Bài 2: Loay hoay tìm hướng đi
ThienNhien.Net – Sau quá trình sắp xếp, đổi mới hình thức hoạt động, nhất là chuyển đổi mô hình từ nông, lâm trường sang công ty CP, công ty TNHH MTV nông-lâm nghiệp, phần lớn các nông, lâm trường chưa có sự thay đổi về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sử dụng đất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên được giao. Các nông, lâm trường vẫn chủ yếu tự bươn chải, đời sống công nhân vất vả. Nhiều đơn vị buông lỏng quản lý dẫn đến khoán trắng theo kiểu “phát canh, thu tô”, gây bức xúc cho hàng vạn công nhân, người lao động…
Quản lý sản xuất, kinh doanh yếu kém
Ðến Công ty TNHH MTV Yên Mỹ tại tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi thấy quanh cảnh vắng lặng, những căn phòng làm việc xập xệ và cũ mèm. Ông Mai Văn Nho, Giám đốc công ty cho biết: Khu nhà này được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, giờ đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Thời điểm Nông trường Yên Mỹ chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV, khu nhà này được định giá một tỷ đồng, cũng chính là nguồn vốn duy nhất của công ty. Sau chuyển đổi (năm 2010), công ty được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng 840 ha đất. Ðể phát triển sản xuất, kinh doanh, công ty đã rà soát và giao khoán cho 959 hộ canh tác, bình quân mỗi hộ 0,8 ha, hộ nhiều nhất 9 đến 10 ha với các cây trồng chính là mía, cao-su và một số diện tích lúa. Với phương thức giao khoán này, mỗi năm công ty thu của người nhận khoán số tiền tương đương 7% sản lượng thu hoạch (khoảng từ 3,5 triệu đồng/hộ nhận khoán/năm). Theo ông Nho, số tiền thu được này dùng để chi phí vào hoạt động quản lý, phúc lợi và khen thưởng của công ty. Tuy nhiên, đây cũng chính là mấu chốt làm người dân bức xúc vì theo họ, hoạt động hiện nay của công ty chẳng khác nào “phát canh, thu tô”, người nhận giao khoán chịu mọi thiệt thòi.
Ông Trần Bá Tá (thôn Sơn Ðồng, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống) cho biết: Gia đình tôi nhận khoán 3,3 ha, chủ yếu trồng cao-su, với gần một ha cây cho thu hoạch, còn lại là trồng mới. Khi được hỏi, với diện tích giao khoán này, hằng năm gia đình có nhận được khoản hỗ trợ đầu tư hay hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt từ công ty hay không? Ông Tá lắc đầu: Làm gì có hướng dẫn, từ ngày giao khoán đã như thế rồi. Tự làm, tự chịu nhưng hằng năm vẫn đều đặn nộp lại cho công ty 7% sản lượng thu hoạch. Ðã vậy, khi diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, bệnh dịch, chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Năm ngoái, bão làm đổ 0,7 ha cao-su nhưng cũng đành chịu thiệt. Các hộ dân trồng lúa cũng vậy. Hộ gia đình ông Nguyễn Ðức Du (thôn Trung Phú, xã Yên Mỹ) cho biết, gia đình nhận khoán 1,6 ha, chủ yếu trồng lúa. “Thu nhập không đáng kể, mỗi năm lại trừ đi khoảng 3,5 triệu đồng nộp lại cho công ty thì coi như lấy công bù vào vốn, chứ lấy đâu ra lãi. Xảy ra dịch bệnh, mất mùa thì coi như lỗ. Bà con nông dân có ruộng bị sâu bệnh phá hại hay bị bão lũ tàn phá còn nhận được hỗ trợ của Nhà nước nhưng hộ dân nhận khoán như chúng tôi thì không có. Vì đất của công ty giao khoán cho nên Nhà nước cũng không đầu tư nữa, trong khi chúng tôi muốn đầu tư mở rộng sản xuất thì cần có vốn.
Do hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất thấp, cho nên Công ty TNHH Yên Mỹ nộp thuế cho Nhà nước rất “khiêm tốn”. Tại công ty còn 294 công nhân có thời gian công tác trước năm 1995 đến nay chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội.
Ðem câu chuyện này trao đổi lại với Giám đốc Công ty TNHH MTV Yên Mỹ Mai Văn Nho, ông cho biết: Do không có vốn cho nên Công ty không có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất cũng như hỗ trợ các hộ dân. Công ty cũng gặp nhiều khó khăn chứ không riêng các hộ nhận giao khoán. Nếu cứ với phương thức hoạt động như hiện nay thì chúng tôi chỉ sống “lay lắt”. Chuyển đổi thành công ty nhưng thật ra chỉ là thay tên gọi mà thôi, nội dung không có gì khác. Tôi là giám đốc công ty mà cũng muốn nghỉ lắm rồi, huống chi anh chị em cán bộ. Ông Nho cũng chia sẻ thêm: Nếu quyết giữ lại mô hình công ty TNHH MTV như hiện nay, Nhà nước phải có hướng đầu tư vốn để Công ty triển khai các mô hình sản xuất kinh tế. Nếu không, buộc phải chuyển đổi theo hướng Công ty TNHH hai thành viên để có sự liên kết phát triển.
Tình trạng “phát canh, thu tô” diễn ra khá phổ biến ở Nông trường Hà Trung (thị xã Bỉm Sơn), vùng đất nổi tiếng với việc thâm canh mía, dứa. Ðược UBND tỉnh Thanh Hóa giao và cho thuê gần 1.750 ha, trong đó thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm là 16.405 nghìn m2 và tạm giao quản lý hơn một triệu m2. Ðến nay, phần lớn diện tích đất trên công ty đã giao khoán lại cho người lao động. Trên cánh đồng sản xuất của Ðội 4, anh Nguyễn Thế Hùng bức xúc nói: So với các xã lân cận, cùng một thửa đất nhưng người dân ở đó được miễn thuế đất nông nghiệp, được hỗ trợ giống, vốn, còn công nhân nông trường chúng tôi thì hằng năm phải nộp thuế đất và không được hỗ trợ bất cứ một khoản nào, kể cả khi có thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại hoàn toàn.
Một điều gây bức xúc lớn nhất với công nhân viên trong nông trường là hình thức tính. Theo anh Hùng, hằng năm, đến vụ thu hoạch, không cần biết nông trường viên bán sản phẩm được bao nhiêu tiền, lãnh đạo nông trường quy định người dân phải đem nộp toàn bộ số tiền bán được. Sau khi tính toán, ban lãnh đạo sẽ đưa ra một giá chung (bao gồm tiền thuê đất, hướng dẫn kỹ thuật, vật tư…) và trả lại số tiền còn lại, nếu thiếu người dân phải bù thêm. Chính vì vậy, theo tính toán của lãnh đạo công ty, có diện tích dứa bị chịu tiền thuê đất lên đến 10 triệu đồng/ha/năm. Mặt khác, để nhận được số tiền của mình, nông trường viên phải làm đơn, đi năm lần bảy lượt mới rút được số tiền chính đáng của mình. Và điều đáng nói là cũng không rút hết được tiền, nông trường sẽ cắt lại một khoản để gối cho vụ sau?
Thanh Hóa hiện có sáu công ty TNHH chuyển đổi từ nông trường quốc doanh, đang quản lý, sử dụng gần 7.100 ha đất nông nghiệp, 820,27 ha đất lâm nghiệp, trong đó đã giao khoán hơn 7.869 ha cho các hộ công nhân, hưu trí, nhân dân trong vùng theo Nghị định 135/NÐ-CP và Nghị định 01/NÐ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá của Ban pháp chế, HÐND tỉnh Thanh Hóa khóa 16: Sau chuyển đổi, việc thực hiện đổi mới, sắp xếp nông trường còn hình thức, chưa thực chất, toàn diện; chưa xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong quản lý, sử dụng đất đai, tạo yên tâm cho người lao động; lúng túng khi chuyển sang hạch toán sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Lợi nhuận, doanh thu có tăng so với trước khi chuyển đổi nhưng chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng về đất đai, nhân lực. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh, cho thuê, mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật, xây dựng nhà kiên cố trên đất giao khoán diễn ra nhiều nơi. Việc giao khoán đất cho các hộ dân chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định pháp luật; mức khoán, hình thức khoán thiếu công khai, dân chủ.
