ThienNhien.Net – Ăn cơm trộn bụi, ngủ phải đeo khẩu trang, sống chung với bệnh tật do khói bụi nhà máy xi măng gây ra, đó là nỗi thống khổ mà hàng trăm hộ dân sống xung quanh Nhà máy xi măng Yên Bình và Nhà máy xi măng Yên Bái (đóng tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) chịu đựng nhiều năm qua.
Một cổ… hai tròng
Chúng tôi vừa có chuyến công tác tìm hiểu tình hình ô nhiễm môi trường do Nhà máy xi măng Yên Bình và Nhà máy xi măng Yên Bái gây ra. Vừa đặt chân đến thị trấn Yên Bình, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là cảnh tượng hai cột khói trắng xóa của hai nhà máy xi măng cách nhau hơn 1 km, xả khói cuồn cuộn lên bầu trời. Đến gần khu vực nhà máy, không khí trở nên đặc quánh bởi khói bụi xi măng, bụi đường mù mịt và mùi khét lẹt bủa vây. Gặp chúng tôi, ông Đặng Bá H.. (sống gần Nhà máy xi măng Yên Bái) bày tỏ: “Máy chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm, cứ dội thẳng vào nhà dân khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Ống khói và hệ thống nghiền đá trong nhà máy xả khói bụi mù mịt tỏa ra bao trùm cả vùng rộng lớn xung quanh. Dân chúng tôi muốn ngủ phải đeo cả khẩu trang nếu không thì chỉ có ngồi ho cả đêm. Dân cư muốn chuyển đi nơi khác lắm, nhưng không có tiền. Muốn bán nhà cũng chẳng ai dám mua”. Tại khu vực gần nhà máy này, các ngôi nhà mái ngói giờ được bao bọc bởi lớp bụi dày đặc.
Tại Nhà máy xi măng Yên Bình, tình hình cũng không khá hơn, toàn bộ khu vực rộng lớn phủ một màu u ám của bụi. Các hộ dân xung quanh luôn đóng cửa. Cùng chung sự bất bình về bụi, Chị Lê Lan P… (sống sát Nhà máy xi măng Yên Bình) ngao ngán: “Mấy năm nay, dân ở đây không ai dám phơi quần áo ngoài trời vì sợ bụi khói đen bám vào quần áo. Nhiều lúc khói bụi nhiều quá ngồi trong nhà vẫn phải đeo khẩu trang. Trẻ con, người già và cả thanh niên thường xuyên ốm đau”.
Không những bị khốn khổ vì khói bụi, người dân thị trấn Yên Bình còn bị “tra tấn” bởi hàng trăm xe tải hạng nặng gầm rú suốt ngày đêm khiến những con đường quanh khu vực nhà máy bị băm nát nhăm nhở.
Các hộ dân tại đây cho rằng, hầu hết các hộ dân gần khu vực hai nhà máy mắc các bệnh tật liên quan đến khói bụi nhà máy xi măng, trẻ em thì còi cọc, chậm lớn. Ngoài ra, cây trồng, vật nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng, năng suất giảm rõ rệt so với các khu vực khác.
Lỗi cho khách quan?
Theo phản ánh, người dân nơi đây đã liên tục phản ánh, kiến nghị lên các cấp chính quyền, qua những buổi tiếp xúc cử tri, thậm chí có lần phải tập trung trước cổng nhà máy để phản đối tình trạng gây ô nhiễm mà hai nhà máy trên gây ra. Tuy nhiên, trái với mong muốn của bà con, các ngành chức năng địa phương và cả lãnh đạo hai nhà máy cũng chỉ ghi nhận rồi giải quyết qua loa, kết cục “bụi vẫn hoàn bụi”.
Theo ông Phạm Quang Phú – Giám đốc Nhà máy xi măng Yên Bái: Làm xi măng thì ở đâu cũng vậy thôi, đều không tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường. Do công nghệ lạc hậu nên hàm lượng khói bụi, khí độc của nhà máy có cao hơn mức cho phép. Ông Phú lý giải: “Trách nhiệm cũng không hoàn toàn thuộc về chúng tôi, bởi trước kia khi mới xây dựng nhà máy, khu vực này dân cư thưa thớt nhưng sau đó do chính quyền buông lỏng quản lý, dân cư cứ vào khu vực xung quanh nhà máy sinh sống, chúng tôi biết làm sao được… Mỗi lần gây thiệt hại chúng tôi đều đền bù hoa màu đầy đủ. Chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu số bụi….”. Ông Phú cũng than thở: “Khuyết điểm thì khuyết điểm rồi, chúng tôi hứa khắc phục dần…
Còn ông Lò Mạnh Cường – Phó Giám đốc Nhà máy xi măng Yên Bình thì một mực phủ nhận: Nhà máy chúng tôi không ảnh hưởng. Xả bụi thì không xả nhưng trong quá trình sản xuất sự cố là điều không tránh khỏi… Theo quan sát của chúng tôi, ngay tại phòng làm việc của ông Cường, cả gian phòng cũng nhuốm một màu vàng khè của bụi.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đoàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian vừa qua, có nhiều kiến nghị của cử tri về việc Nhà máy xi măng Yên Bình gây ô nhiễm, Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý. Cũng có lúc trong quá trình vận hành nhà máy này có tổ chức phun sương nên lượng bụi có hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động phun sương không thường xuyên.
Thiết nghĩ việc sản xuất kinh doanh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nhưng phải chú trọng đến môi trường, cuộc sống người dân. Chẳng lẽ nếu không muốn sống chung với khói bụi, tiếng ồn thì phải bán nhà đi nơi khác?