ThienNhien.Net – Là một trong những xã có nhiều hộ dân phải di dời để thực hiện dự án thủy điện sông Đà, Vầy Nưa bao năm qua dù đã cố gắng nỗ lực không ngừng nhưng vẫn có tới gần một nửa hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Không nghèo sao được khi mà nghề chính để mưu sinh của người dân nơi đây chỉ là giăng câu, thả lưới trên hồ thủy điện sông Đà.
Gần nửa xã là hộ nghèo
Xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) được nhiều người biết đến là bởi có đền thờ bà chúa Thác Bờ. Đến lễ bà chúa Thác Bờ, chứng kiến đời sống sinh hoạt của người dân xóm Bờ nói chung và khu vực đền Thác Bờ nói riêng: có điện, có tivi, xe máy… người ta không thể hình dung được đây lại là một trong những xã nghèo nhất của huyện Đà Bắc, thuộc diện hỗ trợ Chương trình 135 của Chính phủ. Ông Bí thư Đảng ủy xã Vầy Nưa Bàn Văn Xuôi cho biết: Nhờ xóm Bờ có thu nhập khá do có di tích đền Thác Bờ nên đã kéo thu nhập bình quân đầu người của xã lên tới 10,8 triệu đồng/ người/ năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Đinh Thế Hùng, xã hiện có 10 xóm với khoảng 600 hộ dân và hơn 2.500 nhân khẩu chủ yếu là người Mường, nằm rải rác trong diện tích khá rộng gần 61km2. Nghề chính để mưu sinh của cư dân trong xã là làm nương, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản. Tuy niên, xung quanh vùng hồ thủy điện sông Đà chủ yếu toàn núi đá nên việc làm nương hết sức khó khăn, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy thu nhập chính của người dân nơi đây là đánh bắt cá trên hồ thủy điện và nuôi trồng thủy sản. “Nuôi trồng thủy sản thì ế ẩm do hiện chưa có nguồn tiêu ổn định. Còn đánh bắt cá lại phụ thuộc vào mùa lễ hội của đền bà chúa Thác Bờ, khách đến đông thì bán chạy, nếu vắng khách thì đành mang về nhà ăn dần…” – Chủ tịch xã Vầy Nưa tâm sự.
Có lẽ do điều kiện tự nhiên như vậy nên dù đã nỗ lực bươn trải nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi không rời người dân nơi đây. Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội của xã Vầy Nưa, hiện xã có tới 46,56% hộ nghèo theo tiêu chí mới (400.000 đồng/ người/ tháng), tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 22%, số hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ đạt 60%…
Bắt thăm… hộ nghèo
Trong chuyến công tác tại xã Vầy Nưa, sau một đêm nghỉ lại xóm Bờ – nơi được mệnh danh là có thu nhập khá nhất xã, chúng tôi cảm thấy quặn lòng khi được nghe câu chuyện: Bắt thăm hộ nghèo. Chuyện tưởng như đùa này khiến nhiều người không tin, nhưng lại là chuyện có thật đang diễn ra tại xóm Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Bình thường, theo quy định thì việc xác định hộ nghèo là căn cứ vào thu nhập của từng hộ, trưởng xóm sẽ lập danh sách gửi lên xã, xã gửi lên huyện và những cấp cao hơn để xét trợ cấp hộ nghèo. Vậy nhưng ở xóm Bờ thì quy trình lại không như vậy, các hộ trong xóm đã phải dùng đến hình thức bắt thăm xem hộ nào “trúng” là hộ nghèo.
Việc “trúng” hộ nghèo đồng nghĩa với việc được Nhà nước trợ cấp vài trăm nghìn đồng một tháng cũng là một khoản thu nhập đáng kể đối với mặt bằng chung còn nghèo của bà con nơi đây. Do vậy ai cũng muốn gia đình mình được vào diện… hộ nghèo. Vì thế mà việc tranh giành suất hộ nghèo là điều dễ hiểu.
