ThienNhien.Net – Năm 2013 vừa qua được nhìn nhận là năm thứ 7 nóng kỷ lục, đồng thời là năm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nhất, từ những đợt sóng nhiệt kéo dài dẫn đến hàng loạt thảm họa cháy rừng trên diện rộng ở Mỹ, Úc, Indonesia, Nga, Hy Lạp hay mới đây là Chile tới những trận lốc xoáy, bão lụt, động đất kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề ở Mỹ, Trung Quốc, Pakistan, Trung Âu hay mới đây là Philippin… Tuy nhiên, 2013 cũng là một năm đánh dấu nhiều nỗ lực môi trường đáng ghi nhận, đã được trang web Mongabay.com điểm lại dưới đây, xin được giới thiệu tới độc giả.
Trung Quốc bắt tay vào việc giảm thải
Trước khi cuộc khủng hoảng môi trường, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm không khí, tại Trung Quốc đến hồi không thể cứu vãn, Chính phủ nước này đã bắt đầu công bố và triển khai những sáng kiến mới nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm kỷ lục, đồng thời giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, trong đó có cam kết chi 277 tỷ USD cho chiến dịch đẩy lùi ô nhiễm không khí trong 5 năm tới, kế hoạch đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm và cải thiện chất lượng nhiên liệu.
Kết quả là trong năm qua, mức gia tăng lượng phát thải của Trung Quốc – nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới – đã có chiều hướng giảm so với các năm trước. Điều này khiến nhiều người kỳ vọng vào sự đóng góp tích cực của Trung Quốc cho mục tiêu giảm thải trong thời gian tới.
Những hiệp ước Không phá rừng ra đời
Cùng với việc hai nhà sản xuất hàng hóa lớn ở châu Á – Công ty giấy và bột giấy Asia Pulp & Paper (APP) và Tập đoàn dầu cọ Wilmar – tham gia hiệp ước Không phá rừng, trong năm qua, một số cơ sở kinh doanh lớn trên toàn cầu cũng đã thiết lập cơ chế bảo vệ đối với các nguồn hàng nhập về. Những động thái này ra đời sau một loạt chiến dịch vận động của các nhà hoạt động môi trường và thực tế đã có tác động không nhỏ tới sự thay đổi nhận thức của các nhà sản xuất và tiêu dùng hàng hóa khác trên thế giới.
REDD+ đạt bước tiến lớn tại COP 19
Đàm phán về cơ chế Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) đã đạt được những bước tiến nổi bật tại COP 19 diễn ra ở Warsaw vào tháng 11/2013 với 7/24 quyết định quan trọng. Đáng nói hơn cả là những quyết định về việc triển khai các cơ chế bảo vệ; giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng; thực thi các phương thức của hệ thống đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV) lượng phát thải liên quan đến rừng; và phân bổ tài chính cho việc chi trả kết quả thực hiện REDD+.
Cá mập và cá đuối được CITES bảo vệ
Trước thực trạng nhiều loài cá mập đang bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng, tại Hội nghị Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài hoang dã nguy cấp (CITES) diễn ra hồi đầu năm 2013, 178 nước đã đồng ý nâng mức bảo vệ 5 loài cá mập và 2 loài cá đuối hai mõm. Theo đó, các nước xuất khẩu và nhập khẩu các loài cá trên phải cấp giấy phép để kiểm soát số lượng. Nếu một nước bán hoặc mua các sản phẩm từ cá mập hoặc cá đuối nhiều hơn mức cho phép, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước CITES.
Thêm một tin vui nữa cho các loài cá mập là Chính phủ Trung Quốc trong một nỗ lực đẩy lùi nạn tham nhũng và chống lãng phí đã cấm quan chức dùng súp vi cá mập trong các buổi tiệc công. Nhu cầu về vây cá mập đã giảm mạnh sau khi nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp ngừng phục vụ món súp này. Đây có thể coi là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của một loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như cá mập.
Châu Âu cấm thuốc trừ sâu gây hại cho ong
Liên minh Châu Âu (EU) đã tán thành lệnh cấm cục bộ các loại thuốc trừ sâu được cho là nguyên nhân hủy diệt nhiều quần thể ong trong năm vừa qua. Theo đó, 28 nước thành viên của EU đều đồng ý ký vào lệnh cấm đối với ba loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm neonicotinoid, bao gồm imidacloprid, clothianidin và thiamethoxam trong vòng 2 năm với các cây trồng ra hoa.
Một nghiên cứu uy tín đăng trên tạp chí Nature đã chỉ ra rằng mặc dù thuốc trừ sâu không giết chết loài ong ngay lập tức, song chúng gây hại cho hoạt động của não, đồng thời làm rối loạn hành vi tự nhiên của ong. Nguy hại hơn cả đối với đời sống của những loài thụ phấn như ong, bướm là các loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm neonicotinoid. Thậm chí, theo cảnh báo của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu, các loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm này còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới não trẻ sơ sinh.
Chiến dịch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch lan rộng
Dù mới chỉ bắt đầu trong khoảng 1 năm trở lại đây nhưng phải thừa nhận, chiến dịch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch được khởi xướng từ nước Mỹ đang gặt hái được những thành tựu không nhỏ. Quan trọng hơn, chiến dịch đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều tập đoàn nhiên liệu hóa thạch, hướng họ đến những lộ trình phát triển xanh hơn và thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Được mở rộng từ các trường đại học tới các thành phố, tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, thậm chí tới cả các công viên và viện hải dương học, đến nay, chiến dịch đã thu hút được 8 trường đại học, 22 thành phố, 2 hạt cùng 18 tổ chức tôn giáo trên khắp nước Mỹ cùng cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đang tiếp tục lan rộng sang một số quốc gia khác như Vương quốc Anh, Úc, New Zealand…
Rùa da không còn là loài Cực kỳ Nguy cấp
Những nỗ lực bảo tồn ở Mỹ, vùng Ca-ri-bê và Trung Mỹ đã cứu loài rùa da (Dermochelys coriacea) thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giúp loài rùa biển lớn nhất thế giới này chuyển từ mức Cực kỳ Nguy cấp (CR) xuống mức Dễ bị tổn thương (VU) trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Tuy nhiên, niềm vui chỉ đến với phân loài rùa da ở phía tây Đại Tây Dương, còn các quần thể khác vẫn đang tiếp tục suy giảm, đặc biệt là quần thể rùa da ở khu vực Thái Bình Dương. Do đó, các nhà bảo tồn cần nhân đôi nỗ lực của mình trong thời gian tới, nếu không loài rùa quý hiếm này sẽ sớm quay trở lại xếp hạng trước đó trong Sách Đỏ.