Cần bước đột phá tích cực
Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, sau 10 năm đổi mới, sắp xếp, hầu hết nông, lâm trường có tình hình tài chính yếu kém và sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp. Một số công ty nông nghiệp chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực đất đai được giao. Doanh thu trên một ha canh tác đạt 71 triệu đồng, nếu trừ các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam, thì chỉ còn đạt 25 triệu đồng/ha (bằng 30% bình quân của cả nước). Năm 2011, còn 18 công ty thua lỗ, chiếm 14,6% với mức lỗ bình quân 1,5 tỷ đồng/công ty. Ðối với các công ty lâm nghiệp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp hơn với bình quân doanh thu một ha đất canh tác chỉ đạt 11,7 triệu đồng/ha (bằng 80 đến 90% bình quân cả nước). Năm 2011, có 32 công ty lỗ (chiếm 22,2%), bình quân lỗ 766 triệu đồng/công ty.
Tài sản, vốn của công ty nông, lâm nghiệp là nhỏ bé, tài chính gặp nhiều khó khăn, trong khi đó vay vốn ngân hàng còn nhiều hạn chế do chưa trả được các khoản nợ trước đó. Bình quân vốn chủ sở hữu của công ty nông nghiệp, nếu trừ Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam chỉ còn 22,7 tỷ đồng/công ty; vốn điều lệ 21,4 tỷ đồng/công ty, nhiều công ty có vốn điều lệ chỉ khoảng một tỷ đồng. Bình quân vốn tài sản một công ty lâm nghiệp 27 tỷ đồng/công ty, vốn điều lệ 9,3 tỷ đồng/công ty, một số công ty vốn chỉ dưới một tỷ đồng.
Thu nhập bình quân của người lao động ở một số công ty nông nghiệp và nhiều công ty lâm nghiệp ở miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ chỉ một đến hai triệu đồng người/tháng; nhất là ở vùng Tây Nguyên, nhiều công ty lâm nghiệp không có nguồn thu, cho nên thu nhập từ lâm trường còn thấp hơn, thậm chí một số công ty lâm nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của công nhân.
Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Doanh, những bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan là do nhiều nông, lâm trường hoạt động trên địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạ tầng kinh tế – xã hội thấp; sản xuất phụ thuộc nhiều vào địa hình và khí hậu, thời tiết. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Ðó là nhận thức của nhiều cấp, ngành về mục đích, yêu cầu và nội dung Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị chưa đầy đủ, chưa đúng vị trí, vai trò của nông, lâm trường, còn tư tưởng coi nhẹ, tránh né. Một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường muốn duy trì cơ chế cũ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động tháo gỡ khó khăn, đổi mới quản lý, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế, chưa tạo được chuyển biến căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong một số công ty chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sự phối hợp với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý. Tổ chức, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của một số bộ, ngành và địa phương chưa quyết liệt, phối hợp thiếu đồng bộ, còn hiện tượng khoán trắng cho cơ quan chuyên môn.
Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, cần có bước đột phá tạo sự thay đổi cơ bản về quản trị doanh nghiệp, trước hết về quản lý sử dụng đất, vốn, tài sản tại doanh nghiệp…
Theo Thạc sĩ Vũ Duy Hưng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổng hợp số liệu báo cáo từ các đơn vị và các địa phương, tính đến đầu năm 2012, vốn chủ sở hữu của các công ty nông-lâm nghiệp là hơn 21,8 nghìn tỷ đồng, tổng vốn điều lệ xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng nhưng tổng số nợ của các đơn vị này lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng. Nhiều khoản nợ khó có khả năng thanh toán; chưa có doanh nghiệp nào được cấp bổ sung vốn lưu động khiến các đơn vị khó khăn trong đầu tư đổi mới thiết bị-công nghệ chế biến, đầu tư thâm canh vườn cây, nhất là trồng mới rừng. Năm 2011, tổng doanh thu các nông, lâm trường đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 12,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 3,8 nghìn tỷ đồng. Với quy mô đất đai, tài sản rất lớn thì kết quả kinh doanh trên đây là hết sức khiếm tốn. Cơ cấu đóng góp của các ngành thì phần lớn lợi nhuận và đóng góp ngân sách thuộc về các doanh nghiệp ngành cao-su (khoảng 90%), các lĩnh vực khác đóng góp không đáng kể. Kết quả báo cáo về thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp chuyển đổi từ nông, lâm trường cho thấy đang có xu hướng giảm, từ bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng năm 2011 xuống còn 2,9 triệu đồng/người/tháng (năm 2012). |