ThienNhien.Net – Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý môi trường vẫn còn không ít điểm nóng. Chính vì vậy trong năm 2014, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng thể chế trong hàng loạt lĩnh vực mà ngành chịu trách nhiệm quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đặc biệt chú trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm củng cố kỷ cương trong các lĩnh vực này. Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thưa ông, mặc dù đã tăng cường quản lý nhưng lĩnh vực môi trường gần đây vẫn còn không ít điểm nóng. Có doanh nghiệp, như trường hợp Công ty thuộc da Hào Dương ở TP.HCM, tuy đã nhiều lần vi phạm nghiêm trọng pháp luật về môi trường, nhưng vẫn không bị đóng cửa… Phải chăng chúng ta chỉ phạt xong để đấy nên tình trạng vi phạm vẫn tái diễn?
DN vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đóng cửa. Điều này sẽ được thực hiện rất sớm thôi, thậm chí trước khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội phê duyệt, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có xử phạt trong lĩnh vực môi trường sẽ được Chính phủ ban hành.
Theo đó, các vi phạm trong lĩnh vực môi trường sẽ được xử lý kiên quyết hơn, bao gồm cả việc đóng cửa các doanh nghiệp có vi phạm nghiêm trọng, tái diễn nhiều lần. Về lâu dài, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ luật hóa việc này. Tôi có nghe những ý kiến tranh luận về việc nên hay không nên đóng cửa nhà máy thuộc da Hào Dương ở TP.HCM.
Việc này thuộc thẩm quyền của địa phương và cấp có thẩm quyền phải đánh giá toàn diện tình hình để đưa ra quyết định. Nhưng tới đây, câu trả lời dứt khoát trên cơ sở những tiêu chí rất cụ thể, áp dụng thống nhất cho những trường hợp tương tự sẽ có trong Luật.
Bên cạnh việc hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường để trình cấp thẩm quyền thông qua, xin ông cho biết khái quát những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực môi trường của Bộ trong năm tới?
Năm 2013 với Bộ là một năm có nhiều dấu ấn. Chúng tôi đã tham mưu cho Trung ương ban hành Nghị quyết 24, một nghị quyết rất quan trọng, đề cập toàn diện các lĩnh vực, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Năm 2014, nghị quyết sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật. Cùng với đó là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản này.
Chúng ta đều biết việc bảo vệ môi trường phải phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, trong chừng mực khả thi. Cho nên phải dung hòa giữa mong muốn với nguồn lực, nhưng kiên quyết không hy sinh môi trường để tăng trưởng bằng mọi giá.
Ông có nhắc đến nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp. Cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Nói riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về môi trường trong hai năm 2013, 2014 ước cần khoảng 2.500 tỷ đồng, mới bố trí được có 200 tỷ trong năm 2013, sang năm chắc được 300 tỷ nữa, nghĩa là kết thúc chương trình chỉ bố trí được khoảng 20%.
Để dễ so sánh, hãy nhớ là việc xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tại TP.HCM cũng sẽ phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng; mà nếu muốn xử lý hết nước thải của TP thì phải đầu tư 6-7 nhà máy như vậy. Nói cách khác, sẽ không thể làm hết mọi việc mà phải xác định thứ tự ưu tiên.
Do đó, năm 2014 Bộ sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý những điểm nóng vi phạm về môi trường, như vấn đề xả thải ra môi trường ở các khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp, làng nghề; nhất là những cơ sở sản xuất, sử dụng nhiều hóa chất độc hại…
Bộ đã tính đến những giải pháp nhằm động viên các nguồn lực khác cho công tác này?
Tất nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương mà các địa phương cũng phải chủ động bố trí kinh phí. TP.HCM là một trong những địa phương có khả năng và đã thực sự chú trọng đến lĩnh vực này. Nhưng điều còn quan trọng hơn là phải tiến hành lồng ghép công tác bảo vệ môi trường trong mọi chương trình, đề án của mình, từ xây dựng, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn… sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Phải có sự phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này cũng là giải pháp quan trọng khác, nhưng cũng phải nhớ rằng Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ viện trợ không hoàn lại sẽ ngày càng giảm, mà chủ yếu là vốn vay. Đã là vay thì càng phải có cách sử dụng tiết kiệm nhất, chắt chiu nhất.
Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2013, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 987 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 1.379 tổ chức, cá nhân. Trong đó 245 đoàn thanh tra, kiểm tra về đất đai; 222 đoàn về môi trường; 242 đoàn về khoáng sản, 30 đoàn về tài nguyên nước; 3 đoàn về khí tượng thủy văn; 164 đoàn kết hợp nhiều lĩnh vực; 42 đoàn thanh tra trách nhiệm, 39 đoàn về hành chính nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành; 181 đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra.
Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033,131 ha; đã thu hồi đất của 819 tổ chức với diện tích 38.771 ha. Trong lĩnh vực khoáng sản cho thấy trong tổng số giấy phép đã cấp của 63 tỉnh, thành phố là 957 giấy phép (cấp từ ngày 1-7-2011 đến ngày 31-12-2012) có: 345 giấy phép cấp không có chứng nhận đầu tư; 196 giấy phép cấp không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản; 196 giấy phép cấp khi chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 128 giấy phép cấp không thông qua hình thức lựa chọn để thực hiện thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 105 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền; 52 giấy phép cấp không có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp; 37 giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch; 29 giấy phép cấp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. (Nguồn: Bộ TN&MT) |