ThienNhien.Net – Từ các đô thị công nghiệp của Anh đến những cánh rừng Thụy Điển, từ các vùng đồng bằng của Tây Ban Nha đến những bờ biển Đen, hoạt động phá đập, dỡ đê, tẩy trừ ô nhiễm và hồi sinh diện mạo của khu vực đồng bằng ven sông đang diễn ra với nhịp độ sôi nổi không kém việc con người theo đuổi các mục tiêu kinh tế.
Trong thời gian dài, các kỹ sư châu Âu hầu như chỉ nhìn thấy ở sông ngòi những lợi ích về lưu thông đường thủy, cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt, tiêu thoát lũ, lọc rửa nước thải… Vì vậy, họ luôn nỗ lực thuần hóa, chế ngự thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ con người. Tuy nhiên giờ đây, họ đã hiểu ra một điều quan trọng hơn, đó là: trong cuộc chiến với thiên nhiên, con người thường mất nhiều hơn được.
Những đợt lũ lịch sử trên sông Rhine năm 1995 tàn phá một vùng rộng lớn của đất nước Hà Lan chính là minh chứng rõ ràng nhất. Con người đã xây đập, đắp đê kiên cố, nhưng họ cũng không thể lường trước được sức mạnh của tự nhiên lớn đến mức nào. Thiệt hại vì thế rất khó tránh khỏi. Thực tế ấy đã khiến các kỹ sư Hà Lan có cái nhìn khác hơn về sông ngòi và bắt tay vào triển khai những kế hoạch trả lại dòng chảy tự nhiên cho dòng sông.
Quốc gia tiếp theo học tập hướng đi này là Romani. Ông Gheorghe Constantin thuộc Bộ Môi trường và Rừng Romani cho biết: “Cho đến năm 2006, chúng tôi vẫn theo đuổi việc xây dựng đê để chống lại những trận lũ lớn trên sông Danube. Song cuối cùng, đê cao cỡ nào, kiên cố cỡ nào cũng không ăn thua. Lũ vẫn phá đê, tràn vào thành phố, làng mạc. Do đó, chúng tôi đã quyết định học tập mô hình của Hà Lan, trả lại cho sông dáng vẻ tự nhiên vốn có”.
Quyết tâm đưa tất cả các dòng sông trên lục địa trở về trạng thái cân bằng vào năm 2015 đã được khẳng định trong Hướng dẫn Khung về Tài nguyên nước của Liên minh Châu Âu (EU) năm 2000. Trạng thái cân bằng này có thể hiểu là khi đó, sông ngòi không còn bị sử dụng làm kênh dẫn nước thải công nghiệp hay biến thành những tuyến đường vận tải bị kè hóa nữa.
Anh là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa việc phục hồi các dòng sông với cam kết trả lại vẻ nguyên sơ cho khoảng 1.500 km sông. Đến nay, nước này đã hoàn thành 1.500 dự án phục hồi sông ngòi trên tổng số 2.700 dự án quốc gia của họ.
Duero, một trong số những con sông lớn nhất Tây Ban Nha, cũng đang sạch dần bóng đập và nhiều công trình khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của sông. Còn tại lưu vực sông Loire, con sông dài nhất nước Pháp, các kỹ sư đang tiến hành tháo dỡ những con đập ngăn dòng, điển hình là đập Maisons-Rouges. Vùng đầm lầy phía cửa sông Skjern, con sông lớn nhất Đan Mạch, cũng đã dần hồi sinh sau khi các đường gấp khúc của sông được phục hồi và các bờ sông nhân tạo được hạ thấp hơn để nước lũ theo mùa tràn vào những cánh đồng ven sông. Áo và Đức thì đang nỗ lực loại bỏ những con đê để hồi sinh vùng đồng bằng của một nhánh sông Danube…
Tuy nhiên, việc làm sạch những dòng sông bị ô nhiễm nặng là một thách thức không nhỏ. Ông Alastair Driver thuộc Cơ quan Môi trường Anh đã chia sẻ về những khó khăn khi triển khai kế hoạch phục hồi sông Thames. Ông nói: “Hệ thống xử lý nước thải mới trên thực tế đã giúp chúng tôi đưa cá hồi và nhiều loài cá khác trở về sông Thames, nhưng do dân số tăng trong khi nguồn đầu tư đến không kịp thời nên tình thế nhanh chóng bị đảo ngược. Mỗi năm, khoảng 40 triệu tấn nước thải chưa qua xử lý vẫn không ngừng đổ xuống, khiến sông Thames ngày càng ô nhiễm nặng nề”.
Ngoài thách thức trên, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái sông ngòi ở châu Âu còn đòi hỏi phải kết hợp với việc phục hồi thảm thực vật và những cánh rừng ven sông. Bởi lẽ, chúng vừa giúp giảm tốc độ dòng chảy, chặn rác thải hữu cơ, vừa là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài côn trùng sống ở nước vốn là thức ăn cho cá. Chưa kể, chúng còn điều hòa nhiệt độ của sông, tạo điều kiện sống lý tưởng cho các quần thể động, thực vật thủy sinh. Song chắc chắn đây không phải việc dễ dàng vì nó phụ thuộc nhiều vào nhu cầu khai thác gỗ phục vụ mục đích kinh tế của từng quốc gia và ngay cả khi kế hoạch phục hồi rừng được tán thành cũng phải mất nhiều năm rừng mới có thể phục hồi thành công.
Nói như vậy để thấy dù ý chí chính trị có vững vàng, ngân sách phục hồi có dồi dào thì mức độ phục hồi các dòng sông châu Âu vẫn chỉ nằm trong một giới hạn nhất định. Ông Ulrich Pulg thuộc Viện Nghiên cứu Uni (Na Uy) ước tính rằng 50% các dòng sông ở Đức, 30% ở Na Uy và 70% ở Bỉ có thể không bao giờ phục hồi được một khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa còn tiếp diễn.
Bước đầu tiên trong kế hoạch phục hồi sông ngòi ở châu Âu là loại bỏ ô nhiễm, làm sạch dòng sông. Bước tiếp theo là trả về cho sông dòng chảy tự nhiên vốn có bằng cách phá đê, dỡ đập, loại bỏ những hàng rào nhân tạo làm méo mó dòng chảy tự nhiên của sông. Ngoài ra còn cần tái tạo những đoạn sông gấp khúc ban đầu, phục hồi thảm thực vật và những cánh rừng ven bờ, đồng thời khơi thông lại dòng chảy vào những đồng bằng ven sông… |