ThienNhien.Net – Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) đã có những chia sẻ cởi mở với NTNN về thực trạng môi trường Việt Nam.
Cần những hành động quyết liệt
Ông có thể cung cấp một cái nhìn tổng quan và ngắn gọn về thực trạng môi trường ở Việt Nam những năm qua?
– Thực trạng môi trường ở Việt Nam đang có những mảng màu tối sáng đan xen. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, đưa ra các chương trình hành động nhằm cải tạo môi trường nhưng tôi nghĩ rằng các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt hơn thì vấn đề môi trường mới được giải quyết rốt ráo.
Hiện nay nước ta vẫn còn rất nhiều khu vực bị ô nhiễm môi trường trầm trọng, rừng bị phá, đa dạng sinh học suy giảm, chất lượng nước ở các lưu vực sông bị ô nhiễm, chất lượng không khí chưa có dấu hiệu cải thiện ở các đô thị. Tình trạng chất thải rắn, xử lý chất thải rắn còn nhiều vấn đề.
Nhiều nhà máy luyện thép, xi măng, nhiệt điện đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhiều địa phương đang hy sinh môi trường để phát triển kinh tế… Môi trường nông thôn, môi trường làng nghề cũng đang gặp rất nhiều vấn đề. Các làng nghề chế biến, tái chế rất ô nhiễm, nhiều vùng nông thôn chưa kiểm soát được nước thải khí thải của các cơ sở sản xuất, trong nông nghiệp là thực trạng ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV)… Vì vậy có thể thấy rằng bức tranh môi trường Việt Nam có nhiều mảng tối hơn những mảng sáng.
Đứng ở góc độ nhà quản lý, ông thấy những vấn đề môi trường lớn nhất cần cấp bách giải quyết là gì?
– Có một số vấn đề về môi trường chúng ta cần ưu tiên giải quyết trước. Thứ nhất, cần cải thiện chất lượng các dòng sông, lưu vực sông, vấn đề nước thải ở các khu công nghiệp, làng nghề, nước thải các khu đô thị, tình trạng xây dựng thủy điện nhiều làm cạn kiệt dòng sông.
Thứ hai, vấn đề chất thải rắn không có phân loại rác thải nguồn, thu gom hạn chế, nhiều bãi rác không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm mặt nước ngầm, mất cảnh quan đô thị.
Thứ ba, vấn đề ô nhiễm không khí, một số đô thị có nồng độ bụi mịn rất cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân rất lớn. Bên cạnh đó là những vấn đề ô nhiễm nông thôn, ô nhiễm làng nghề cũng đang được các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết.
Thuốc BVTV đang “giết” ngành nông nghiệp
Được biết Bộ TNMT cùng các địa phương đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Mục tiêu cụ thể, quá trình triển khai của chương trình này là gì, thưa ông?
– Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2012-2015, hiện nay chương trình này đang được triển khai, Bộ TNMT cùng các địa phương đã xác định được các điểm nóng về ô nhiễm làng nghề cần ưu tiên xử lý trước, cụ thể sẽ tập trung khắc phục, cải thiện và phục hồi môi trường tại 47 làng nghề môi trường bị ô nhiễm và 100 khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu. Cùng với đó, chương trình sẽ triển khai xây dựng các mô hình điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để nhân rộng ra trên phạm vi cả nước.
Hiện nay cả nước có trên 4.500 làng nghề. Tình trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường khá phổ biến, tuy nhiên để xử lý triệt để vấn đề này là bài toán rất khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Hiện nay Tổng cục Môi trường đang xử lý một số kho thuốc BVTV tồn lưu nhưng do kinh phí đang hạn hẹp nên chưa làm được bao nhiêu. Đến thời điểm này, các kho thuốc BVTV vẫn tồn tại ở quy mô lớn. Để giải quyết tình trạng trên, cần có sự phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các bộ ngành công thương, nông nghiệp, TNMT và các địa phương. |
– Làng nghề Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng ở khía cạnh môi trường và tất cả những vấn đề của làng nghề đều rất khó xử lý.
Có thời điểm vấn đề làng nghề căng thẳng tới mức Quốc hội phải có chuyên đề giám sát đặc biệt về làng nghề, có nghị quyết về làng nghề; Thủ tướng cũng ra một đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Bộ TNMT cũng ra rất nhiều thông tư, các tỉnh cũng liên tục thanh kiểm tra làng nghề…
Hiện nay riêng về môi trường làng nghề, Bộ TNMT đang cùng Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các địa phương phối hợp để khoanh vùng, xử lý, khắc phục từng bước, việc khắc phục này cần nhiều thời gian và rất tốn kém.
Trong nông nghiệp, thực trạng ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV đang là vấn đề nóng bỏng khi có trên 1.000 điểm ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV tồn lưu tại 39 tỉnh, thành phố, vậy ông có đánh giá gì về tình trạng này?
– Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường có cả phần xử lý hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu. Hiện nay các loại hóa chất này tồn lưu dưới 2 dạng: Các loại hóa chất này tồn lưu trong các kho thuốc từ ngày xưa, qua thời gian ngấm dần xuống đất. Thứ hai là do người nông dân quá lạm dụng, sử dụng tràn lan nhiều loại hóa chất thuốc BVTV bị cấm. Thực trạng ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV kéo dài khiến môi trường đất, nước bị ô nhiễm, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của con người.
Vậy đến thời điểm này, các bộ ngành đang có những hành động gì để xử lý thực trạng trên, thưa ông?
– Tôi thấy rằng vấn đề ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV nếu không kịp thời xử lý, nó sẽ “giết chết” ngành nông nghiệp. Tôi nghĩ ngành nông nghiệp hiểu điều này hơn ai hết. Bộ TNMT đã ra danh mục các loại thuốc BVTV cấm sử dụng và đang làm việc với Bộ NNPTNT để họ hướng dẫn thêm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phải kiểm tra kiểm soát chặt hơn nữa để các loại thuốc BVTV cấm không được lưu hành trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!