ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.
Cụ thể, về hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng và sản xuất nông lâm kết hợp, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên (có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng) được hưởng mức khoán bằng 1,5 lần mức khoán quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 về thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020.
Những diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ đã giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nếu tự nguyện tham gia trồng rừng được hỗ trợ tối đa bằng mức quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, để trồng rừng, chăm sóc rừng trồng các năm tiếp theo và được hưởng lợi từ rừng theo quy định hiện hành. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định.
Hỗ trợ một lần hộ gia đình được giao đất trồng rừng sản xuất từ 5 – 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng rừng. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định hỗ trợ khai hoang, phục hoá hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp theo mức: 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hoá, 15 triệu đồng/ha cải tạo thành ruộng bậc thang.
Hỗ trợ tiền mua giống, phân bón để chuyển đổi cây trồng
Hộ nông dân tham gia dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sản xuất được hỗ trợ một lần tiền mua giống và hỗ trợ ba năm tiền mua phân bón để chuyển từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm (chè, cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn quả…,); cây nguyên liệu sinh học.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền mua giống và phân bón cho ba vụ sản xuất liên tiếp để chuyển đổi cơ cấu giống đối với cây ngắn ngày, bao gồm: Cây lương thực, cây thực phẩm, cây hoa các loại.
Hỗ trợ từ một đến hai lần tiền mua giống gia cầm hoặc một lần tiền mua giống gia súc. Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.
Đối với hộ nghèo ngoài được hưởng các chính sách nêu trên còn được hỗ trợ một lần với mức 1,5 triệu đồng/hộ để cải tạo ao nuôi thuỷ sản có diện tích ao từ 100 m2 trở lên; hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ một lần cho hộ để mua giống cỏ trồng phát triển chăn nuôi trâu, bò, mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/ha đất trồng cỏ; hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo để mua giống gia súc, gia cầm thủy sản hoặc phát triển ngành nghề, mức vay được hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/hộ, thời gian hỗ trợ lãi suất là 3 năm.
Hỗ trợ phát triển sản xuất 15 tỷ đồng/huyện/năm
Cũng theo Quyết định, hộ nông dân trực tiếp chăn nuôi được hỗ trợ 100% tiền vắc xin và chi phí bảo quản vắc xin để tiêm phòng đối với các bệnh nguy hiểm: Lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả, dịch tai xanh ở lợn, cúm gia cầm.
Những huyện có hoạt động xúc tiến thương mại được hỗ trợ 200 triệu đồng/năm để thông tin thị trường cho nông dân; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của địa phương.
Mức hỗ trợ phát triển sản xuất bình quân 15 tỷ đồng/huyện/năm. Trường hợp nhu cầu cao hơn mức hỗ trợ này thì địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.