ThienNhien.Net – Dù bận rộn công việc nhưng khi chúng tôi hẹn gặp để phỏng vấn về công tác bảo tồn thì tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam, vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện vào một chiều cuối năm, trước thềm năm mới Giáp Ngọ 2014.
– Xin được mở đầu câu chuyện về một phát hiện nổi bật của WWF nói riêng, của lĩnh vực bảo tồn Việt Nam nói chung trong năm qua, là việc ghi nhận được hình ảnh của “kỳ lân châu Á” Sao la sau 15 năm. Ông có thể chia sẻ đôi điều về quá trình đi tới phát hiện này?
TS Văn Ngọc Thịnh: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là loài thú lớn quý hiếm được chuyên gia của WWF và Viện điều tra quy hoạch rừng phát hiện vào năm 1992 và công bố với thế giới, sau đó có ghi nhận thêm sự hiện diện của loài này ngoài lãnh thổ Việt Nam là ở Nam Lào và Trung Lào. Phát hiện này đã làm cho các nhà khoa học trong và ngoài nước hết sức bất ngờ vì một loài thú lớn mà đến tận thập niên này được mới phát hiện, điều này chứng tỏ ẩn số về giá trị đa dạng sinh học của khu rừng nhiệt đới này cần được khám phá. Nhiều nghiên cứu về loài này được thực hiện và đã ghi nhận sự hiện diện của chúng tại các khu rừng giáp ranh với Lào từ Nghệ An đến Quảng Nam. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, việc nghiên cứu bảo tồn trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn, một số cá thể nuôi cứu hộ chỉ sống không quá thời gian 6 tháng. Đến năm 1998, người dân Thừa Thiên Huế bắt được cá thể Sao la đầu tiên, khi đó WWF và các cơ quan chức năng đã tiến hành giải cứu, tháo bẫy và thả cá thể này về rừng. Năm 1999, WWF chụp được bẫy ảnh Sao la ở VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh), từ đó đến nay thì gần như không phát hiện được cá thể Sao la nào ngoài tự nhiên ở Việt Nam.
Trong 10 năm trở lại đây, WWF đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn loài thú quý hiếm này. Từ năm 2004 – 2008, WWF triển khai dự án hành lang đa dạng sinh học để khảo sát và bảo tồn các loài hoang dã và sinh cảnh của chúng, trong đó có Sao la. Cũng trong thời gian này, các nghiên cứu ghi nhận về dấu vết thức ăn, mẫu phân được cho là của Sao la, tuy nhiên, lúc đó việc sử dụng công nghệ phân tích AND áp dụng cho động vật còn hạn chế. Đặc biệt, chúng tôi đã nỗ lực hỗ trợ và thuyết phục Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đề xuất với UBND tỉnh thành lập Khu bảo tồn Sao la đầu tiên.
Trong các năm từ 2008-2010, chúng tôi tiếp tục vận động các cấp để thành lập các khu bảo tồn Sao la. Cụ thể, mở rộng Vườn quốc gia Bạch Mã thêm 13.000ha; thành lập Khu Bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế 15.000ha; thành lập Khu Bảo tồn Sao la Quảng Nam 16.000ha. Các khu bảo tồn này, cùng với Vườn Quốc gia Xây Sáp của Lào, tạo thành một phức hệ rừng liên tục. Tiếp đó, WWF đã xây dựng nhiều dự án giám sát, nghiên cứu nhiều loài biểu trưng của khu vực và thế giới trong khu vực này, tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện được Sao la.
Đến năm 2011, WWF và chính phủ Đức phối hợp thực hiện Dự án Dự trữ Các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Dự án CarBi) với ngân sách 10 triệu Euro cho miền Trung Việt Nam và Nam Lào. Một trong những mục tiêu chính của dự án là phát hiện và bảo tồn Sao la. Hàng loạt các biện pháp đồng bộ đã được chúng tôi tiến hành tại các Khu Bảo tồn Sao la tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam như: xác định vùng có khả năng cao là khu vực sinh sống của Sao la, thành lập 08 đội bảo vệ rừng gồm 40 người, chủ yếu là các thanh niên trẻ địa phương và thậm chí những người từng là thợ săn, để thực hiện tuần tra rừng thường xuyên, tháo dỡ bẫy được cài đặt trong rừng, kết hợp với các lực lượng chức năng xử lý vi phạm lâm luật. Đến nay, đội tuần rừng đã thực hiện hơn 20.000 ngày công tuần tra, tháo dỡ được hơn 30.000 bẫy, 600 lán trại trái phép trong rừng, qua đó các hoạt động bất hợp pháp vào rừng giảm, sự xuất hiện trở lại của các loài thú tăng lên.
