ThienNhien.Net – Không “gác cửa, can gián”, thủ tục đánh giá tác động môi trường còn bị lợi dụng trở thành công cụ “đánh bóng”, giúp dự án nhanh chóng thông qua; trong khi chất lượng thủ tục đánh giá môi trường chiến lược còn thấp và kém hiệu quả hơn
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được tiếp tục bàn luận tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Một trong những điểm quan trọng được các chuyên gia, tổ chức quan tâm và còn nhiều ý kiến trái chiều trong lần sửa đổi này chính là thủ tục về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là biện pháp ngăn chặn từ gốc các dự án gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Không nói tốt, không được trả tiền!
Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã quy định các dự án cần lập ĐMC hoặc ĐTM. Thủ tục này nhằm lượng giá, cảnh báo trước các tác động đến môi trường sẽ xảy ra khi triển khai dự án. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ cân nhắc hơn – thiệt giữa kinh tế – môi trường để quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Một dự án có được thông qua hay không, ĐTM đóng vai trò rất lớn. Tuy nhiên, thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, ĐTM đã và đang bị hiểu, thực hiện một cách méo mó. Điển hình về sự gian lận trong việc lập ĐTM được giới chuyên môn thường xuyên đề cập là 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Đem cây dừa nước từ miền Tây lên trồng ở cao nguyên, xây thủy điện ở Tây Nguyên lại có lợi cho Quảng Nam hay mang những loài cây, con vật quý đặc hữu (chỉ sống được ở một vùng đất nhất định) đến trồng, nuôi ở nơi khác…, đơn vị tư vấn thực hiện ĐTM 2 dự án này không chỉ sao chép, cắt dán nghiên cứu từ ĐTM các dự án khác mà còn cố tình biến hại thành lợi, đưa ra những biện pháp giảm thiểu tác hại thiếu cơ sở khoa học. Như vậy, từ chức năng “gác cửa, can gián”, thủ tục ĐTM bị lợi dụng trở thành một công cụ “đánh bóng”, giúp dự án được nhanh chóng thông qua.
Đại diện một công ty tư vấn thực hiện khá nhiều ĐTM cho các dự án phía Bắc trần tình đôi khi thấy tác động đến môi trường quá rõ ràng, quá trầm trọng nên họ đã tư vấn chủ đầu tư không nên thực hiện. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn quyết làm và muốn những tác động đó phải được giảm thiểu trong ĐTM.
Khi ký hợp đồng, chủ đầu tư chỉ trả trước 50%. Nếu không thực hiện theo ý chủ đầu tư khiến dự án không được thông qua, đơn vị tư vấn sẽ không nhận được 50% còn lại. Chi phí thực hiện ĐTM cho một dự án vừa – nhỏ khoảng 100-300 triệu đồng, thậm chí nhiều đơn vị sẵn sàng “đại hạ giá” với kiểu ĐTM chỉ làm để đối phó. Chi phí này không đủ để đi khảo sát và phân tích, đánh giá theo các số liệu cập nhật mới nên hầu hết đơn vị tư vấn “ngồi nhà”, dựa vào những số liệu đã cũ mà đánh giá theo lý thuyết.
Đại diện một công ty tư vấn phía Nam tiết lộ trước khi đơn vị tư vấn đi lấy mẫu phân tích, cơ sở đã được thông báo và cho vào nguồn nước ít hóa chất. Thế là nước trong veo nên lấy mẫu cũng chẳng ích gì. Bên cạnh đó, có trường hợp 4-5 năm sau khi thực hiện ĐTM, dự án mới được phê duyệt. Lúc đó, điều kiện tự nhiên ở khu vực thực hiện dự án đã thay đổi nên ĐTM không phát huy được hiệu quả.
“Đừng đổ hết cho tư vấn. Nếu tư vấn làm không tốt thì còn có hội đồng thẩm định, tại sao vẫn thông qua? Rồi các cơ quan chức năng, họ đã làm hết trách nhiệm trong vấn đề hậu kiểm xem chủ đầu tư có thực hiện đúng ĐTM chưa?” – vị này băn khoăn.
Theo PGS-TS Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, cho dù chuyên gia có giỏi đến đâu, công nghệ cảnh báo có hiện đại cỡ nào nhưng một khi còn duy trì cơ chế chủ đầu tư trả tiền thực hiện ĐTM thì khó tránh khỏi những kết luận sai lệch. ĐTM của các dự án ODA thường có chất lượng cao vì chi phí do tổ chức tài trợ quốc tế cấp, đơn vị tư vấn có thể dự báo khách quan. Thời gian và kinh phí nghiên cứu ĐTM cũng dài và cao hơn các dự án đầu tư trong nước hoặc FDI.
“Nhắm mắt” thông qua
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long cho biết nhiều khi đơn vị tư vấn nhận xét việc đầu tư dự án tại vị trí nào đó là không được nhưng vì ý chí của lãnh đạo địa phương – muốn kêu gọi đầu tư vào vị trí này – nên họ phải cố nói cho xuôi.