Kiếm ăn nhờ… may rủi
Từ xóm Bờ muốn đến UBND xã Vầy Nưa làm việc phải đi thuyền mất gần 1 giờ và đi xe máy với khoảng thời gian tương đương. Không phải ngại đường rừng vất vả, mà do muốn trải nghiệm cảm giác lênh đênh giữa hồ vào sớm tinh sương nên chúng tôi quyết định thuê thuyền để đi. Hằng ngày sống trong môi trường ô nhiễm của đô thị Hà Nội, đôi khi phải nín thở để tránh hít phải khói xe và từng luồng bụi bay mù mịt. Nay có dịp thả mình giữa không gian rộng lớn của hồ thủy điện sông Đà, chúng tôi cố hít thở thật sâu, thật nhiều để hy vọng những chất độc hại trong người có thể nhân đây mà thoát ra khỏi cơ thể.
Không khí tĩnh lặng khiến chúng tôi có cảm giác thiêu thiếu một cái gì đó. Đang mải suy nghĩ, anh bạn cùng đi phá tan bầu không khí yên lặng bằng câu hỏi chị lái thuyền: “Sao hôm nay hồ vắng vậy chị?”. Như lâu lắm không có ai trò chuyện, chị lái thuyền bắt nhịp ngay: “Chắc các anh cũng lên đây nhiều rồi hả?”. Thoáng ngạc nhiên vì câu hỏi ngược của chị lái thuyền, nhưng tôi cũng trả lời: “Vâng, bọn tôi cũng lên công tác trên này vài lần”. Chị cười rồi tiếp lời: “Các anh lên công tác chắc nhằm đúng dịp lễ hội đền bà chúa Thác Bờ nên thuyền bè đi lại nhộn nhịp hơn. Có thuyền đánh cá, có thuyền chở khách thập phương đến lễ bà chúa Thác Bờ, có thuyền mang các vật dụng sinh hoạt đến bán…” Nghỉ một lát chị nói tiếp: “Một năm chúng em chỉ có dịp lễ hội đền Thác Bờ là thu nhập tương đối, còn thường ngày phập phù lắm các anh ạ”.
Đa số bà con dân tộc Mường thuộc xã Vầy Nưa sống bằng nghề chài lưới. Hằng ngày, họ dong thuyền ra hồ thủy điện sông Đà để đánh cá. Do có độ sâu hàng trăm mét, hồ lại rộng nên có rất nhiều loại cá to sinh sống trong hồ thủy điện sông Đà, trong đó có những con cá măng, cá thiểu nặng tới hàng yến. Tuy nhiên, để bắt được những con cá to cỡ ấy cũng không phải là chuyện đơn giản. Theo người dân nơi đây thì những loại này do sống lâu năm nên đã “thành tinh”, nghĩa là rất khôn nên khó bắt. Mỗi ngày, một thuyền ra hồ từ sáng sớm đến tối nếu gặp may thì thu hoạch được khoảng 10 – 15kg cá (cỡ 1 – 2kg/ con). “Mỗi ngày bắt được khoảng một vài con cá măng hoặc cá thiểu. Nhiều ngày lênh đênh chán rồi tối lại ra về tay không í các anh ạ. Mà ngày về tay không nhiều hơn ngày kiếm được cá…” – chị Bùi Thị Dung cho hay.
Đó là chưa kể, ngay cả khi gặp may, bắt được nhiều cá thì tiêu thụ như thế nào cũng là câu chuyện nan giải. Theo anh Bàn Văn So thì cá măng, cá thiểu bắt được chủ yếu bán cho khách thập phương đến lễ đền bà chúa Thác Bờ. Do vậy, khi hết lễ hội, cá của người dân đánh bắt được cũng ế ẩm không bán được, nhiều khi phải mang về kho hoặc phơi khô ăn dần. Đánh bắt cá dưới hồ trông vào may rủi còn khó tiêu thụ, vậy nên đầu ra cho nuôi trồng thủy sản tại xã Vầy Nưa đang là bài toán đau đầu của chính quyền xã. “Thu nhập từ nuôi trồng thủy sản của người dân trong xã hiện chưa ổn định vì chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong năm 2014 này, chúng tôi đang định hướng tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con…” – Chủ tịch xã Đinh Thế Hùng cho biết.
Theo như lời ông Hùng trả lời PV báo Đại Đoàn Kết thì hiện chính quyền xã này đang rất lúng túng, chưa tìm ra lời giải cho bài toán thoát nghèo của địa phương. Vậy thì người dân vùng hồ thủy điện sông Đà chưa có hy vọng đổi đời, nỗi nhọc nhằn mưu sinh của họ chưa dễ gì cởi bỏ.