Trong 2 năm qua, WWF cũng nỗ lực thực hiện các hoạt động giám sát đa dạng sinh học nhằm phát hiện Sao la như thu thập mẫu vắt (loài động vật hút máu) để phân tích AND tại Đan Mạch, Đức, Trung Quốc, thiết lập bẫy ảnh trong các khu vực tiềm năng Sao la. Kết quả phân tích AND từ 20 mẫu vắt thử nghiệm ban đầu chưa tìm ra Sao la nhưng lại phát hiện được nhiều loài thú lớn quý hiếm như gấu, các loài móng vuốt họ mèo, thỏ vằn, sơn dương, mang lớn, mang Trường Sơn.
Đặc biệt, sau gần 1 năm đặt bẫy ảnh tại các khu vực khoanh vùng sinh cảnh Sao la, chúng tôi đã thu được ba bức bẫy ảnh của một cá thể Sao la vào ngày 17/9/2013 tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam.
– Phát hiện này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
TS Văn Ngọc Thịnh: Phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giá trị đa dạng sinh học miền Trung Việt Nam. Một tái phát hiện Sao la sau 15 năm không ghi nhận trên hiện trường. Mặc dù hình ảnh bẫy ảnh ghi nhận chỉ một các thể Sao la, tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, tại cảnh quan Sao la này, đang tồn tại một quần thể Sao la với quy mô nào đó, các nỗ lực giám sát đa dạng sinh học cũng đang hướng đến điều này. Bằng các phương pháp giám sát hiện đại như thu mẫu vắt xác định loài thông qua phân tích AND, thiết lập bẫy ảnh ở hiện trường để ghi lại hình ảnh và sự hiện diện của Sao la trong tự nhiên, kết hợp với các phương pháp điều tra truyền thống, trong tương lai không xa, chúng ta có thể ước tính được số lượng quần thể Sao la hiện còn trong khu vực.
Câu hỏi nhiều người đặt ra lâu nay là chúng ta phải tốn nhiều công sức, tiền bạc đi tìm một loài tưởng như đã tuyệt chủng như vậy để làm gì? Tìm thấy Sao la chính là câu trả lời. Vì Sao la chỉ sống trong những cánh rừng nguyên sinh nên phát hiện ra chúng là lời khẳng định về giá trị đa dạng sinh học của cánh rừng đó, rằng rừng này còn nguyên sinh, chúng ta phải có biện pháp bảo vệ, giữ gìn. 100 năm, 1000 năm sau mà giá trị nguyên sinh của khu rừng còn giữ được thì giá trị đa dạng sinh học, giá trị văn hóa của khu rừng đó vẫn còn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, tốc độ tiêu thụ động vật hoang dã và tốc độ tác động của con người vào môi trường ngày càng tăng.
Ngoài ra, phát hiện này còn giúp cho những người làm công tác quản lý thấy rằng áp dụng mô hình tuần tra bảo vệ nghiêm ngặt, người tham gia được đào tạo bài bản, có nhiệt huyết thì không chỉ Sao la mà các loài đang trên bờ tuyệt chủng khác cũng có cơ hội tồn tại. Khái niệm mô hình Tổ bảo vệ rừng không phải là mới. Nhiều nơi đã áp dụng rồi, nhưng WWF đã kết hợp giữa cơ quan chức năng, người dân địa phương và các nhà khoa học để thử nghiệm tại Thừa Thiên Huế, và đã mở rộng cho Quảng Nam cũng như Lào. Đây cũng là thông điệp với những người làm công tác bảo tồn: Phải bảo vệ tốt thì mới giữ được các loài quý hiếm.
– Phát hiện ra Sao la là điều đáng mừng nhưng bảo vệ được còn khó hơn. Theo ông, để bảo vệ được Sao la thì những thách thức nào mà WWF và các nhà bảo tồn phải đối mặt?
TS Văn Ngọc Thịnh: Đầu tiên là từ các cộng đồng sống dựa vào rừng. Rừng càng ngày càng ít mà cộng đồng ngày càng đông, hệ quả là áp lực với rừng ngày một lớn. Hơn nữa việc phát triển kinh tế xã hội ngày càng được ưu tiên, đi liền với đó là việc phát triển cơ sở hạ tầng, tất nhiên tất cả những việc này sẽ tác động đến đa dạng sinh học.
Đầu tư của WWF và nhà nước trong 10 năm nay vào các khu bảo tồn là không nhỏ, nhưng cho đến giờ mới chỉ làm giảm được một phần tác động tới nguồn tài nguyên rừng chứ chưa chấm dứt hẳn được. Mà muốn bảo vệ bền vững thì phải ngăn chặn triệt để các mối nguy hại. Sao la rất nhạy cảm, chỉ sống trong vùng rừng sâu, chỉ cần có tác động của con người là nó sẽ chuyển vùng sinh sống. Ngay diện tích rừng của nước bạn Lào cũng mất đi với tốc độ ngày càng nhanh, nên vùng sống của chúng chỉ còn nằm giữa biên giới hai nước.
