ThienNhien.Net – Người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường. Người hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc trên sẽ được thể chế hóa đầy đủ nhằm đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là một trong những nội dung của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
9 nội dung chính
Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thì có 9 nội dung chính phải thực hiện: 1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; 2- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; 3- Hoàn thiện, đổi mới chính sách, pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; 4- Đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; 5- Thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; 6- Nhiệm vụ tổng hợp liên quan đến cả 3 lĩnh vực (ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường); 7- Nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với biến đổi khí hậu; 8- Nhiệm vụ trọng tâm về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; 9- Nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường.
Trong đó, để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chương trình hành động sẽ đưa nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục, đào tạo các cấp, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương.
Cùng với đó là phát triển mạnh các chuyên ngành khoa học về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới, vũ trụ; đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và carbon thấp.
Đồng thời, nhằm luật hóa các quan điểm, giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chương trình hành động sẽ xây dựng dự án luật về tài nguyên và môi trường biển, về thuỷ lợi, về khí tượng thủy văn, về đo đạc và bản đồ… và các luật có liên quan.
Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái…
Cụ thể, trong năm 2014 Chính phủ sẽ phê duyệt một số chương trình, đề án, dự án mở mới như: Dự án luật về tài nguyên và môi trường biển; Dự án luật về khí tượng, thủy văn; Dự án luật về thủy lợi; Đề án tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai; Đề án bảo vệ, phục hồi và trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển…