Phòng tránh thiên tai dựa vào thông tin khí tượng thủy văn

ThienNhien.Net – Đây là chủ đề được nhiều chuyên gia thảo luận sôi nổi tại cuộc Hội thảo Thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) phục vụ phòng, tránh thiên tai và giảm nhẹ thiên tai, do Trung tâm KTTV Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức ngày 16/1, tại Hà Nội.

Thiên tai gia tăng về tần suất và cường độ

Theo các kịch bản phân tích, dự báo về biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và mực nước biển dâng.

Theo nhà báo Văn Hào, Ban Thời sự trong nước, Thông tấn xã Việt Nam, hầu hết những bản tin KTTV do Trung tâm KTTV Quốc gia cung cấp dù đã có cải tiến đáng kể, song vẫn còn khó hiểu đối với phóng viên và người sử dụng thông tin. Nhất là dự báo bão hoặc dự báo mùa, dự báo tháng, vì sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Vì vậy, Trung tâm KTTV cần cải thiện hơn nữa các bản tin theo hướng: Nhanh – đúng – dễ hiểu, đồng thời nâng cấp mạng thông tin của ngành. Cần lập đường dây nóng để tạo điều kiện phóng viên nắm bắt thông tin đầy đủ chính xác hơn.

Thiên tai có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn, đó là sự đa dạng về loại hình, gia tăng về cường độ và tần suất. Có thể kể đến một số trận thiên tai lớn đã xảy ra gây thiệt hại nặng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng như: Lũ lớn ở các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung vào các năm 1999, 2007, 2012, 2013; lũ lớn trên hệ thống sông Hồng năm 1971; lũ lớn trên hệ thống sông Cửu Long năm 2010, 2011; bão Wayne tại Thái Bình 1986, bão Linda vào Cà Mau 1997; bão Xangsen vào Đã Nẵng 2006; bão Ketsana 2009 và bão Wuttip, Nari năm 2013 vào các tỉnh miền Trung… Hạn hán vào những năm 1988, 1993, 1998 hay triều cường dâng cao nhất trong vòng 50 năm ở TP Hồ Chí Minh…

Theo số liệu thống kê hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1 – 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông tin dự báo thời tiết rất quan trọng với chuyến ra khơi của ngư dân (Ảnh: nfonet.vn)
Thông tin dự báo thời tiết rất quan trọng với chuyến ra khơi của ngư dân (Ảnh: nfonet.vn)

Giảm nhẹ thiệt hại còn chưa được coi trọng 

Theo phân tích của các chuyên gia KTTV thì giai đoạn giảm nhẹ thiệt hại thực chất là việc phòng ngừa từ xa. Vì vậy các biện pháp trong giai đoạn này mang tính lâu dài như quy hoạch các khu dân cư và sản xuất để khỏi bị ảnh hưởng của thiên tai, thiết kế xây dựng các công trình có thể chịu đựng được thiên tai…

Tuy nhiên, nhìn chung giai đoạn giảm nhẹ thiệt hại này ở nước ta lại chưa được coi trọng. Vì ghép chung giai đoạn này với giai đoạn phòng ngừa nên các biện pháp giảm nhẹ chưa được chú ý đúng mức, mới chỉ chủ yếu là xây dựng hồ đập, đê điều mà lẽ ra cần được thực hiện trong toàn bộ các ngành và xã hội.

Trong khi đó, giai đoạn phòng ngừa được đánh giá là giai đoạn rất quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Các thông tin KTTV trong giai đoạn này mang tính sống còn đối với công tác phòng chống, bởi sẽ bao gồm các hoạt động thông tin dự báo, cảnh báo, dự trữ phương tiện cấp cứu, lập phương án sơ tán…

Thông thường, các cơ quan phòng, chống thiên tai có xu hướng thu thập nhiều thông tin cần thiết đề đáp ứng các yêu cầu phòng, chống. Ngoài các thông tin từ các cơ quan chính thức thì còn nhiều loại thông tin khác được sử dụng như thông tin của nước ngoài.

“Ở đây, ngoài các vấn đề về tính pháp lý và khoa học thì có một thực tế là để ra quyết định, người sử dụng phải căn cứ vào một nguồn thông tin chứ không thể dựa vào nhiều nguồn thông tin. Chẳng hạn dự báo bão để phát lệnh sơ tán phải biết bão vào đâu, mạnh hay yếu. Các thông tin rất cụ thể chỉ có thể căn cứ vào duy nhất một nguồn nào đó. Do vậy, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức của việc khai thác thông tin KTTV” – lãnh đạo Cục KTTV và BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định.

“Đọc” thông tin KTTV để đưa ra giải pháp tối ưu

Theo Cục KTTV và BĐKH, thông tin KTTV trong giai đoạn ứng phó và khắc phục không còn quan trọng như giai đoạn trước đó. Do đó cơ quan phòng chống thiên tai không còn phải tham khảo nhiều nguồn, và thông tin mang tính tập trung của một nguồn duy nhất vì chỉ có Trung tâm KTTV quốc gia và các địa phương mới có đầy đủ thông tin chi tiết cần thiết nơi thiên tai đang xảy ra cũng như tác hại mà nơi có thiên tai phải gánh chịu. Từ đó, giúp cộng đồng khôi phục lại cuộc sống bình thường.

Nhà báo Trần Trung Kiên, Kênh 14 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC thì cho rằng, mối quan hệ giữa truyền thông, truyền hình và dự báo là không thể tách rời trong nỗ lực phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai khi các tình huống thiên tai xảy ra. Đối với dự báo, bên cạnh dự báo định lượng hiện nay, dự báo xác suất có thể là một sự lựa chọn tốt trong tương lai. Dự báo xác suất giúp cho người sử dụng bản tin có ngay ước lượng về khả năng và giới hạn của dự báo, tránh được các rủi ro về nghề nghiệp.

Vai trò của thông tin KTTV không còn mang tính khẩn cấp, tuy nhiên những thông tin cần thiết về tác động và hậu quả của thiên tai trong giai đoạn này lại rất cần thiết với các cơ quan KTTV để hiểu rõ hơn bản chất của thiên tai đã xảy ra, giúp cho việc nâng cao chất lượng dự báo.

“Để thực hiện các kế hoạch và biện pháp thích ứng với BĐKH, ngoài thông tin KTTV còn cần các công cụ và phương pháp đánh giá tác động BĐKH mà việc xử lý thông tin KTTV có vai trò cốt yếu. Trong khi không có một kịch bản tin cậy để đáp ứng lâu dài, việc xử lý thông tin KTTV từ ngắn hạn đến dài hạn là rất cần thiết nhằm đưa ra giải pháp tối ưu để ứng phó với BĐKH. Và để đáp ứng yêu cầu thực hiện các biện pháp ứng phó với BĐKH, cần có cơ quan cung cấp đầy đủ các loại thông tin KTTV và hướng dẫn chi tiết phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, thông tin KTTV sẽ có vai trò quan trọng để quyết định các biện pháp giảm nhẹ thông qua những đánh giá nguồn năng lượng mới hoặc tiêu thụ năng lượng trong điều kiện BĐKH” – lãnh đạo Cục KTTV và BĐKH khẳng định.