ThienNhien.Net – Báo cáo của hải quan Trung Quốc về sự gia tăng các vụ buôn lậu sừng tê giác qua các cửa khẩu, sân bay trên lãnh thổ nước này đang làm dấy lên lo ngại về một thị trường sừng tê giác đang lớn dần đối với tương lai ngày càng mong manh của loài tê giác. Bài phỏng vấn ông Tom Milliken – chuyên gia về buôn bán động vật hoang dã thuộc Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) – đăng trên tờ Chinadialogue sẽ giúp lý giải nguyên nhân của những lo ngại trên.
– Trong báo cáo TRAFFIC gửi tới Hội nghị các bên tham gia Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) lần thứ 16, ông đã cho rằng ngoài Việt Nam, còn có một thị trường lớn khác đe dọa sự sống của loài tê giác là Trung Quốc. Ông có thể giải thích rõ hơn không?
Ông Tom Milliken: Trung Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ bắt giữ các vụ buôn lậu trái phép động vật hoang dã cao nhất châu Á. Chưa kể thời gian gần đây còn có một lượng lớn giấy phép xuất khẩu được cấp tại châu Âu nhằm mục đích chuyển kho sừng tê giác đã được đấu giá sang Trung Quốc; cùng với đó, một lượng lớn tê giác trắng còn sống gần đây cũng được một công ty tư nhân nhập khẩu vào Trung Quốc, động cơ có thể nhìn ra ngay là nhằm sản xuất thuốc từ sừng tê giác.
– Còn nhớ trong báo cáo The South Africa – Vietnam Rhino Horn Trade Nexus (Tạm dịch: Mối liên hệ về nạn buôn bán sừng tê giác giữa châu Phi – Việt Nam) công bố năm 2012, cũng chính ông đã khẳng định rằng hoạt động buôn bán sừng tê giác ở Trung Quốc vốn rầm rộ hơn chúng ta vẫn tưởng. Điều mà chúng ta tưởng ở đây là gì, thưa ông?
Ông Tom Milliken: Thực tế cho thấy, hoạt động buôn bán sừng tê giác tại thị trường Trung Quốc đang gia tăng rõ rệt, thế nhưng chúng ta lại chưa đánh giá được mức độ nghiêm trọng của nó. Đến tận giờ phút này, ta vẫn chưa nắm được chắc chắn tại sao nó lại gia tăng và quy mô của nó tới đâu.
– Xin ông cho biết tình trạng buôn bán sừng tê giác ở Trung Quốc đang diễn ra như thế nào?
Ông Tom Milliken: Hoạt động buôn bán được phát hiện chủ yếu ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và cả Phúc Kiến. Có lẽ, văn hóa của họ có nhiều điểm tương đồng với những gì chúng ta thấy ở Việt Nam – nơi người ta dùng sừng tê giác để khẳng định địa vị, tô vẽ sự giàu sang nhiều hơn là làm thuốc – là một phần nguyên nhân thúc đẩy việc mở rộng thị trường buôn bán mới ở Trung Quốc.
– Vậy trong chuỗi cung ứng, Trung Quốc thường đóng vai trò gì?
Ông Tom Milliken: Vai trò của họ thường là cầu nối môi giới, trung gian giữa châu Phi và châu Á. Sừng tê giác sau khi rơi vào tay những kẻ săn trộm trái phép thường được chuyển qua bên trung gian thứ nhất tại châu Phi, rồi tới tay bên trung gian thứ hai là các nhà buôn Trung Quốc trước khi được phân phối ra thị trường. Các nhà buôn Trung Quốc không chỉ nắm được những đầu mối chính trong chuỗi cung ứng mà còn biết rõ làm cách nào tránh khỏi tai mắt của cơ quan chức năng để phân phối “hàng” một cách trót lọt.
– Trung Quốc đã báo cáo tỷ lệ bắt giữ các vụ buôn lậu tê giác ở châu Á tăng tới 80% chỉ trong vài năm qua. Các cơ quan chức năng nước này cho rằng nên coi đây là một biểu hiện của việc thực thi pháp luật nghiêm minh hơn thay vì coi đây là một dấu hiệu chứng tỏ quy mô buôn lậu ngày càng nới rộng hơn. Ông có nghĩ thế không?
Ông Tom Milliken: Theo tôi thì con số nêu trên đúng với cả hai vế mà các cơ quan chức năng Trung Quốc nêu ra. Song, khi xem xét các dữ liệu thực thi pháp luật, chúng ta cần phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nữa như tình hình quản lý, tham nhũng và mức độ vi phạm được báo cáo.