Sinh cảnh sống của Sao la còn bị ảnh hưởng bởi đường Hồ Chí Minh – hiện chạy dọc giữa giữa vùng sinh sống của chúng. Và trong tương lai, khi người dân tới sinh sống đông hơn thì đây thực sự là những nguy cơ lớn đối với Sao la.
Một thách thức nữa là lực lượng kiểm lâm còn mỏng, chỉ tuần tra được theo định kỳ vài lần/tháng nên khó ngăn chặn hiệu quả được các đối tượng săn trộm; lực lượng tuần rừng của WWF hoạt động hiệu quả nhưng chỉ là giải pháp trước mắt chứ không phải cách làm về lâu dài. Một trăm năm sau chả lẽ chúng ta vẫn cứ đi tuần rừng ngày ngày? Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan thực thi pháp luật và bảo tồn đa dạng sinh học là phải có biện pháp đồng bộ hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao nhận thức để họ không phải đi săn bắt nữa thì Sao la sẽ được bảo vệ.
– Như ông đã nói, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, vậy thì WWF sẽ có những biện pháp gì hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các loài thú quý hiếm, trong đó có sao la?
TS Văn Ngọc Thịnh: Trước mắt, WWF sẽ tiếp tục vận động các nhà tài trợ để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam. Hiện tại, WWF đã chứng minh được Sao la còn tồn tại, chúng ta đều nhận thấy chúng có giá trị như thế nào, vì thế chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, có chương trình cùng các cơ quan chức năng bảo vệ bằng được loài thú quý giá này.
Chúng tôi vẫn hỗ trợ các cơ quan chức năng việc truy quét nạn săn bắt trái phép, hỗ trợ việc trồng rừng, phục hồi rừng, nối lại hành lang sinh sống cho Sao la và các loài thú quý hiếm. Dĩ nhiên WWF không thể làm một mình mà cần sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức bảo tồn khác.
Về lâu dài, tôi tin là sau mấy chục năm nữa, Việt Nam sẽ thành một con rồng của châu Á, nguồn lực đầu tư cho bảo tồn sẽ không cần tới từ bên ngoài nữa mà chúng ta sẽ tự đầu tư được. WWF sẽ sẵn sàng tư vấn cho nhà nước xây dựng những mô hình quản lý, bảo vệ rừng bền vững, chú trọng đến vai trò của cộng đồng tham gia vào bảo vệ rừng, từ đó đưa ra được một chiến lược bảo vệ rừng bền vững. Một việc quan trọng nữa là nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, nhất là trong 10 năm tới.
Bên cạnh đó, để bảo vệ Sao la, WWF đang cố gắng xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh biên giới hai nước để ngăn chặn việc vận chuyển gỗ, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Chúng tôi đề xuất ý tưởng với chính phủ Lào và Việt Nam, mong muốn xây dựng được một khu bảo tồn liên biên giới hoạt động với cơ chế đặc biệt (dĩ nhiên chỉ trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học), làm được như thế thì cơ hội tồn tại của Sao la rất lớn.
– Rõ ràng đầu tư cho bảo tồn là việc tốn kém rất lớn nhưng hiệu quả không chắc chắn hiện hữu ngay. Hoạt động của WWF là ví dụ, sau rất nhiều năm nỗ lực, rất nhiều tiền bạc được đổ ra thì mới may mắn có được thành quả là bức ảnh chụp được Sao la vừa rồi. Nhân dịp năm mới ông có tâm sự hay thông điệp gì với công tác bảo tồn?
TS Văn Ngọc Thịnh: Làm bảo tồn không thể làm một mình, không thể thiếu sự ủng hộ của chính quyền các cấp, của người dân sống trong hoặc quanh khu bảo tồn. Tuy nhiên qua nhiều năm làm công tác bảo tồn, tôi nhận thấy nếu làm bảo tồn mà chỉ làm cho xong hoặc biết phương pháp thành công nhưng không làm theo thì rất dễ thất bại.
Tôi cho rằng những người làm bảo tồn nên chia sẻ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại cho nhau, cho các nhà quản lý để họ thấu hiểu và thay đổi phương cách làm việc, phương cách tiếp cận vấn đề. Và với cá nhân tôi, làm bảo tồn quan trọng nhất là chữ tâm, khi mình có tâm, mình làm mọi việc đều dốc lòng dốc sức thì tất nhiên sớm hay muộn thành công sẽ tới.
– Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn.