Bảo tồn đa đạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên: Vẫn còn nhiều việc phải làm!

ThienNhien.Net – Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên là nền tảng của sự phát triển một cách lâu dài và bền vững, và bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên là một trong các giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu (Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2013).

Trong nhiều năm qua, chúng ta cũng đã làm được một số việc, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể bảo tồn hữu hiệu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái quan trọng của đất nước, nhất là rừng nhiệt đới nội địa, rừng ngập mặn, các vùng đất ngập nước, các rạn san hô, các thảm cỏ biển và các quần xã sinh vật phong phú trong đó.

160114_baotonthiennhien
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Đất nước chúng ta rất đẹp, có nhiều loại rừng, nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, tính đa dạng sinh học cao, nhiều tài nguyên quý giá. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, nhiều loài sinh vật đã bị suy giảm số lượng một cách nhanh chóng, không ít loài đang đứng trước nguy cơ diệt vong, thậm chí một số loài đã không còn tìm thấy trên đất nước dải hình chữ S như bò xám, tê giác…; các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đất ngập nước, các rạn san hô, các thảm cỏ biển… cũng đang bị phá hủy, bị phân cắt thành những mảnh nhỏ cách biệt nhau. Nguyên nhân của thực trạng này là do các hoạt động khai thác quá mức của con người; ngoài ra, còn do sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Thêm vào đó, do phát triển kinh tế một cách ồ ạt, môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng; trái đất lại đang nóng lên, khí hậu biến đổi phức tạp, thiên tai diễn biến bất thường… Tất cả đều đã và đang là mối lo ngại lớn đối với loài người và thế giới đa dạng sinh học.

Trên thực tế, cũng đã có nhiều hoạt động của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu khoa học… được triển khai tại các địa phương nhằm cứu một số loài nguy cấp thoát khỏi nạn diệt vong, đồng thời giúp khôi phục nhiều hệ sinh thái bị suy thoái. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn đa dạng sinh học đạt hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ chúng ta cần sớm hoàn thành một số mục tiêu sau:

Thứ nhất, cần kiểm kê, lập hồ sơ tất cả các mức độ đa dạng sinh học từng vùng và trên cả nước. Để thực hiện được công việc này, cần gấp rút đào tạo đội ngũ các nhà phân loại học mà hiện nước ta đang rất thiếu.

Thứ hai, cần tìm hiểu các mức độ tác động của con người lên các loài, các gen và các hệ sinh thái để có biện pháp hữu hiệu nhằm giảm bớt tổn thất.

Thứ ba, phát triển các quan điểm, cách tiếp cận để ngăn ngừa sự mất mát các loài, đồng thời bảo tồn được đa dạng gen trong các loài; bảo vệ và phục hồi các quần xã sinh học cùng các hệ sinh thái và chức năng của các hệ sinh thái.

Thứ tư, cần sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học một cách khôn khéo để đem lại cuộc sống ấm no, bền vững cho mọi người, nhất là những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa vốn chủ yếu sống dựa vào việc khai thác thiên nhiên.

Hai mục tiêu đầu bao gồm các nghiên cứu mà các ngành sinh học vẫn thường thực hiện nhằm tìm hiểu các thành phần của đa dạng sinh học ở từng vùng riêng lẻ, nhưng tới đây sẽ cần phải được thực hiện chu đáo và đầy đủ hơn để có cơ sở đề ra các biện pháp bảo tồn hợp lý, hiệu quả.

Hai mục tiêu còn lại là phải làm cho bảo tồn đa dạng sinh học trở thành một bộ môn khoa học có tính chuẩn mực. Điều này có nghĩa là cần phải sử dụng một số thành tựu khoa học và ứng dụng các phương pháp khoa học để đạt được trình độ chuẩn mực (Lindenmayer and Humter 2010). Nói cách khác, bảo tồn đa dạng sinh học phải là một khoa học có liên quan mật thiết với nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Ví dụ, luật và chính sách môi trường là những cơ sở pháp lý về bảo tồn các loài quý, hiếm nguy cấp và các hệ sinh thái quan trọng. Đạo đức môi trường là nhân tố cơ bản cho công việc bảo tồn các loài. Các nhà khí hậu học theo dõi những đặc điểm về khí hậu, giúp chúng ta phát triển những mô hình dự báo những tác động tiêu cực gây ra do biến động của các đặc điểm môi trường lên đa dạng sinh học. Các khoa học về xã hội như nhân chủng học, xã hội học và địa lý học cung cấp các hiểu biết đầy đủ để đề xuất các biện pháp về giáo dục, nâng cao nhận thức, động viên nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ các loài, các hệ sinh thái và môi trường sống. Giáo dục bảo tồn, liên kết các nghiên cứu hàn lâm với các công việc thực địa để giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường, giới thiệu cho nhân dân những kiến thức khoa học cơ bản, những kỹ thuật có lên quan để giúp họ thực hiện được công việc bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Để thực hiện được những công việc khó khăn đó, các nhà sinh vật học, các nhà sinh thái học cần phải có nhiều ý tưởng, nhiều kỹ năng rút ra từ nhiều lĩnh vực khác nhau để bảo tồn đa dạng sinh học có cách tiếp cận đa ngành và liên ngành.

Điều đáng lưu ý là trên thế giới và cả ở nước ta, rất nhiều tôn giáo đều tuyên truyền, giáo huấn con người cần phải sống một cách hài hòa với thiên nhiên và phải bảo vệ thế giới hoang dã. Bảo tồn đa dạng sinh học cần đặc biệt tôn trọng niềm tin của các tôn giáo, trong đó có những niềm tin có ý nghĩa triết học, nói lên mối tương quan giữa xã hội con người và thế giới tự nhiên (Dubley et al. 2009). Nhiều tôn giáo trên thế giới tin rằng con người, cả thể xác lẫn tâm hồn đều có liên quan mật thiết với các cây con ở xung quanh. Có một số dân tộc lấy tên họ của mình là tên một loài cây như: người Raglai ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có họ Pi Năng có nghĩa là cau, ngày nay có xu hướng chuyển thành tiếng Việt là họ Cau; họ Katơr có nghĩa là bo bo, nay đổi là họ Bo bo; họ Chamalia, là tên một loài dây leo, thân có ruột đỏ như máu, nay đổi là hộ Mấu (Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật 2000).

Thế giới sinh vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiều dân tộc, nhất là các dân tộc ít người. Họ có nhiều phong tục, tập quán liên quan đến bảo vệ thiên nhiên và cũng có nhiều niềm tin về rừng thiêng, suối thần, bến nước… Tiếc rằng, ngày nay, nhiều luật tục, tập quán tốt đẹp đó ở nước ta đang bị mai một. Nếu có thể khôi phục lại thì công việc bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng dân tộc ít người sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Tuy nhiên, phải làm gì để những điều tốt đẹp đó được giữ gìn và trân trọng? Có lẽ tất cả chúng ta cần xem xét lại cách hành xử của mình đối với thế giới tự nhiên, để hướng tới việc tạo lập một cuộc sống tốt đẹp và vì một mục tiêu chung là bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn các hệ sinh thái tự nhiên.

Giáo sư Võ Quý, Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam (ESV)