cho biết khách hàng của Hoang Dã đều từ nước ngoài, có người là chuyên gia về sinh thái học, có người không liên quan gì đến chuyên ngành nhưng tất cả đều cùng đam mê tìm hiểu và nghiên cứu các loài chim. Là công ty của Việt Nam nhưng Hoang Dã chưa được một người Việt nào đặt tour, có lẽ do ý thức và thói quen – người ta không tiếc tiền mua vài con chim quý nhốt vào lồng treo chơi trong nhà nhưng bỏ ra số tiền lớn để trèo núi băng rừng đi ngắm chim và ra về với bàn tay trắng là điều không bình thường!
Xem chim ở Việt Nam là việc khá khó vì phần lớn vùng chim ở đều xa và không dễ đến. Để xem một số loài đặc hữu, du khách phải vào rừng sâu, trèo lên núi cao, đến nơi rất hiếm người đặt chân tới. Không phải chuyến đi nào du khách cũng may mắn bắt gặp ngay loài chim cần xem. Nhiều chuyến phải tổ chức đến lần thứ hai, thứ ba, thậm chí phải sử dụng những thiết bị tạo âm thanh dụ chim nhưng hết sức hạn chế vì phương châm của Hoang Dã là không can thiệp vào tự nhiên và chính du khách cũng không muốn điều đó. Vì thế, chuyến đi của bác sĩ Kevin xem ra lại khá dễ dàng và may mắn.
Giá tour xem chim cũng rất đắt đỏ, từ vài triệu đồng với chuyến đi 1-2 ngày/người đến vài chục triệu, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng nếu kéo dài cả tháng cho du khách muốn xem cả vùng chim đặc hữu. Vậy mà lịch đặt tour của Hoang Dã đã kín cả năm nay lẫn năm tới, khách thường phải đặt trước cả năm trời. Mỗi năm, công ty chỉ tổ chức trên dưới 10 tour xem chim do những tháng mưa không đi được. Do có phần nguy hiểm nên tour không tổ chức đi theo đoàn lớn mà mỗi chuyến chỉ 5-7 người nhằm bảo đảm an toàn.
“Nhân lực là vấn đề quan trọng nhất. Tính cả tôi thì công ty hiện có 4 hướng dẫn viên (HDV). Thỉnh thoảng, chúng tôi phải mời HDV bên ngoài là các chuyên gia về điểu học của các viện, trường. HDV công ty đều là sinh viên của tôi đã tốt nghiệp và học thêm khóa đào tạo 6 tháng về du lịch. Trong 2 năm đầu, các em không được hướng dẫn mà chỉ đi theo để học hỏi. Phải là người hết sức đam mê mới có thể vượt qua những vất vả, nguy hiểm của nghề. Người chuyên xem chim không phải tay mơ, họ có kiến thức đáng nể về các loài chim mà đôi khi chính tôi cũng ngạc nhiên. Vì thế, để hướng dẫn khách, cần có kiến thức và kinh nghiệm thực tế tốt hơn họ. Nếu HDV của tôi ú ớ, công ty sẽ mất khách hàng và mất uy tín trong giới xem chim. Bởi lẽ, khách hàng tìm đến công ty chủ yếu là qua quảng cáo truyền miệng” – ông Bão giải thích.
Triết lý “tô cháo”
Việt Nam có gần 900 loài chim, trong đó rất nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ thế giới. Năm 2005, khi ông Bão quyết định thành lập công ty chuyên cung cấp tour du lịch xem chim, một số người thân và bạn bè đã ra sức khuyên can. Họ không tin có người chấp nhận bỏ tiền chỉ để xem chim. Thế nhưng, đã nhiều lần được một số bạn bè quốc tế nhờ hướng dẫn đến các vùng chim đặc hữu ở Việt Nam, ông biết nước ta là điểm đến đầy tiềm năng đối với những “tín đồ” xem chim khắp thế giới.
Theo ông Bão, chúng ta vẫn thường hô hào người dân bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học nhưng không chứng minh được bảo tồn như thế thì có lợi gì. Công ty hay khách hàng của Hoang Dã không cho tiền bạc nhưng sử dụng dịch vụ của người dân địa phương, thuê dẫn đường…, đem lại nguồn thu nhập cho họ.
“Bắt một con chim chỉ nấu được một tô cháo nhưng cứ để nó sống thì du khách đến thăm nhiều hơn, sẽ có được nhiều “tô cháo”. Chưa kể, tình yêu thiên nhiên và thói quen bảo vệ môi trường từ du khách cũng có thể làm lay chuyển người dân địa phương. Từ đó, họ sẽ quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường sống của chim và muôn loài khác” – ông Bão giải thích về triết lý kinh doanh của mình.
Khơi dậy tình yêu thiên nhiênÔng Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc VQG Tràm Chim (Đồng Tháp), cho rằng những tour du lịch sinh thái của Hoang Dã rất hữu ích. Không chỉ làm kinh tế, công ty còn góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đó cũng là hành động thiết thực nhất để khơi dậy tình yêu thiên nhiên trong lòng mỗi người, bởi cách bảo vệ thiên nhiên hiệu quả nhất không phải là ngăn chặn con người tàn phá thiên nhiên mà làm cho họ yêu thiên nhiên.
“Tháng 11-2013, với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế, Công ty Hoang Dã đã phối hợp với VQG Xuân Thủy và VQG Tràm Chim tổ chức sự kiện Chào đón chim di cư. Hơn 30 khách trong nước đã được tổ chức đến xem chim miễn phí tại 2 VQG. Hoạt động này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn chim hoang dã” – ông Hùng cho biết. |