ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng khích lệ về bền vững môi trường.
Các tiến bộ đó được thể hiện qua việc đưa các nguyên tắc phát triển bền vững vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (giai đoạn 2011-2020), các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015).
Trong vòng 20 năm, diện tích rừng bao phủ trong cả nước tăng từ 28,8% (năm 1990), lên 39,5% (năm 2010). Đã có hơn 96% tổng số hộ dân được sử dụng năng lượng hiện đại và sử dụng điện lưới.
Để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về môi trường vào năm 2015, UNDP khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng hơn vào công tác nước sạch và vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với lĩnh vực nước sạch, vệ sinh, các địa phương cần đầu tư nhiều hơn nữa về nhân lực cũng như sự tham gia tích cực của chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo tính bền vững của các dịch vụ được cung cấp. Khu vực tư nhân đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ các phương án xây dựng chi phí thấp cho các hộ dân ở nông thôn nhằm nâng cao nếp sống vệ sinh của người dân.
Về biến đổi khí hậu, trong hai thập kỷ qua, ở Việt Nam, trung bình hàng năm thiên tai liên quan đến khí hậu đã làm tử vong trung bình 445 người/năm và gây thiệt hại 1,8 tỷ USD. Khí thải nhà kính cũng đang gia tăng. Do đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ ở Việt Nam.
Lụt bão, hạn hán ngày càng nhiều hơn tác động đến sinh kế của người nghèo, đồng thời mực nước biển tăng sẽ ảnh hưởng đến các vùng đồng bằng là nơi sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Vì vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Hoạt động đối phó với biến đổi khí hậu là khả thi và có thể mang đến nhiều cơ hội cho phát triển. Cùng với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu cần có sự phối hợp liên ngành hài hòa và sự hợp tác của các cơ quan và đối tác khác nhau.
Việt Nam là một trong 16 nước có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với môi trường sống, các loài và các gen phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, môi trường đa dạng sinh học đang bị suy thoái và tình trạng mất đa dạng sinh học vẫn đang xảy ra. Số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tiếp tục tăng lên do tình trạng khai thác quá mức các loài động thực vật, do mất môi trường sống, do ô nhiễm và các loài xâm lấn.
Vì thế, các hoạt động ưu tiên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới chính là việc dành ưu tiên và tập trung nhiều hơn vào công tác đầu tư bảo vệ các môi trường sống. Cơ quan chức năng tạo môi trường thuận lợi và có các chính sách ưu đãi để khuyến khích khu vực tư nhân, các hộ dân tham gia và góp phần bảo vệ môi trường sống.