ThienNhien.Net – Đất than bùn là nơi tích trữ carbon quan trọng, đóng vai trò kiểm soát khí hậu toàn cầu. Tại Việt Nam, đất than bùn phân bổ chủ yếu ở rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ với diện tích khoảng 24.000 ha/36.000 ha cả nước
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa nghiệm thu dự án phục hồi – sử dụng bền vững đất than bùn ở khu vực Đông Nam Á – hợp phần Việt Nam. Dự án do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ cho 4 nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Hợp phần dự án Việt Nam được triển khai tại Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng (Kiên Giang) trong 2 năm 2010- 2011.
VQG U Minh Thượng là vết tích quan trọng còn sót lại của hệ sinh thái đầm lầy hình thành trên tầng than bùn dày nhất vùng châu thổ sông Cửu Long cách đây hơn 100 thế kỷ. Đất than bùn có vai trò quan trọng trong việc giảm đỉnh lũ và duy trì dòng chảy cơ bản của các dòng sông vùng ĐBSCL suốt mùa khô.
Thế nhưng, diện tích đất than bùn của VQG U Minh Thượng đang có xu hướng giảm đáng kể do cháy rừng, khai thác làm phân bón hoặc đốt để chuyển thành đất trồng trọt… Nghiêm trọng nhất là trận cháy rừng năm 2002 đã gây thiệt hại lớn cho lớp than bùn cũng như suy giảm các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Từ năm 2006, Ban Quản lý (BQL) VQG U Minh Thượng đã xây dựng một hệ thống đê bao để giữ nước nhằm chống cháy rừng. Tuy nhiên, việc cho ngập nước quanh năm đã làm thay đổi một số hệ sinh thái thực vật. Ước tính 2.000 ha rừng tràm đã bị đổ ngã, suy thoái nghiêm trọng; đồng cỏ ngập nước theo mùa với sự đa dạng về loài thực vật là bãi ăn của nhiều loài chim cũng biến mất.
Từ năm 2010, với sự hỗ trợ của các chuyên gia dự án, BQL VQG U Minh Thượng đã thử nghiệm thay đổi phương thức quản lý thủy văn bằng cách hạn chế mực nước ngập sâu vào mùa mưa và mùa khô trong vùng lõi. Phương án này giúp bảo đảm vật liệu cháy dưới rừng tràm luôn ẩm ướt, hạn chế nguy cơ cháy rừng nhưng vẫn tránh được tình trạng ngập lâu làm biến đổi sinh thái rừng tràm.
Qua 2 năm thử nghiệm, các thảm rừng tràm đã phục hồi và phát triển tốt. Các đồng cỏ ngập nước theo mùa dù chưa ổn định nhưng đã có dấu hiệu phục hồi, quần xã cỏ lác có chỉ số đa dạng loài ổn định. Hệ sinh thái đầm lầy than bùn ngập nước cũng có chỉ số đa dạng sinh học khá cao…
U Minh là rừng đầm lầy ngập nước quý hiếm nhất Đông Dương nhưng người dân sống ở vùng đệm lại rất nghèo. Nhiều người mưu sinh bằng cách phá rừng. Sự tàn phá của con người khiến diện tích rừng nguyên sinh ở đây bị xóa sổ còn nhiều hơn thời chiến. Như vậy, việc bảo vệ VQG và các vùng đất than bùn không thể thiếu sự chung tay của người dân.
Do đó, dự án cũng xây dựng kế hoạch nhằm phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm của VQG U Minh Thượng. Hoạt động chính là hướng dẫn và tài trợ vốn giúp 51 hộ nghèo sống trong vùng đệm phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập. Từ đó, các hộ tham gia dự án sẽ cam kết phối hợp với BQL VQG trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên vùng đất than bùn.
Sau khi khảo sát, nhóm chuyên gia của dự án đề xuất 4 mô hình sản xuất nông nghiệp: Kết hợp nuôi thủy sản với trồng rau màu, cây ăn trái, mía và chăn nuôi gia súc. Mỗi hộ nhận được số vốn không hoàn lại từ dự án là 15 triệu đồng. Đến nay, đã có 22 hộ sử dụng vốn và mô hình hiệu quả, thu nhập tăng trung bình 3,6 triệu đồng/hộ.
Đây là những hộ nhận kinh phí dự án khá sớm và đều trồng rau màu, nuôi thủy sản, một số hộ trồng cây ăn trái có thời gian thu nhập nhanh. 29 hộ còn lại do nhận kinh phí dự án trễ và trồng cây ăn trái dài ngày vẫn chưa thu hoạch nên chưa thể đánh giá được tính hiệu quả nhưng vườn cây ăn trái phát triển khá tốt.
Được đánh giá cao Kết quả áp dụng mô hình phát triển sinh kế cộng đồng lồng ghép vào việc người dân tham gia bảo vệ tài nguyên của VQG U Minh Thượng đã được BQL dự án toàn ASEAN đánh giá cao. Năm 2012, BQL dự án của Malaysia đã đến U Minh Thượng tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng trên vùng đất than bùn của nước này. Cũng từ kết quả của dự án, cuối năm 2013, Cộng đồng châu Âu đã tài trợ kinh phí để thực hiện dự án phát triển sinh kế cộng đồng tại VQG U Minh Hạ (Cà Mau). Ban đầu, 31 hộ dân nghèo vùng đệm VQG U Minh Hạ tham gia dự án, với số vốn được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ. |