ThienNhien.Net – Hầu như người Việt nào cũng có một con sông chảy qua tuổi thơ, kể cả những người không có quê như dân Sài Gòn. Bây giờ khi dòng sông nào cũng vỡ vụn, trăn trở lớn nhất là với những gì còn lại liệu thế hệ sau vẫn có một dòng sông trong ký ức?
“Nhiều nghiên cứu của thế giới chỉ ra rằng, phát thải khí nhà kính của một số lòng hồ thuỷ điện lớn hơn cả nhiệt điện, nên nó không phải là năng lượng sạch”, TS Đào Trọng Tứ, giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó tổng thư ký UỶ ban sông Mekong Việt Nam – bắt đầu câu chuyện về sự còn mất của các dòng sông Việt Nam như thế.
Là người học về công trình thuỷ công, gắn bó với Thác Bà từ khi còn là sinh viên, rồi làm quy hoạch thuỷ lợi thuỷ điện các dòng sông ngoài Bắc, Tây Nguyên và sau này là sông Mekong, TS Tứ chia sẻ:
Người ta làm thuỷ điện nhanh quá, thiên nhiên bị “chinh phục” dễ dàng quá và cũng bị tàn phá ghê quá… Họ coi dòng sông như một chỗ để trục lợi. Chỉ hơn 20 năm, chúng ta khai thác trên 80% tiềm năng kỹ thuật, gần 1.000 công trình lớn nhỏ được xây dựng. Những người nghiên cứu sông ngòi thế giới đã kết luận: khi một dòng sông bị chia cắt và bị chặn để xây đập với tổng chiều dài dòng chảy biến thành các dạng nước chảy lững lờ từ 30% trở lên thì con sông đó được gọi là vỡ vụn, môi trường, sinh thái sông bị tác động mạnh. Nhưng Việt Nam không nghĩ đến điều ấy.
Tôi có thể kể vanh vách những dòng sông vỡ vụn, trong khi sẽ đau đầu để chỉ tên những dòng sông trinh nguyên tại Việt Nam, những dòng sông chưa bị con người chinh phục!
Hậu quả khi những dòng sông bị “cõng quá nặng”?
TS. Đào Trọng Tứ: Khi chặn sông thì phải di dân tái định cư. Về lý thuyết chính sách này tốt, nơi ở mới sẽ đẹp hơn, tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khu tái định cư không đủ đất cho dân sản xuất, một số công trình phải san ủi đất đồi để thành đất sản xuất. Chưa kể, việc di dân khiến họ thay đổi tập quán, những di tích lịch sử, khảo cổ giá trị cũng mất theo…
Rồi mất rừng, hiện là con số trên dưới 20.000ha nhưng con số thực sự chắc lớn hơn. Vì khai thác thuỷ điện thường tạo điều kiện cho nạn phá rừng. Di dân cũng sẽ tạo điều kiện phá rừng, lấy đất canh tác hoặc lấy gỗ… Việc mất rừng sẽ đi đôi với các vấn đề lũ lụt, sạt lở núi, xói lở bờ và thậm chí có hại cho chính bản thân dòng chảy và lòng hồ, làm giảm nhanh tuổi thọ của các hồ. Các hồ chứa cầm giữ đáng kể lượng phù sa thượng lưu, khiến nước hạ lưu công trình trong hơn, gây mất cân bằng động lượng học dòng sông. Phù sa cho lúa kém màu mỡ kèm theo lượng phù du và phù sa cho cá giảm, rồi làm cản đường cá đi.
Biến đổi khí hậu, nguyên nhân được cho sẽ làm thay đổi mạnh mẽ thế giới này, là hậu quả phát triển tham lam của chính con người. Những giọt nước mắt của trưởng đoàn Philippines ngày 11.11.2013, sau đó là quyết định tuyệt thực của 30 nhà sinh thái tại hội nghị lần thứ 17 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ở Warsaw, Ba Lan vừa qua phần nào nói lên câu chuyện này.
Vừa qua, người dân một số địa phương miền Trung kêu trời bởi mưa to, lũ về, thuỷ điện thi nhau xả nước khiến hàng ngàn hộ dân tan cửa, mất nhà. Đây có phải là tác hại của những thuỷ điện đơn mục tiêu?
TS. Đào Trọng Tứ: Một thuỷ điện đa mục tiêu, được điều hành thận trọng, đúng quy trình sẽ giảm tác động của lũ lụt cho hạ du. Dân ở đồng bằng sông Hồng, từ khi có thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà và rồi mới đây Tuyên Quang, Sơn La… nhiều năm nay đã không còn mối lo về mùa lũ dữ. Còn hiện nay phần lớn các công trình ở các hệ thống sông khác là công trình đơn mục tiêu, tức chỉ có nhiệm vụ chính là phát điện hoặc tưới, hoặc kết hợp.
Khi thời tiết cực đoan hơn, mưa lũ đến nhiều hơn, lớn hơn như năm nay, các hồ đơn mục tiêu sẽ khó vận hành theo ý muốn và sẽ tác động thêm vào lũ lụt hạ lưu. Đây chính là điều các nhà quản lý cần nhìn nhận, tiến hành các nghiên cứu và đánh giá cần thiết giúp người dân và xã hội biết được sự thực vấn đề và tìm ra lối thoát, để không lặp lại những gì đã xảy ra.
Tiến sĩ có chia sẻ gì trước nỗi lo của những người dân vùng thuỷ điện phải sống dưới những “quả bom nước” luôn lơ lửng trên đầu?
TS. Đào Trọng Tứ: Khoảng 3% các công trình hồ, đập trên thế giới là có sự cố, nhiều sự cố dẫn đến thảm hoạ vỡ đập. Trong đó, tỷ lệ vỡ đập nhỏ lớn hơn.
Tuy nhiên, bài toán vỡ đập không chỉ đề ra đối với các hồ đập nhỏ mà chính là kịch bản phải được đề ra cho các đập lớn/vừa. Bài học vỡ đập Tiên Kiều (Trung Quốc) kéo theo vỡ liên hoàn hàng chục đập ở Tứ Xuyên cướp đi sinh mạng của 26.000 con người, vỡ đập Machhu ở Ấn Độ làm chết 5.000 – 10.000 người. “Bom nước Sông Tranh” của Việt Nam nếu vượt ngưỡng hoàn toàn có thể khiến 65.000 người Hội An trôi ra biển. Thuỷ điện là bài toán đánh đổi, nhưng phải giải quyết bài toán đánh đổi theo cách khác. Không thể để nhiều người được hưởng lợi, trong khi nhiều người mà phần lớn là những người nghèo, phải chịu hy sinh, thiệt thòi.
Theo tiến sĩ, đâu là hướng tái sinh cho các dòng sông Việt Nam?
TS. Đào Trọng Tứ: Muộn còn hơn không. Chúng ta không giữ được hết cả một dòng sông, thì giữ lại một phần lớn dòng sông vậy, và nếu không giữ được phần lớn thì cũng phải để một đoạn lưu thông đủ dài cho ra dáng một con sông. Tôi cho rằng nên dừng hẳn phát triển thuỷ điện, tập trung nghiên cứu toàn diện lợi hại, tìm cách giảm thiểu tác động cho môi trường, rừng, đất. Bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân bị tác động như chính sách đã đề ra và bảo đảm an toàn tuyệt đối đập. Con số mất an toàn đập thuỷ lợi đã lên tới hàng ngàn, đã có nhiều thuỷ điện nhỏ vỡ và nhiều rủi ro không biết đằng nào mà lần. Nếu tiếp tục làm thì quả là họ liều quá!