ThienNhien.Net – Khi đi kiểm tra rừng, hành trang quý nhất và không thể thiếu của người cán bộ kiểm lâm là chiếc bi-đông nước đeo bên hông. Đói có thể hái rau, quả rừng ăn trừ bữa nhưng khát nước thì chỉ có chiếc bi-đông mang theo mới có thể giải quyết được. Vậy mà Thào A Seng, người cán bộ kiểm lâm dân tộc Mông đã nhiều lần sẵn sàng đổ cả bi-đông nước để dập lửa. Anh tâm sự, mình khát một tý, cố đi tìm khe nước uống cũng được nhưng rừng mà cháy thì mình không hoàn thành nhiệm vụ với dân, với nước.
“Lửa chưa tắt, mình chịu khát cũng đành”
Đó là tâm sự của anh Thào A Seng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa. Được hỏi về những kinh nghiệm PCCCR của anh và các cộng sự, anh cho biết: Bài học lớn nhất trong đời công tác là đầu những năm 1990, khi mới về nhận công tác ở Hạt Kiểm lâm huyện nhà Sa Pa. Những năm đó thời tiết hanh khô, giáp Tết, bà con vào rừng lấy củi, săn bắn thú rừng, nhóm lửa nấu ăn trong rừng. Nhiều đám lửa nhóm lên nhưng không được dập tắt triệt để trước khi ra khỏi rừng nên khi gặp gió hanh, tự bùng phát cháy lan rất nhanh thành thảm họa. Vì vậy, tỷ lệ cháy rừng những năm 90 của thế kỷ trước là rất lớn mà không xác định được thủ phạm.
Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm hiểu nguyên nhân gây cháy rừng, Thào A Seng nhận thấy nguồn gốc của các đám cháy chỉ có thể là từ những người đi săn, làm nương, lấy củi nhóm lửa nấu nướng, sau đó không dập tắt triệt để, còn sót lại những cục than hồng khi gặp gió hanh thổi mạnh sẽ bùng cháy trở lại, lan vào rừng. Từ đó, anh quyết tâm tham mưu cho lãnh đạo Hạt và UBND huyện Sa Pa đẩy mạnh tuyên truyền không cho bà con đốt nương làm rẫy mùa hanh khô, không đốt lửa nấu ăn cạnh những khu rừng dễ cháy, phải dập tắt lửa hoàn toàn trước khi ra khỏi rừng.
Hàng năm, ngoài việc tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với bà con các thôn bản, Thào A Seng còn lặn lội lên những địa bàn mình phụ trách để kiểm tra dập tắt từng đống lửa nhỏ còn sót lại. Những chuyến đi kiểm tra như vậy, anh thường nhắc nhở cán bộ chiến sỹ mang theo can nước để dập lửa. Ai khỏe thì xách can 5 lít, người yếu hơn thì cầm chai Pepsi để sẵn sàng dập lửa nếu gặp những đống than còn hồng. Nhiều khi dốc hết lượng nước mang theo, bản thân Thào A Seng đã không ngần ngại dốc đến giọt nước cuối cùng trong bi-đông nước uống của mình dập lửa phòng cháy, chấp nhận khát khô cổ họng để cứu rừng rồi mới yên tâm xuống núi.
Lập nhiều thành tích trong bảo vệ rừng nhưng Thào A Seng rất khiêm tốn, ít nói về mình. Anh bảo mình chỉ đóng góp thêm chút kinh nghiệm và sức lực, còn thành tích là của cả tập thể đơn vị. Người dân Lào Cai còn nhớ như in vụ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2010, chính quyền địa phương đã huy động rất đông phương tiện và thiết bị lên tham gia PCCCR trong suốt 3 ngày trước Tết nhưng không hiệu quả, khi lực lượng rút đi lửa lại cháy bùng trở lại. Phải đến ngày thứ 4, thực hiện theo cách của Thào A Seng dùng dao phát tạo đường băng cản lửa không cho cháy lan, dùng nước (mỗi người chỉ cần mang theo một can 3 – 5 lít) đổ vào những đống than hồng còn sót lại; với cách làm đến đâu chắc đến đó này, chỉ huy động chưa đầy 100 người dân địa phương trong vòng một ngày, các đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Kinh nghiệm quý này cũng được áp dụng rất hiệu quả để xử lý vụ cháy tiếp theo cuối năm 2011, đầu năm 2012, chủ yếu huy động lực lượng tại chỗ, giữ an toàn cho Vườn quốc gia Hoàng Liên khỏi thảm họa.
Căng mình giữ rừng trước mùa khô
Hiện tại, mỗi cán bộ chiến sỹ kiểm lâm huyện Sa Pa phụ trách trên 2.000 ha rừng, cao gấp đôi so với quy định chung. Mùa mưa tránh được cái lo của cháy rừng nhưng công tác kiểm tra khai thác lâm sản trái phép là công việc thường xuyên phải làm. Mùa khô, nhất là những ngày giáp Tết, lực lượng lại căng ra bám địa bàn để PCCCR. Có nhiều cán bộ chiến sỹ đã nhiều năm không được đón xuân mới với gia đình do phải bám địa bàn ăn Tết với bà con thôn bản vì mục tiêu giữ cho núi rừng Hoàng Liên – nóc nhà Đông Dương bốn mùa bình yên, xanh tốt.
Ở tuổi 58 nhưng ở Thào A Seng toát lên sự nhanh nhẹn của con người nhiều năm gắn bó với rừng. Trong ít phút gặp anh tại trụ sở, câu chuyện giữa chúng tôi và anh liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại từ các điểm chốt bảo vệ rừng gọi về báo cáo, xin ý kiến anh về tình hình địa bàn mình phụ trách. Thời điểm cuối năm ai cũng bận, nhất là địa bàn Sa Pa những ngày qua tuyết rơi kéo dài nhiều ngày đã làm khá nhiều cây cối gẫy cành, bật gốc, cỏ cây rũ lá tạo thành lớp rác dày dưới mặt đất. Theo kinh nghiệm của anh, nếu không sớm xử lý tốt, sau khi tuyết tan, trời nắng lên, hanh khô sẽ là môi trường tạo cháy nếu ai đó sơ ý dùng lửa bất cẩn. Vì vậy, Tết Âm lịch đang đến rất gần nhưng 20 chiến sỹ kiểm lâm vẫn phải bám địa bàn kiểm tra rừng, tuyên tuyền vận động nhân dân làm tốt công tác PCCCR.
Trên 30 năm gắn bó với ngành kiểm lâm, từ trình độ văn hóa mới lớp 7 khi thoát ly gia đình nhưng đến nay, bằng con đường vừa học vừa làm, Thào A Seng đã có trình độ đại học và đang đảm nhiệm chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện. Anh bộc bạch: Khi được học lên, đầu óc được mở mang hơn, học được nhiều điều hay ở nơi khác. Trước mắt là trang bị cho mình trình độ chuyên môn tốt hơn, sau là đem đến phổ biến cho cán bộ chiến sỹ đơn vị và bà con nơi mình công tác những điều hay lẽ phải, nhất là các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để bà con dân bản nghe và làm theo, biết sống và gắn bó với rừng, không du canh du cư phá rừng làm nương rẫy, bỏ hủ tục lạc hậu để vươn lên xóa đói giảm nghèo.