ThienNhien.Net – Năm 2013 người dân cả nước biết đến một giải đấu vô cùng lạ lùng và chưa từng diễn ra ở nước ta, ấy là giải chọi ngựa được tổ chức lần đầu tiên ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Tháng 8 năm 2013, “Lễ hội chọi ngựa” – vòng chung kết giải chọi ngựa đã diễn ra tại miền biên ải Hà Giang với sự tranh tài của 30 chú ngựa “ưu tú” nhất.
Để lọt vào vòng đấu này, trước đó, các chàng ngựa này đã phải thi đấu trực tiếp với hàng trăm đối thủ ở các tỉnh vùng cao Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Sự kiện chọi ngựa ở Hà Giang đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh, khách du lịch quốc tế tham dự.
Nói về mục đích của việc tổ chức giải đua ngựa, Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang chia sẻ: “Giải đấu ngựa hướng đến việc bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch Hà Giang cùng với các hoạt động khác như lễ hội chọi dê ở Hoàng Su Phì, chọi bò ở Mèo Vạc, thu hút khách du lịch đến thăm Hà Giang vốn đã nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên của Công viên địa chất toàn cầu duy nhất của Việt Nam – Cao nguyên đá Đồng Văn”.
Ông Hoàng Phi Hùng, Trưởng Phòng nghiệp vụ Thể thao (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang) cho biết: “Đây là giải đấu mang đậm bản sắc của người dân tộc Tày tại địa phương. Dự kiến từ năm 2014 này giải đấu sẽ được tổ chức 2 lần/năm vào tháng giêng và tháng bảy âm lịch với quy mô cấp huyện và sau đó đến cấp tỉnh và tiến xa hơn nữa”.
Điều khác biệt duy nhất với các lễ hội khác như chọi trâu ở một số tỉnh được nhiều người dân biết đến ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc là ở nơi cực bắc này những đấu sĩ thắng cuộc tại các lễ hội chọi bò, dê, ngựa sau khi kết thúc giải đấu sẽ trở về công việc thường ngày là thồ hàng, cày bừa… và rèn luyện sức khỏe cho các trận đấu vào mùa giải sau chứ không bị xẻ thịt đem bán.
Chỉ những người được tận mắt chứng kiến những đấu sĩ ngựa há mồm, nhe răng lao vào đối phương, hay tung những cú đá hậu, móc hàm… bằng mọi cách đánh bại đối thủ của mình mới thấy được sự hấp dẫn của mỗi trận đấu.
Để tạo ra những màn đấu kịch tính ấy, Ban tổ chức đã đưa một “nàng ngựa” được tuyển chọn kỹ lưỡng trong cuộc thi “sắc đẹp” trước đó vào sân để khích lệ những chú ngựa trình diễn các màn võ thuật dương oai với đối thủ và chứng tỏ mình trước “phái đẹp”.
Cũng nhờ đó mà những người có mặt tại sân đấu cổ vũ đã được chứng kiến tận mắt những miếng võ hiểm hóc của các đấu sĩ trình diễn. Dù ngã lăn lóc, chỏng võ trên sân, nhưng các đấu sỹ vẫn quyết tâm gượng dậy để thể hiện mình, quyết chiến, quyết thắng để dành cơ hội được gần gũi với nàng ngựa sau đó, như một phần thưởng của BTC giải.
Hình ảnh con ngựa chẳng phải xa lạ với đồng bào vùng cao này, nhưng cuộc chọi ngựa đầu tiên cũng gợi lại nơi ký ức những người cao tuổi về cái thời mà con ngựa còn là một thành viên quan trọng trong gia đình. Vừa theo dõi trận đấu, Cụ Hoàng Văn Lệ (78 tuổi) vừa chia sẻ: “Cách đây mấy chục năm, hồi kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ khu vực này là một chiến khu cách mạng, nên hầu như nhà nào cũng có ngựa, ngựa được dân bản nuôi để thồ hàng, chở cán bộ xã đi họp qua các con đường mòn xuyên núi, chứ làm gì có giao thông như bây giờ. Ngày xưa thì ngựa nhiều lắm, mấy năm nay bà con có xe máy, xe đạp thồ hàng rồi họ bán hết ngựa. Không biết thời gian tới cả xã này có còn ngựa nữa không, những chú ngựa thi đấu hôm nay từ nhiều vùng khác tới chứ có phải của xã này đâu. Nhà tôi cũng có một chú tham gia đó, mấy đứa con bảo bán nó lâu rồi những tôi nhất quyết không. Khi nào tôi còn thì ngựa còn”.
Những chú ngựa tham gia tranh giải hôm nay rồi sẽ trở về với cuộc sống thường ngày, phục vụ con người. Giữa lúc nhịp sống hiện đại đang làm phai nhạt dần vai trò và hình ảnh của những chú ngựa trong đời sống, cuộc đấu ngựa ngoài việc khơi dậy những ký ức, bảo tồn nét văn hóa vùng cao Việt Nam, còn giúp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với vùng phên dậu của tổ quốc.