Bài 3: Cần thay đổi cơ bản, quyết liệt hơn
ThienNhien.Net – Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ sau 10 năm chuyển mình, đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, việc phát triển các nông, lâm trường đã không theo kịp yêu cầu đổi mới. Nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, sản xuất đình trệ, trở thành các điểm nóng về tranh chấp, lấn chiếm đất đai, từ đó đòi hỏi Ðảng, Nhà nước nhanh chóng có giải pháp và chính sách mới phù hợp hơn thực tiễn, để hệ thống nông, lâm trường phát triển tương xứng tiềm năng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và phù hợp xu thế đổi mới của đất nước…
Chưa thể hiện vai trò điểm tựa phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn
Hệ thống nông, lâm trường quốc doanh của nước ta được thành lập từ sau năm 1954 (ở miền bắc) và sau năm 1975 (ở miền nam) với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang mở rộng diện tích canh tác ở những vùng đất mới và tiếp quản những cơ sở của chế độ cũ, phát triển sản xuất nông – lâm sản hàng hóa, cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những nơi xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Khi nền kinh tế đất nước mang nặng cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, nông, lâm trường quốc doanh đã đảm nhận tốt vai trò doanh nghiệp nhà nước, một mặt sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thật sự là công cụ giúp Nhà nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng cơ sở, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Trong số gần 500 nông, lâm trường (ở thời điểm năm 2002) phân bố trên cả nước có tới hơn 70% tập trung ở miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Trung Bộ.
Giai đoạn từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 cho đến đầu những năm 2000, khi Ðảng và Nhà nước thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống nông, lâm trường quốc doanh đã bộc lộ những yếu kém, không theo kịp tiến trình đổi mới của đất nước như: hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, quản lý đất đai/vườn cây/rừng chưa tốt…
Sau 10 năm thực hiện đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, hệ thống nông, lâm trường trong cả nước hiện có 286 công ty, trong đó 138 công ty nông nghiệp, 148 công ty lâm nghiệp và 35 công ty cổ phần. Thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005, đã có 284 công ty chuyển thành công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước; thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ từ 91 lâm trường; thành lập hai công ty TNHH hai thành viên trở lên và giải thể 36 nông, lâm trường.
Theo đánh giá chung, nhiều công ty nông, lâm nghiệp đã đổi mới cơ chế quản lý, áp dụng hình thức khoán mới, thu hút lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên rừng. Tuy nhiên, thực tế tại các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhiều doanh nghiệp gần như chỉ mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong quản lý, sử dụng đất và rừng, chưa thể hiện và phát huy vai trò là điểm tựa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Nguyên nhân chính là quá trình hình thành, sắp xếp và đổi mới nông, lâm trường mang tính lịch sử, có nhiều phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Nông, lâm trường hoạt động trên địa bàn rộng lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới; cơ sở hạ tầng yếu kém; đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi và sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, người dân, nhất là đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp và của địa phương còn lúng túng, thiếu thống nhất. Một số lãnh đạo nông, lâm trường muốn duy trì cơ chế cũ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ngại thay đổi, không chủ động trong tháo gỡ khó khăn, đổi mới sản xuất, kinh doanh.
Một số công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp đã tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch kinh tế – xã hội và sử dụng đất của địa phương, tạo thành mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp, liên kết giữa vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thị trường, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, góp phần tạo điều kiện cho người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định đây là mô hình, phương thức sản xuất thành công, hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất của người dân và doanh nghiệp phát triển bền vững, thu nhập ổn định. Nhất là ở những nông, lâm trường thuộc hoặc sáp nhập vào các đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh, có vốn đầu tư thì hiệu quả sản xuất cao hơn. Năm 2012, thu nhập bình quân của người lao động ở các công ty cao-su đạt sáu triệu đồng/tháng (tăng hai lần so trước sắp xếp); các công ty cà-phê đạt năm triệu đồng/tháng; cây hằng năm, chè, chăn nuôi đạt khoảng ba triệu đồng/tháng. Các công ty lâm nghiệp ở các công ty thuộc Tổng công ty Giấy, Lâm nghiệp và một số địa phương đạt 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng, còn lại nhiều công ty phổ biến ở mức 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Theo đồng chí Hoàng Văn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam, quá trình sắp xếp, sáp nhập, tổng Công ty hiện quản lý 16 lâm trường. Do các lâm trường hoạt động hết sức khó khăn, mỗi năm tổng công ty phải hỗ trợ vốn vay hàng trăm tỷ đồng, có năm cho các lâm trường vay đến 200 tỷ đồng. Nhờ vậy, các lâm trường có vốn trồng rừng, cải tạo đất, áp dụng thâm canh, tăng gấp hai, ba lần năng suất rừng nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy giấy.
