ThienNhien.Net – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức trả lời bằng văn bản chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương về đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Chiều 21/11/2013, trong khuôn khổ thời gian Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời trực tiếp 3 đại biểu với 4 câu hỏi. Mới đây, Thủ tướng chính thức trả lời tiếp các chất vấn còn lại, trong đó có câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương.
Cụ thể, tại kỳ họp này, Đại biểu Đỗ Văn Đương có thắc mắc: Vì sao có sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất và vì sao sân bay Biên Hòa, Cần Thơ và một số sân bay khác còn hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả lại tiếp tục đầu tư sân bay Long Thành.
Giải đáp vấn đề này, Thủ Tướng cho biết, theo đề nghị từ phía Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp (như nhiều nước đã làm), Thủ tướng đã đồng ý và giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch các sân golf nói trên.
Thủ tướng khẳng định, quyết định việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án hoàn toàn bảo đảm an ninh, an toàn của sân bay và phù hợp với Quy hoạch chung của hai Thành phố. Cũng như thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất.
“Về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm kinh tế và có nhu cầu vận tải hàng không lớn nhất của cả nước, đòi hỏi phải có cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trung chuyển quốc tế và nội địa,” Thủ tướng giải thích.
Hơn nữa, theo Thủ tướng: Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340 m).
Do đó, việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi.
Mặt khác, vị trí rất gần với Sân bay quân sự Biên Hòa nên việc sử dụng đồng thời 2 sân bay sẽ bị hạn chế bởi năng lực của vùng trời, đặc biệt là khi tần suất khai thác ngày càng tăng cao.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng bổ sung cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải. Cảng này cũng đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cả nước.
Hiện các cơ quan chức năng đang triển khai các thủ tục lập Báo cáo đầu tư để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua thì mới triển khai các thủ tục kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện, Thủ tướng cho biết.
Được biết, nhiều ý kiến không tán đồng với phương án xây sân bay Long Thành, đặc biệt từ phía các cử tri TP. Hồ Chí Minh. Theo ý kiến của người dân, sân golf nên làm ở nơi đất xấu, xa dân, vì tốn nhiều nước tưới, sử dụng thuốc diệt cỏ dại, thuốc trừ sâu gây độc hại cho nguồn nước ngầm. Thêm vào đó, sân golf chiếm đất quá lớn và sẽ gây nguy hiểm cho máy bay lên xuống.
Còn trong lá đơn gửi lên Thủ tướng, ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng”) và ông Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng đầu tư 8 tỷ USD để xây sân bay mới là lãng phí trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vừa tiết kiệm lại giữ được giá trị lịch sử.
Phía Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam thì nhận định việc xây sân bay Long Thành là phương án tối ưu so với mở rộng Tân Sơn Nhất (dự báo quá tải sau năm 2020) hoặc dùng căn cứ không quân Biên Hoà, bởi chi phí cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỷ USD, còn mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỷ USD, Biên Hòa cần 7,5 tỷ USD nhưng sẽ mất thêm chi phí khử độc dioxin.