ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020”.
Phạm vi thực hiện đề án là hệ thống đô thị trên phạm vi toàn quốc (63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), tập trung vào các tỉnh và các đô thị chịu ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu. Phân theo 2 khu vực chịu tác động: Hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước; Hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm.
Đề án được lập cho giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Cụ thể, giai đoạn I (từ 2013 – 2015) thực hiện tại 6 đô thị gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau.
Giai đoạn II (từ 2016 – 2020) thực hiện cho 35 đô thị trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; 11 đô thị thuộc 10 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Giai đoạn sau 2020, thực hiện trên hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Đề án đề xuất tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2013 – 2020; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống Bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu).
Thứ hai, tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu.
Thứ ba, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, khung chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật,…
Thứ tư, hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.
Thứ năm, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện.
Thứ sáu, thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học – công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.