ThienNhien.Net – Quá trình đô thị hóa đang diễn ra với nhịp độ chóng mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nới rộng dần khoảng cách giữa con người và tự nhiên. Trước khi khoảng cách ấy trở nên quá xa vời, các nhà nghiên cứu và quản lý đô thị từ Mỹ đến Anh đang nỗ lực rút ngắn nó lại, biến đô thị thành một nơi cư trú lý tưởng cho các loài động, thực vật.
Cách đây vài năm, các cán bộ môi trường thuộc hạt Baltimore, bang Maryland (Mỹ) đã bắt đầu cân nhắc đề xuất trồng cây của một nhóm cư dân địa phương tại các khu vườn công cộng, trường tiểu học ở những địa bàn dân cư đông đúc trong thành phố. Giống như nhiều sáng kiến cải tạo không gian đô thị xanh, thân thiện hơn với môi trường và giới tự nhiên, đề xuất trên xuất phát từ thực tế đáng buồn là con người đang chấp nhận đánh đổi một phần đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển, đô thị hóa.
Theo dự đoán từ năm 2000 – 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn cầu ước tính sẽ tăng gấp 3 lần, nhưng cũng trong chừng ấy thời gian, chúng ta sẽ mất đi một lượng lớn các loài động, thực vật và đẩy nhiều loài quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng do không có nơi cư trú.
Hiện 17% trên tổng số 800 loài chim ở Bắc Mỹ đang bị suy giảm về số lượng, chưa kể 20 loài nằm trong danh sách các loài chim phổ biến bị suy giảm của Hiệp hội Quốc gia Audubon (Mỹ) đã mất ít nhất một nửa quần thể kể từ năm 1970.
Những con số ảm đạm này khiến các nhà nghiên cứu và quản lý đô thị không khỏi nhức đầu. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến giải pháp trồng cây, thiết kế những mái nhà xanh, những khoảng sân vườn hay xây dựng những con đường thông minh thì mặc nhiên là chưa đủ. Tất cả những giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ, sắp xếp một cách hợp lý nhất để trở thành nơi cư trú, kiếm ăn, sinh sản của các loài chim, bướm và nhiều loài động vật khác, đồng thời phải tạo ra được những hành lang an toàn cho động vật di chuyển.
Vẫn còn quá sớm để hình thành một phong trào tự nhiên hóa đô thị, song sự xuất hiện của những sáng kiến phục hồi đa dạng sinh học ở các thành phố đã phần nào hé lộ một hướng đi đúng đắn. Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ – đơn vị trước đây từng nhiều lần cho rằng hướng đi này không thể thành hiện thực – hiện đang hỗ trợ tích cực cho chương trình phát triển rừng tại đô thị. Các chương trình bảo tồn hệ sinh thái và động vật hoang dã tại đô thị cũng không ngừng được nhân rộng ở nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ. Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Virginia gần đây tuyên bố sẽ phối hợp với các đối tác từ Singapore, Oslo và Phoenix khởi động Mạng lưới các đô thị sinh thái, đưa thiên nhiên hội nhập vào cuộc sống đô thị.
Nhà côn trùng học Douglas Tallamy – trường Đại học Delaware (Mỹ) cho biết, một cặp chim bạc má Carolina (Poecile carolinensis) cần kiếm khoảng 6.000 – 9.000 con sâu bướm mới đủ nuôi sống 6 con chim non trước khi chúng có thể tự mình rời tổ kiếm ăn. Do đó, nếu cây trồng không tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài sâu bướm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới sự sống của bầy chim non. Đây là tác động dây chuyền không thể tránh khỏi nếu một hay nhiều mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn biến mất hoặc bị xáo trộn. |
Còn tại hạt Baltimore của Mỹ, chính quyền đã ra quy định 80% số cây được trồng trên địa bàn hạt phải là cây có tán dạng vòm, trong đó sồi chiếm khoảng một nửa. Bởi lẽ, sồi thích hợp với mọi giống, loài từ sâu bướm đến chim chóc, thậm chí cả cá vì các loài thủy sinh không xương sống vốn là miếng mồi ngon của cá đều ưa thích những chiếc lá sồi rụng từ trên cây…
Thực tế cho thấy, hoàn toàn không khó để theo đuổi mô hình đô thị sinh thái, gần gũi với tự nhiên và mô hình này cũng không đòi hỏi phải đầu tư quá nhiều tiền bạc. Chúng ta có thể dễ dàng thu hút ngày càng nhiều ong, bướm, chim… về thành phố của mình chỉ bằng cách đơn giản là nhổ bớt cỏ để trồng hoa, cây bụi hay cây ăn quả; hoặc chỉ bằng cách trông chừng cẩn thận những con mèo nuôi trong nhà cũng giúp nước Mỹ mỗi năm cứu được hàng tỷ con chim thoát khỏi nanh vuốt của loài mèo…
Trong bối cảnh dữ liệu khảo sát về bức tranh đa dạng sinh học ở các đô thị còn tản mạn và thiếu đồng nhất, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc gia về Phân tích và Tổng hợp Sinh thái (NCEAS) đã lên kế hoạch xây dựng một cơ sở dữ liệu mới với đầy đủ danh sách loài, số lượng cá thể và loại hình cư trú của động vật ở 156 đô thị trên thế giới.