Theo thông tin từ TRAFFIC, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 số lượng và trọng lượng sừng tê giác mà các cơ quan chức năng thu giữ được tại châu Á từ năm 2009 – 2012. |
– Nhưng theo Interpol, số vụ bắt giữ thường chỉ phản ánh khoảng 10% bức tranh toàn cảnh của nạn buôn lậu. Như thế liệu chúng ta có thể tính đúng quy mô hoạt động buôn lậu động vật hoang dã ở Trung Quốc nếu chỉ dựa vào số vụ bắt giữ, thưa ông?
Ông Tom Milliken: Việc làm này cực kỳ khó khăn bởi những con số thống kê trên đơn thuần chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
– Trong bối cảnh Trung Quốc đã cấm buôn bán sừng tê giác cũng như sử dụng sừng tê giác làm thuốc, sự tồn tại của một công ty tư nhân chuyên sản xuất sừng tê giác thật mang tên Trang trại Long Hồi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc rõ ràng đang dấy lên nhiều quan ngại. Ông có cho rằng đây là một dấu hiệu cảnh báo việc sử dụng sừng tê giác làm thuốc tại Trung Quốc đang từng bước được hợp pháp hóa trở lại không?
Ông Tom Milliken: Trang trại Long Hồi đã nhập khẩu khoảng 100 cá thể tê giác từ Nam Phi. Gần đây, trên trang web của mình, công ty này đã đăng tải kế hoạch nhân nuôi, thu hoạch sừng tê giác và sản xuất thuốc từ loại sừng ấy. Kế hoạch trên sau đó đã được gỡ bỏ khỏi trang web của Trang trại Long Hồi. Bản thân tôi không tin Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau câu chuyện nhập khẩu tê giác nhưng tôi thấy hết sức lo ngại về xu hướng kiếm lợi từ hoạt động buôn bán sừng tê giác của nhiều doanh nghiệp nước này.
– Quay trở lại vấn đề buôn lậu sừng tê giác, xin ông nói rõ hơn về các tuyến đường chính mà những kẻ buôn lậu đưa sừng tê giác vào lãnh thổ Trung Quốc?
Ông Tom Milliken: Chúng tôi đã lưu lại toàn bộ dữ liệu của các thương vụ trao đổi, mua bán sừng tê giác tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung cũng như tại các điểm du lịch ở Việt Nam có du khách Trung Quốc tham quan. Bên cạnh đó còn có một lượng không nhỏ sừng tê giác bị bắt giữ khi đang nằm trong các container ở Hong Kong và chưa kịp vận chuyển tới Quảng Đông. Ấn Độ cũng báo cáo rằng sừng tê giác từ Assam đã được vận chuyển trái phép qua Nepal, đến Tây Tạng và từ đây không rõ tung tích. Chưa kể còn có một lộ trình khác là buôn lậu trực tiếp sừng tê giác từ châu Phi sang Trung Quốc bằng đường hàng không qua các trạm quá cảnh ở Kenya, Ethiopia và Qatar. Đây cũng là con đường được các nhóm buôn lậu sử dụng để vận chuyển ngà voi cùng nhiều sản phẩm động vật hoang dã khác.
– Trong một báo cáo cũng công bố năm 2012, ông từng cho biết có rất ít bằng chứng chứng minh sừng tê giác được chuyển từ Việt Nam qua thị trường Trung Quốc. Hiện tại điều đó còn đúng không?
Ông Tom Milliken: Vào thời điểm báo cáo được công bố, chỉ có vài ba vụ lẻ tẻ cơ quan chức năng bắt giữ được sừng tê giác được vận chuyển trái phép từ Việt Nam sang nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2013, Trung Quốc đã phát hiện được hàng loạt vụ buôn lậu tại khu vực biên giới hai nước, chưa kể còn có nhiều thông tin cho thấy sừng tê giác được Việt Nam và Lào nhập lậu, sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Hay trường hợp một nhà buôn người Việt chỉ đồng ý giao dịch khi du khách Trung Quốc mua tất cả các sản phẩm từ sừng tê giác, bao gồm cả những chiếc vòng đeo tay làm từ loại sừng này, mà cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm rõ. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận bằng chứng từ phía Việt Nam về vụ việc một nhóm người Trung Quốc tham gia các buổi tiệc rượu chứa thành phần là sừng tê giác… cùng rất nhiều bằng chứng cụ thể khác.