ThienNhien.Net – Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong bối cảnh vừa phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp vừa phải ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.
Đây chính là kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới muốn được tham khảo và chia sẻ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã từng nhận định vấn đề môi trường đang trở thành thách thức bậc nhất đối với tương lai của hành tinh chúng ta.
Biến đổi khí hậu và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên cũng đã trở thành chủ đề nổi bật tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos, Thụy Sĩ.
Davos 2014 là cơ hội tốt để đoàn Việt Nam gặp gỡ với rất nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các nhà kinh tế và học giả để trao đổi về các vấn đề quan tâm của thế giới.
Tại Hội nghị, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong bối cảnh vừa phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp vừa phải ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.
Đây chính là kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới cũng muốn tham khảo và chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Davos, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết Tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần này, biến đổi khí hậu đặc biệt là an ninh nguồn nước được đưa vào chương trình diễn đàn, cụ thể là WEF tổ chức một phiên họp với chủ đề “An ninh nguồn nước.”
Đây là một nét mới của Diễn đàn Davos 2014 vì vấn đề biến đổi khí hậu còn mở rộng cả về phạm vi và nội dung.
Theo báo cáo đánh giá nguy cơ toàn cầu thì nước là một trong năm nguy cơ hàng đầu trong năm 2013 có ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Một điều có thể nhận thấy là nước tiếp tục sẽ là chủ đề chiến lược được quan tâm trong toàn cầu, khu vực và tại các nước.
Việt Nam là một trong những nước bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nhất là đối với ngành nông nghiệp.
Thích ứng với biến đổi khí hậu đang được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm để giảm thiểu các tác động của Biến đổi khí hậu tới nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện “Liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2)” theo sáng kiến của WEF, đồng thời hướng tới một nền nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt chương trình giảm phát thải khí nhà kính để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, phát triển bền vững khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh sản xuất an toàn với hy vọng sẽ giảm 20% phát thải khí nhà kính đến năm 2020.
Tại WEF năm nay, nông nghiệp luôn là một lĩnh vực được chú trọng và đánh giá cao, đồng thời cũng là một chủ đề được nhiều nước tham dự quan tâm. Nông nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là bệ đỡ cho toàn bộ nên kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ngành nông nghiệp tại các nước mới nổi đứng trước một cơ hội to lớn để đổi mới nhằm tăng trưởng mạnh hơn. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần phải có các giải pháp tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ cao để thúc đẩy giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp.
Tại Davos 2014, WEF tổ chức một phiên họp riêng liên quan đến nông nghiệp với chủ đề “Đổi mới để đạt được tầm nhìn mới về nông nghiệp.”
Trong phiên họp này, lãnh đạo các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, các tập đoàn, các học giả sẽ cùng nhau trao đổi các thực tiễn và giải pháp tốt nhất để đạt được tầm nhìn mới về nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về các tiến bộ khoa học có thể áp dụng để kinh doanh toàn diện và bền vững, cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối giao thương nhằm tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, điều chỉnh chính sách để tăng trưởng nông nghiệp theo định hướng thị trường.
Giải pháp đưa ra từ phiên họp này sẽ là đầu vào quan trọng cho WEF xây dựng chương trình nghị sự nông nghiệp toàn cầu, tăng cường cho sáng kiến mới về nông nghiệp và là chất xúc tác cho các cơ hội hợp tác mới.
Các nội dung chính được tập trung vào trao đổi tại phiên họp này là chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Đối tác công tư ngành nông nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả tại Việt Nam mà được WEF đánh giá cao và xem như là một mô hình điển hình cho các nước khác học hỏi và nhân rộng.
Năm 2014, WEF đang dự định nhân rộng mô hình và phát triển kế hoạch 2014-2018. Mục đích chính của Mô hình đối tác công tư ngành nông nghiệp là nhằm nâng cao phát triển sản xuất, tăng cường chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, duy trì ổn định thị trường, tăng giá trị gia tăng của một số mặt hàng chủ lực nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy triển khai sáng kiến “tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với WEF tích cực thúc đẩy thực hiện “liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2),” trong đó huy động các nguồn lực tài chính thông qua mô hình đối tác công tư là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để huy động thêm các nguồn lực tư khối tư nhân để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.