ThienNhien.Net – Mấy năm nay, cái nhìn của công luận về thủy điện – nhất là thủy điện vừa và nhỏ, nhuốm màu ảm đạm, với định kiến nặng nề về hậu quả phá rừng, gây lũ lụt hoặc suy kiệt nguồn nước. Trên nền xám đó, thủy điện Krông Hin (xã Ea M’đoan, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) – công trình thủy điện tư nhân đầu tiên của cả nước đã nổi lên như một điểm sáng về “thủy điện xanh”.
Thủy điện Krông Hin nằm trên thượng nguồn sông Krông Hin lắm thác ghềnh, bốn mùa đầy nước. Là công trình thủy điện tư nhân đầu tiên, để có được hình hài như ngày hôm nay, thủy điện Krông Hin đã trải qua rất nhiều khó khăn. Nhớ lại việc xây dựng công trình, kỹ sư Nguyễn Quyền cho biết: “Đầu tư vào thủy điện là giải một bài toán kinh tế phức tạp, không chỉ cần nguồn vốn lớn mà còn phải làm thế nào giảm được định suất đầu tư trên mỗi MW công suất lắp máy, đồng thời giảm được những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Vì vậy việc khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng, gần như không có sai sót.”
Từ khi lập dự án khả thi vào tháng 12/2003, ông đã mất cả năm trời trèo đèo, lội suối nghiên cứu mới tìm được vị trí thuận lợi để đặt nhà máy, dù nhiều năm trước đó ông đã nắm rất rõ địa hình toàn khu vực với thâm niên 20 làm giám đốc Công ty Thiết kế công trình Thủy lợi- Thủy điện (thuộc Sở Thủy lợi) của tỉnh Đắc Lắk. Việc sửa đổi, bổ sung thiết kế công trình cũng lấy mất của ông không ít thời gian, tâm lực và trí lực.
Thay vì phải chở từng ống thép xiphông từ TP. Hồ Chí Minh vượt gần 500km đến công trường, thì để tiết kiệm, ông tự chế tạo máy cuốn thép, mua thép về sản xuất cả những đoạn ống xiphông dày 14 li, mỗi đoạn nặng hơn bốn tấn rưỡi, lắp ráp ngay theo từng con dốc mỗi khi công nhân bạt xong núi lấy mặt bằng để đặt tuyến đường ống.
Gần hai năm trời vất vả, 1.600m đường ống xiphông dẫn nước, 3200m kênh dẫn nước và 500m đường ống áp lực đã hoàn thành. Ngày 26/7/2006, hai tổ máy của thủy điện Krông Hin có cột nước áp lực hơn 120 m, công suất 5 MW đồng loạt phát điện, hòa vào điện lưới quốc gia.
Theo kỹ sư Nguyễn Quyền, điều ông tự hào nhất không phải ở chỗ Krông Hin là thủy điện hiếm hoi trong số các công trình thủy điện tư nhân ở Đắk Lắk làm ăn có lãi, mà ở chỗ công trình tâm huyết của ông thực sự đạt các tiêu chí hài hòa, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả an sinh xã hội cao.
Trong tổng số 59 ha đất ông được tỉnh giao để xây dựng nhà máy thì chỉ có 5 ha cà phê, còn lại hầu hết đều là đất trống đồi núi trọc; trong quá trình xây dựng công trình, không có hộ dân nào bị ảnh hưởng, phải di dời, tái định cư, định canh. Ông cũng chỉ sử dụng chưa đến 40 ha trong tổng số đất được giao.
Đặc biệt, từ khi đi vào vận hành đến nay, thủy điện Krông Hin đã thực hiện trồng hơn 32 ha rừng. Rừng trồng trên đất công trình thủy điện đến thời điểm này đã chuẩn bị vào giai đoạn khai thác, còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập để cải thiện đời sống cho các hộ công nhân của nhà máy.
Nhờ nguồn nước của thủy điện, hơn 500 ha cà phê của Cty Cà phê 715 C và 50 ha lúa nước của đồng bào hai xã Ea M’đoan và Cư K’róa được phục vụ nước tưới miễn phí; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên cho hàng trăm hộ dân quanh vùng. Điều này càng có ý nghĩa khi biết rằng năm 2013, tỉnh Đắk Lắc đã có hơn 34 nghìn ha cây trồng bị khô hạn và gần 7 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Ông Vũ Hữu Nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy M’Đrắk cho biết: “Tôi rất trân trọng những công trình thủy điện không tàn phá rừng tự nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường như thủy điện Krông Hin. Nhà máy không những đóng góp mỗi năm từ 5-6 tỉ đồng thuế phí các loại cho ngân sách địa phương, sản xuất được từ 25-26 triệu KWh điện cho lưới điện quốc gia, giải quyết việc làm cho 30 công nhân trong đó có cả lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn phục vụ nước tưới, nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực.”
Cho đến nay, kỹ sư Nguyễn Quyền đã có thâm niên phục vụ trong ngành thủy lợi- thủy điện lên đến gần bốn mươi năm, đã trực tiếp thiết kế và xây dựng trên 30 công trình thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai, Thuận Hải, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, hầu như tất cả các công trình này đều an toàn, thân thiện với môi trường.
Dù tuổi đã cao nhưng niềm đam mê với những công trình xanh của ông vẫn chưa tắt. Ông vẫn thường xuyên di chuyển giữa thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Ma’Đrắk để điều hành thủy điện Krông Hin, ngoài ra ông còn đến nhiều địa phương khác trong cả nước để tư vấn, thiết kế các dự án thủy điện theo hướng an toàn, bảo đảm lợi ích đa mục tiêu, thân thiện với môi trường.
Ông tâm sự: “Cả đời tôi gắn bó với những công trình thủy điện. Thấy thủy điện bị phê phán như hiện nay, nói thật là tôi xót xa lắm. Tôi chỉ mong nỗ lực nhỏ bé của mình góp phần vào việc tìm lời giải bài toán về môi trường cho thủy điện để tận dụng hết tiềm năng thủy điện chúng ta đang có, mà không gây xáo trộn, tổn hại cho đời sống người dân.”