Theo đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận, rất hiếm ĐTM không được thông qua. Không được buổi sáng thì đến chiều cũng sẽ thông qua! Vì đua nhau kêu gọi đầu tư, tỉnh “nhắm mắt” thông qua ĐTM. Huyện – xã thấy tỉnh đã thông qua thì tất nhiên phải “gật đầu”. Hội đồng thẩm định do các mối quan hệ nên còn nhiều nể nang, chưa kể chỉ đạo từ trên xuống…
“ĐTM hiện chỉ như một cái vé để cấp chứng nhận đầu tư. Nếu thời gian thực hiện ĐTM dài quá, khoảng 6 tháng đến 1 năm thì chủ đầu tư đã bỏ sang tỉnh khác nên phải rút ngắn còn 1-2 tháng, vì thế kết quả không đáng tin cậy” – vị này nhìn nhận.
Một bước quan trọng và cũng mang tính quyết định cao với sự chính xác của ĐTM, theo TS Lê Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam, chính là tham vấn ý kiến cộng đồng. Thủ tục này một mặt giúp đơn vị lập ĐTM thu thập thông tin về môi trường tự nhiên – xã hội tại địa phương, mặt khác cũng huy động sự tham gia của các bên liên quan nhằm bảo đảm quá trình ra quyết định có tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, hợp tác và khả thi.
Thế nhưng, thủ tục này được thực hiện theo dạng đối phó kiểu thủ tục hành chính văn bản qua lại giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng thường không được thông tin rõ ràng về dự án, cũng không được lấy ý kiến rộng rãi. Thậm chí, đến lúc địa phương đến giải phóng mặt bằng, người dân mới biết có dự án! Hậu quả của việc này là vấn đề tranh chấp môi trường giữa chủ đầu tư và người dân địa phương ngày càng gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp phân trần rằng họ cũng có “nỗi khổ” trong việc lập ĐTM. Bởi lẽ, để đến bước lập ĐTM, doanh nghiệp gần như đã đi nửa chặng đường xin cấp phép đầu tư, chi phí đã bỏ cũng không ít để khảo sát tiền khả thi dự án, lập thủ tục xin chấp thuận địa điểm và nhiều khoản “không tên” khác. Nếu dự án vì tác động môi trường tiêu cực mà không được thông qua, DN sẽ lỗ lớn.
Nguy hiểm!
Trong khi đó, ở cấp vĩ mô, ĐMC nhằm định hướng cho quy hoạch mang tính vùng – miền, chủ yếu là do các bộ, ngành lập. Tuy nhiên, chất lượng các ĐMC hiện nay còn thấp và kém hiệu quả hơn cả ĐTM.
Theo PGS-TS Lê Trình, phần lớn ĐMC chỉ có giá trị minh họa cho ý đồ quy hoạch, tăng trưởng kinh tế của lãnh đạo các cấp nhưng thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Ít ĐMC nào mạnh dạn loại bỏ dự án đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội các vùng kinh tế trọng điểm.
Nếu thủ tục đánh giá tác động môi trường không thực hiện được chức năng loại bỏ hoặc điều chỉnh các dự án hiệu quả kinh tế thấp nhưng tác động lớn đến môi trường thì nền kinh tế – xã hội sẽ gặp nguy hiểm. – PGS-TS Lê Trình (Viện Khoa học Môi trường và Phát triển) |
Nhiều dự án dù có suất đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế thấp lại tác động xấu đến môi trường xã hội như cảng hàng không ở Vân Đồn, Tiên Lãng; nhiều cảng ở miền Trung, miền Bắc; thủy điện ở Tây Nguyên, miền Trung; khai thác kim loại màu ở Lâm Đồng, Đắk Nông; khai thác titan ở duyên hải Trung Bộ… vẫn không bị ĐMC loại bỏ, điều chỉnh.
Nếu ĐMC không loại bỏ hoặc điều chỉnh dự án có hiệu quả kinh tế thấp nhưng tác động lớn đến môi trường thì rất nguy hiểm. Bởi lẽ, dựa theo ĐMC đã được các bộ, ngành thẩm định, thông qua, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án này, gây hệ lụy lâu dài cho đất nước. Nguyên nhân chủ yếu là do Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư hướng dẫn bên dưới chưa nêu cụ thể nội dung và chất lượng của ĐMC.
Cam kết bảo vệ môi trường: Không hiệu quả Trong tờ trình dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự luật lần này quy định cụ thể danh mục các nhóm chiến lược, quy hoạch phải thực hiện tích hợp ĐMC. Về ĐTM, có 3 nhóm dự án bắt buộc, gồm: dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng; dự án sử dụng đất khu bảo tồn, khu di sản thế giới, khu danh lam thắng cảnh – di tích lịch sử đã được xếp hạng…; dự án có tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định.Bên cạnh đó, nhằm hạn chế việc đã lập dự án cụ thể và ĐTM nhưng không được thông qua gây lãng phí thời gian và chi phí của chủ đầu tư, dự luật cũng quy định các dự án quy mô lớn, có khả năng tác động nhiều mặt đến môi trường sẽ thực hiện 2 bước là ĐTM sơ bộ và ĐTM. Dự luật lần này đã loại bỏ quy định về cam kết bảo vệ môi trường vì xét thấy không hiệu quả. Thay vào đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ chủ động lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo thực tiễn hoạt động. |