ThienNhien.Net – Nguồn tài nguyên biển, hải đảo phong phú và đa dạng đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta thời gian qua. Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Về nguồn lợi hải sản, với trữ lượng khoảng năm triệu tấn và cho khả năng khai thác 2,3 triệu tấn/năm, đồng thời dọc ven biển có hơn 800 nghìn ha bãi triều, các vịnh, đầm phá ven bờ biển rất thuận lợi cho việc nuôi trồng các loại thủy hải sản có giá trị xuất khẩu như tôm, cua, ngọc trai, cá mú, rong câu…
Ngoài ra, còn có hơn 100 điểm có thể xây dựng cảng biển và hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng biển Việt Nam đóng góp gần 48% GDP toàn quốc, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đóng góp từ 20 đến 22% tổng GDP (chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch…).
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều thách thức trong việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển do sự suy giảm các nguồn thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các loại tài nguyên khoáng sản biển, tài nguyên dầu khí và những nguồn tài nguyên biển không tái tạo khác đang bị khai thác quá mức và thiếu tính bền vững như nạn phá hủy san hô, rừng ngập mặn… ngày một gia tăng. Do đó, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn gây lãng phí, cạn kiệt tài nguyên tác động rất lớn đến chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia. Trong khi đó, công tác quản lý tài nguyên biển, hải đảo ở nước ta còn một số hạn chế và bất cập như các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về biển đảo thuộc ngành tài nguyên và môi trường đang giai đoạn xây dựng, kiện toàn nên chưa đủ mạnh để thực thi các nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực biển, đảo còn mỏng, hầu như chưa được trang bị kiến thức chuyên môn về biển; các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan đến biển, hải đảo thiếu sự phối hợp trong một hệ thống thống nhất do ngành tài nguyên và môi trường làm đầu mối.
Ngoài ra, hiện nay mỗi ngành đều được quy định riêng về các hoạt động như điều tra cơ bản, nghiên cứu, thu thập các dữ liệu cơ bản liên quan đến ngành mình, dẫn đến việc đầu tư dàn trải nên thiếu nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm các trang thiết bị hiện đại. Thiếu sự phối hợp giữa các ngành cho nên hoạt động xây dựng các chiến lược, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cho công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo còn nhiều bất cập, chồng chéo…
Để quản lý và sử dụng tài nguyên biển, hải đảo đạt hiệu quả, cũng như từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh đối với việc quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Đồng thời, nhất quán trong thực thi phương thức quản lý biển, hải đảo theo hướng tổng hợp và thống nhất trên cơ sở xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, đảo, vùng ven biển để giải quyết đồng bộ các quan hệ khác nhau trong khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm kê, đánh giá tình hình khai thác, sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo làm căn cứ tiến hành phân vùng chức năng và quy hoạch sử dụng biển, hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên phạm vi toàn quốc, theo các vùng biển, hải đảo, trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành, của từng địa phương kịp thời.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo, cũng như tăng cường đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, tài chính phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, các thành phần kinh tế và các tổ chức xã hội về quản lý biển, vùng ven biển và hải đảo đối với việc sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ven biển. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia một cách chủ động của cộng đồng dân cư ven biển, trên các đảo trong tiến trình quản lý biển, qua đó giúp người dân thay đổi hành vi đối với công tác bảo vệ môi trường biển, hải đảo…