Giải quyết dứt điểm hạn chế, yếu kém về quản lý đất đai
Trong quá trình đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, nhất là từ năm 1995, sau khi có chủ trương giao khoán đất cho người lao động (Nghị định số 01/CP), bên cạnh nhiều đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giao khoán đất cho người lao động, có một số đơn vị lợi dụng chủ trương này đã giao khoán không đúng đối tượng (cả cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức trên địa bàn), một số đơn vị buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng chuyển nhượng hợp đồng giao khoán, mua bán đất trái phép, tự ý xây dựng nhà ở, trang trại trên đất giao khoán. Nếu hợp thức hóa hiện trạng sử dụng đất này là thừa nhận việc làm vi phạm pháp luật, dẫn đến không công bằng trong xã hội, có thể gây mâu thuẫn về đất đai với người dân trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất ổn trong nông thôn trên địa bàn. Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm rà soát, đề ra giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể. Thí dụ, đối với đất công ty cho tổ chức, cá nhân thuê hoặc cho mượn để sản xuất nông nghiệp thì công ty cần phối hợp chính quyền địa phương rà soát lại cụ thể từng đối tượng để xử lý. Ðất tổ chức đang thuê, mượn nằm trong quy hoạch sử dụng đất của công ty thì kiên quyết thu hồi. Công ty thanh toán lại giá trị vườn cây, tài sản trên đất cho tổ chức đó.
Ðối với đất bị lấn chiếm, cần rà soát từng đối tượng để xử lý, nếu đất người dân đang xen canh và nằm trong quy hoạch sử dụng đất của công ty thì xem xét, tiếp nhận và thực hiện giao khoán đất cho dân; đối với đất công ty không còn nhu cầu sử dụng và không ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của công ty thì chuyển giao địa phương. Với diện tích đất bị tranh chấp, cần rà soát từng đối tượng tranh chấp và có xem xét tới yếu tố lịch sử, nguồn gốc đất để xử lý: Nếu tranh chấp đất giữa hộ dân sống bằng nghề nông với công ty thì công ty giao lại cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng. Các hộ gia đình, cá nhân đang nhận giao khoán đất của công ty nhưng sử dụng không đúng mục đích, mua bán trái phép thì thu hồi giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng, hoặc xem xét giải quyết cho tiếp tục được giao hoặc thuê đất.
Ðể ổn định, phát triển hệ thống nông, lâm trường, điều quan trọng nhất cần làm là hoàn thành rà soát, cắm mốc giới đất đai… Theo Thạc sĩ Vũ Duy Hưng, biện pháp quan trọng nhằm hạn chế xung đột đất đai với người dân, chính quyền các địa phương cần rà soát lại thực trạng đất sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó có phương án giải quyết theo hướng bảo đảm diện tích đất sản xuất tối thiểu cho đồng bào, đồng thời có những quy định cụ thể nhằm tránh tình trạng đồng bào tiếp tục bán diện tích đất sản xuất được cấp.
Ðẩy mạnh cổ phần hóa và thúc đẩy liên doanh, liên kết
Cả cuộc đời gắn bó với những đổi thay của nông, lâm trường quốc doanh, Tiến sĩ Phạm Quốc Doanh cho rằng: Thời gian tới, cần có những thay đổi cơ bản về hình thức sản xuất, quản lý của các nông, lâm trường theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết với các đơn vị có tiềm lực kinh tế để tận dụng điều kiện đất đai và đội ngũ nhân lực mà các nông, lâm trường đang có.
Tổng kết thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến ở 32 đơn vị (công ty nông, lâm nghiệp) đã khẳng định là chủ trương đúng, có mô hình và phương thức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Ðặc thù của các công ty nông, lâm nghiệp là quản lý quỹ đất đai lớn, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhiều công ty đã, đang giao khoán đất ổn định lâu dài cho người lao động liên quan đến đồng bào dân tộc, cho nên việc cổ phần hóa cần được thực hiện chặt chẽ. Do vậy, trước mắt, Nhà nước giữ 65% trở lên, sau năm 2015 sẽ giảm dần cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể là, Nhà nước giữ cổ phần chi phối hơn 65% vốn điều lệ đối với công ty chuyên sản xuất giống; công ty trồng, chế biến cao-su, cà-phê, chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng trồng. Ðối với công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, công ty lâm nghiệp (rừng trồng) khi chuyển sang công ty cổ phần phải thuê đất. Nhà nước không giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hằng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công ty giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản. Khi chuyển sang công ty cổ phần cần chuyển phần lớn đất đai về địa phương quản lý, công ty chỉ giữ lại một phần đất đai để sản xuất giống, xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở chế biến. Các công ty chuyển sang cổ phần hóa phải tiến hành thuê đất.
Tiếp tục đẩy mạnh các mô hình liên doanh, liên kết, thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên nhằm gắn kết công ty nông, lâm nghiệp cùng phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với công nghiệp chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ. Ðáng chú ý, cần kiên quyết giải thể các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng (thực chất là phát canh thu tô), giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai, sản phẩm làm ra; các công ty không cần thiết phải giữ lại. Khi giải thể cần xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây), bàn giao đất đai về địa phương quản lý theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người đang nhận khoán, ổn định xã hội tại địa phương.
Qua khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến cuối năm 2012, cộng đồng các dân tộc thiểu số cả nước vẫn còn gần 327 nghìn hộ thiếu đất, trong đó có 33 nghìn hộ thiếu đất ở và 294 nghìn hộ thiếu đất canh tác. Trong khi đó, các công ty lâm nghiệp đang quản lý khoảng hơn hai triệu ha, số lượng lao động bình quân một người/100 ha. |