ThienNhien.Net – Dải ven biển Nam Trung Bộ (từ tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận) có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Trong đó tài nguyên đất, không gian nước, khoáng sản, nguồn lợi sinh vật và tài nguyên vị thế đóng vai trò quan trong trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Song quá trình khai thác, sử dụng các dạng tài nguyên vẫn còn bất cập. Do vậy cần tận dụng tốt lợi thế “thiên thời địa lợi”, với những chính sách phát triển và cơ chế phù hợp, các giải pháp quản lý khoa học cụ thể, các chủ thể khai thác, sử dụng và hưởng lợi có trách nhiệm ứng xử đối với tài nguyên – môi trường thiên nhiên… để đưa vùng biển Nam Trung Bộ trở thành một trong những địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và cả nước.
Theo đánh giá của ông Trần Văn Bình, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Xu thế biến đổi tài nguyên thiên nhiên tại dải ven biển Nam Trung Bộ đang ngày càng biến động. Việc phát triển hay dự kiến quy hoạch phát triển các đô thị ven biển dẫn đến tình trạng quỹ đất ven biển sẽ bị khai thác tới mức tối đa. Việc xây dựng tập trung các công trình kiên cố ven biển đang và sẽ làm thay đổi cảnh quan vùng bờ, trạng thái bờ và bãi biển. Cùng với đó, việc san ủi khu đồi cát để xây dựng các khách sạn, nhà hàng tuy vẫn nằm trong quy hoạch tổng thể vùng, nhưng cũng đã phá đi những mảnh rừng tự nhiên rộng lớn, vốn rất quan trọng với môi trường sinh thái và điều hòa khí hậu của khu vực.
Phát triển đô thị đồng nghĩa với việc tập trung dân số ở ven biển và việc khai thác các dạng tài nguyên như nước, không gian mặt nước, khai thác nguồn lợi thủy sản… diễn ra sôi động. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cạn kiệt tài nguyên và nguồn lợi sinh vật biển ven bờ.
Bờ biển Nam Trung Bộ có nhiều đoạn bờ biển tuyệt đẹp, đặc biệt là các bãi biển, nhưng lại thường xuyên chịu tác động mạnh của động lực biển, hay tương tác sông – biển. Nhiều đoạn bờ ở khu vực các cửa sông như cửa Đà Rằng, Tuy Hòa, Phú Yên; Đông Hải, Ninh Thuận; La Gi, Bình Thuận… và ngay cả bãi biển như bãi Xuân Hải, Sông Cầu, bãi trước cửa đầm Ô Loan, Tuy An; Bãi biển Hàm Tiến, Phan Thiết… đang diễn ra quá trình xói lở mạnh. Nhiều đoạn bờ biển đang đứng trước nguy cơ bị biển “nuốt”…
Để chống chọi với nạn biển “ăn” đất, chính quyền các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đã đầu tư xây dựng các đê kè với kết cấu kiên cố để bảo vệ. Tuy vậy, đây lại đang trở thành nghịch lý, bởi thực tế là một số nơi như Hàm Tiên, Phan Thiết đã xây dựng kè dọc bờ biển nên không giữ được bãi tắm, cùng du khách.
Ngoài hiện tượng xói lở, tại một số cửa sông, cửa đầm còn xảy ra hiện tượng bồi tụ, dịch chuyển, lấp-mở cửa, cũng là một dạng tai biến cần được quan tâm. Những cảnh quan địa chất–địa mạo độc đáo ven biển như khu vực Đã Đĩa, Tuy An, hay trên các đồi cát, dọc các con suối như các canyon đỏ, các nhũ cát xám trắng khu vực Mũi Né, Phan Thiết thường xuyên bị đe dọa bởi những tác động của thiên nhiên như mưa, gió, biến đổi khí hậu.
Tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này khá đa dạng về chủng loại, nhưng số lượng của nhiều loại hạn chế. Những tài nguyên có khả năng khai thác được hiện tại thì không giàu. Đặc biệt, nhiều nguồn lợi tự nhiên có giá trị kinh tế đang ở mức phải hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt việc khai thác tự nhiên.
Vấn đề thiên tai như ngập lụt, bão, hạn hán, cát bay, hoang mạc hóa, xói lở bò và bồi lấp cửa sông…; việc bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù như hệ đầm phá, vùng vịnh, đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển….trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu là thách thức lớn nhất đối với dải ven bờ Nam Trung Bộ. Vấn đề phát triển không bền vững và sự bất cập của phương thức quản lý tổng hợp là một bài toán cần lời giải trong thời gian tới của các địa phương này.
Lợi thế lớn nhất của dải ven biển bờ Nam Trung Bộ là phát triển cảng biển nước sâu, giao thông vận tải biển, du lịch sinh thái biển, phát triển nghề cá xa bờ và đại dương, công nghiệp năng lượng tái sinh như gió, nhiệt mặt trời … là xu hướng tích cực trong thời gian tới.
Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần đảm bảo phát triển dải ven bờ Nam Trung Bộ theo hướng phát triển bền vững, hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế cùng với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và tái tạo môi trường tự nhiên, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Rà soát quy hoạch, hoàn thiện và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế ven biển bao gồm hệ thống cảng biển, sân bay, mạng giao thông ven biển và mạng kết nối với nội địa; hệ thống cung cấp nước; xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại; hệ thống các công trình bảo vệ bờ và phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể du lịch ven biển Nam Trung Bộ. Hình thành mới một số trung tâm, khu du lịch có sức cạnh tranh trong nước mang các nét đặc thù riêng về sản phẩm du lịch, như tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận); khai thác tiềm năng du lịch ở các hải đảo ven bờ Nam Trung Bộ; đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng như cảng, sân bay, thông tin, điện, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá… trên huyện đảo Trường Sa để di dân và đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng và phát triển nghề cá xa bờ.